(ĐSPL) – Đi lính được 2 năm, anh trở về với đôi chân không còn nguyên vẹn. Cứ nghĩ thế là hết nhưng một câu chuyện cổ tích đã đến với cuộc đời anh…
Tập đi... khi 20 tuổi
Đó là câu chuyện thật giữa đời thường của vợ chồng anh Trần Thanh Tùng (SN 1966) và chị là Lê Thị Đức (SN 1971, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ).
Năm 18 tuổi, với lòng yêu nước, anh Tùng xung phong nên đường nhập ngũ.
Anh được phân công vào đơn vị công binh, nhiệm vụ là cùng đồng đội tham gia dò phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh để mở đường. Thế nhưng trong một lần dò phá bom mìn, quả mìn phát nổ khiến anh bị cụt cả hai chân lên đến tận bẹn.
Sau một khoảng thời gian dài nằm điều trị tại nhiều bệnh viện quân y khác nhau, anh Tùng trở về trên một chiếc xe lăn với đôi chân cụt và một suy nghĩ rằng tương lai của anh đã khép lại, anh sẽ phải sống đến hết quãng đời còn lại trong bộ dạng tàn phế, là gánh nặng cho gia đình.
Anh Tùng với nghề thợi mộc của mình. |
Thời gian đầu trở về, mặc cảm với bộ dạng của mình nên suốt ngày anh chỉ quanh quẩn ở nhà với chiếc xe lăn. Nhưng rồi với ý chí của một người lính, anh đã quyết tâm làm lại cuộc đời mình từ việc tập đi...khi đã 20 tuổi đời.
Việc di chuyển bằng xe lăn nhiều khó khăn vì chỉ đi được ở những địa hình bằng phẳng. Những khi có việc cần, anh phải nhờ người cõng. Nhiều lần như thế anh ngại, anh quyết tâm tìm cách để có thể đi lại được trên mọi địa hình.
Cuối cùng anh Tùng tìm gỗ rồi tự đóng hai chiếc ghế gỗ cao khoảng 20cm. Anh tì hai tay vào hai chiếc ghế nâng cơ thể lên rồi di chuyển bằng hai tay, mỗi khi mỏi thì anh dùng chiếc ghế để ngồi nghỉ luôn.
Những ngày đầu tập đi bằng tay đối với anh rất vất vả, hai cánh tay mỏi nhừ. Lâu dần việc di chuyển bằng tay của anh linh hoạt và dễ dàng hơn và từ đó đôi tay cũng chính là đôi chân của anh.
Gặp người trong mộng ở chợ
Có thể tự đi lại được nên anh Tùng đã tự tin ra ngoài giao du và trong lần đầu cùng mẹ ra chợ anh đã gặp được người phụ nữ của cuộc đời mình, mà theo anh Tùng, đó có lẽ là định mệnh sắp đặt cho hai người gặp nhau.
Năm đó, chị Đức 17 tuổi, là cô gái đẹp nhất nhì trong vùng. Sau giây phút thoáng gặp, lúc nào anh cũng nhớ đến hình ảnh của chị. Từ đó anh Tùng đi chợ nhiều hơn, nhiều khi chẳng mua bán gì anh cũng đi chỉ để được nhìn chị Đức.
Mặc dù rất yêu nhưng vì mặc cảm bản thân nên anh Tùng lưỡng lự mãi không tiến đến làm quen. Cuối cùng con tim đã chiến thắng lý trí, anh đánh liều một phen đến bắt chuyện với chị Đức.
Thật bất ngờ, chị Đức lại vui vẻ trò chuyện với anh, thậm chí còn tỏ ra rất đồng cảm và khâm phục nỗ lực của anh. Sau nhiều lần gặp gỡ, cả hai yêu nhau lúc nào không hay.
Yêu nhau được hai tháng, cả hai quyết định sẽ gắn bó với nhau lâu dài nhưng lại gặp phải sự phản đối kịch liệt phản từ gia đình chị Đức.
Buồn lòng, nhiều đêm anh Tùng thức trắng để suy nghĩ có cách gì đến được với nhau mà không để gia đình hai bên phản đối. Nghĩ mãi chỉ có một cách, anh phải làm được nhiều việc mà những người lành lặn có thể làm được. Chỉ như thế mới không ai coi anh là một kẻ tàn phế không có tương lai.
