Theo hồi ký “Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình” của bà Trần Kiếm Qua, người vợ Trung Quốc của tướng Nguyễn Sơn thì hồi hai người lấy nhau là thời điểm năm 1938. Lúc đó trong Bát lộ quân (đơn vị mà hai ông bà phục vụ) đang có quy định không cho phép binh sỹ kết hôn. Tuy nhiên sau sự việc của Nguyễn Sơn, đích thân Chủ tịch Mao Trạch Đông đã xem xét lại và Hồng quân Trung Quốc đã thay đổi quy định này.
Hình ảnh tướng Nguyễn Sơn trên bìa cuốn sách ảnh về ông của Nxb Thông Tấn. |
Tôi gật đầu, cảm thấy có điều bí ẩn.
"Cô có biết Bát lộ quân có một điều quy định, không cho phép quan binh kết hôn trong thời gian kháng Nhật không?”
Tôi lắc đầu: "Không biết ạ".
Lúc đó mặt tôi đỏ bừng lên. Bản tính tôi rất bướng, thế mà lúc ấy vì chuyện kết hôn bị phê bình, thật chẳng biết làm thế nào cho phải.
Thấy thái độ phản ứng của tôi, Vương Dật Quần dịu giọng hơn:
"Việc này không trách cô được, điều quy định này chỉ do Bát lộ quân quy định. Cô cũng lớn tuổi rồi, ở huyện Ngũ Đài, người tuổi như cô thì đã con bồng, con mang rồi".
Vương Dật Quần không phê bình tôi nữa, song trong lòng tôi rất không yên. Điều quy định chỉ áp dụng với người trong Bát lộ quân, thế nhưng "sai lầm" đó đều do chúng tôi gây nên. Nghĩ lại tôi vô cùng lo lắng cho Hồng Thủy. Vì việc lấy vợ này, Hồng Thủy bị phê bình, song ông không nói nửa lời cho tôi hay. Hồng Thủy là người tính tình quả cảm, chỉ cần thấy đúng là ông dám làm và cũng dám chịu. Trời có sập, thì một mình đội, quyết không để ai bị liên lụy, và nét mặt vẫn bình thản như không.
Tôi hiểu rõ tính cách của Hồng Thủy. Việc ông Vương gọi tôi lên nói, tôi cũng không kể lại với anh. Tôi nghĩ, Hồng Thủy đã chịu đả kích quá nhiều, lẽ nào tôi lại gây thêm nỗi đau lòng cho anh! Hồng Thủy đã ba mươi tuổi rồi, thời gian ở trong Bát lộ quân đâu còn là ngắn. Hàng ngày anh vẫn vui vẻ, nói nói, cười cười, không lúc nào thấy anh lộ vẻ buồn rầu. Một người chịu nhiều những đả kích như thế, nếu không có ý chí cách mạng kiên cường thì sao còn giữ vững được niềm lạc quan như vậy.
Việc Hồng Thủy và tôi lấy nhau, nghe nói trong Bát lộ quân thời đó là việc xảy ra đầu tiên. Một số cán bộ lớn tuổi đều cười: "Hồng Thủy đã bắn phát pháo đầu tiên rồi, chúng ta lớp lớn tuổi chắc có hy vọng sẽ được thay đổi!"
Sau đó nghe nói, tin ấy được truyền về Diên An, Mao Chủ tịch và Chu Tổng tư lệnh cảm khái nói: "Đây là lòng quân rồi! Con đường cách mạng Trung Quốc quá dài, rất nhiều chú bé ngày nào vào bộ đội, súng đeo dài lê thê, tham gia chống vây quét, trường chinh, đánh trận, đánh rồi, đánh nữa, nay đã quá tuổi, yêu cầu lấy vợ ngày càng bức thiết. Địa bàn của khu giải phóng có hạn, con gái vốn dĩ đã thiếu, nay lại về đóng thêm bao nhiêu quân, tỷ lệ nam nữ chênh lệch rất lớn. Tại Diên An tỷ lệ đó đã đạt tới mười tám nam trên một nữ. Tranh đàn bà con gái của dân, thì làm sao còn được lòng dân. Phải nghĩ ra một kế, hạn chế việc bộ đội kết hôn thôi, chứ không cấm hẳn”.
Các anh bàn đi tính lại rồi ra một quy định gọi là "28 + 7 + đoàn” (Đoàn: trung đoàn), tức là người đã đủ hai mươi tám tuổi, có bảy tuổi quân, là cán bộ cấp trung đoàn, phù hợp với điều kiện trên thì được phép kết hôn. Tuy có quy định nghiêm như vậy, song số lượng nữ đồng chí quá ít. Vì vậy bộ đội chiến đấu có thêm một nhiệm vụ nữa: mỗi khi đến một nơi nào, hết sức thu nạp nữ thanh niên tham gia quân đội, làm cán bộ.
Nói đến chuyện này, các đồng chí lớn tuổi hồi đó đến nay vẫn còn nói: "Phải cảm ơn Hồng Thủy đã nổ phát súng đầu tiên!".