Câu chuyện tình cổ tích của anh Tùng - chị Đức. |
Thế là hàng ngày anh Tùng dậy sớm phụ mẹ dọn hàng ra chợ bán, thỉnh thoảng anh lại tranh thủ sang nhà người yêu xem có việc gì không để anh làm giúp mà chẳng ngại công việc gì.
Cuối cùng cảm động trước nghị lực của anh, gia đình chị Đức cũng đồng ý cho hai người kết hôn.
Cụt hai chân vẫn là lao động chính trong gia đình
Anh Tùng bảo, những năm đầu sau khi kết hôn, cuộc sống của hai vợ chồng vô cùng vất vả. Anh đi xin việc làm nhưng không ở đâu nhận anh. Rồi anh quyết định sẽ chèo thuyền đi đánh cá ở những con sông gần nhà.
Anh không biết bơi nên thời gian đầu ngày nào vợ anh cũng cùng anh ra sông tập bơi bì bõm dưới sông đến 5-6 tiếng đồng hồ. Vì anh Tùng không có chân để đạp nước nên việc bơi lội rất khó, và phụ thuộc tất vào hai tay. Cuối cùng bằng quyết tâm anh Tùng cũng bơi và vợ anh cũng biết bơi luôn.
Từ đó hàng ngày anh Tùng đi răng lưới bắt cá mỗi ngày cũng được vài chục cân cá các loại mang về đưa cho vợ mang đi bán.
Hàng ngày, anh vẫn giúp vợ những việc như cho gà ăn... |
Ngoài việc có thể chèo thuyền bắt cá, anh Tùng còn có thể trèo cây dừa hái quả bằng đôi chân tật nguyền của mình, một công việc mà không phải ai cũng làm được. Nhưng ít ai biết, anh có thể làm được điều phi thường đó xuất phát từ việc chiều vợ.
“Có hôm hai vợ chồng đang ngồi chơi dưới gốc dừa, vợ tôi nhìn lên cây dừa và bảo: “em khát quá, ước gì anh có thể trèo lên cây dừa hái quả xuống cho em uống”. Thế là vợ nói dứt câu, anh Tùng treo lên cây hái thật.
Anh Tùng bám chặt hai tay vào cây dừa, đoạn chân cụt anh quặp vào cây dừa rồi cứ thế đu lên. Trèo vài lần rồi thành quen, anh Tùng trèo nhanh thoăn thoắt hái trái để cho vợ con uống và mang đi bán. Thậm chí anh còn đi trèo hái dừa thuê cho bà con quanh vùng.
Theo anh Tùng, mấy năm nay cá không còn nhiều như trước, anh nghĩ cách học rồi chuyển sang nghề thợ mộc. Anh đóng thuê cho người dân quanh vùng những chiếc chuồng gà chuồng chim.
Chị Đức tự hào chia sẻ: “Lúc mới lấy nhau ai cũng bảo có lẽ cả cuộc đời này tôi phải nuôi chồng. Nhưng không ai ngờ rằng anh ấy mới là lao động chính trong gia đình. Anh ấy kiếm tiền để nuôi tôi đấy chứ tôi có nuôi chồng được ngày nào, chỉ phụ giúp được anh ấy vài việc lặt vặt”.
Tuy có hoàn cảnh đặc biệt như vậy nhưng giờ đây so với những gia đình xung quanh, gia đình anh Tùng vẫn thuộc hàng khá giả nhất. Các con anh Tùng đều đã khôn lớn, cậu con cả đã lấy vợ sinh con và có nghề nghiệp ổn định. Cô con gái út năm nay đang học lớp 12 chuẩn bị học đại học.
Với những nghị lực phi thường của anh Tùng, chị Đức thể tự hào rằng mình đã quyết định yêu và lấy anh Tùng là hoàn toàn đúng đắn. Cũng nhờ tình yêu của chị Đức mà anh Tùng thêm nghị lực, ý trí hơn trong cuộc sống. Dù khó khăn đến đâu nhưng chỉ cần nghĩ đến vợ con, anh Tùng đều có thể vượt qua được.
KIỀU LINH