(ĐSPL) - Lúc mọi người tưởng chị đã chết thì chị lại được cứu sống như một sức mạnh diệu kỳ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị lại đã vĩnh viễn mất anh, người chồng đã kề vai, sát cánh, chăm sóc chị suốt 4 năm bệnh tật kéo dài.
Cả xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, có lẽ không ai không biết đến hoàn cảnh éo le, đau thương của chị Lê Thị Toan, ở xóm 10. Chị và anh đều ở cùng làng, biết và yêu nhau từ thủa còn đi chăn trâu, bắt cá, nạo nghêu ven biển. Đức tính thảo hiền, hay lam hay làm của chị đã khiến cho anh mê mẩn, chàng trai quê biển rắn rỏi, chất phác, thật thà.
Sau những ngày hẹn hò thắm thiết, năm 1997, anh chị cưới nhau. Như bao đôi trẻ khác, tổ ấm của gia đình trẻ phải trải biết bao sóng gió. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp, vốn liếng cũng không. Suy tính mãi, anh quyết định vào tận đảo Phú Quốc đi đánh cá thuê. Còn chị ở nhà chăm lo đồng ruộng, phát triển chăn nuôi.
Năm 1999, chị sinh cháu trai đầu lòng, cuộc sống vốn đã vất vả nay càng vất vả thêm. Với đức tính chịu khó, tằn tiện chi tiêu, từ rau củ, con tôm, con cá, chị đều tự kiếm được. Bàn tay khéo léo của chị rồi cũng chu toàn được cuộc sống cả gia đình. Sau bao năm xây dựng, anh chị cũng góp nhặt xây được căn nhà mới khang trang.
Hạnh phúc tưởng chừng đã bắt đầu đến với gia đình nhưng thật oái oăm, ngôi nhà mới khánh thành chưa được bao lâu thì chị đổ bệnh. Ban đầu chỉ ba nốt ban đỏ mọc giữa tay, sau đó lan dần ra khắp người. Sức khỏe một ngày một yếu dần, có lúc chị ngỡ mình đã kiệt sức. Vốn tính hay làm, thương chồng, thươn g con, chị cố gắng chịu đựng một mình, tiếp tục làm lụng, chỉ mong có thêm tiền chăm lo cho gia đình.
Tháng 5 năm 2006, lúc chị không gượng nổi nữa, anh về quê đưa chị đi khám bệnh. Lúc đầu là Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu, rồi Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Lao, vẫn không xác định được bệnh gì.
Mỗi lần đi, anh chị phải mất cả ngày trời chờ kết quả nhưng thất vọng vẫn hoàn thất vọng. Trở về nhà, cả gia đình bất an, chán nản, chị chỉ nghĩ có lẽ mình đã bị ung thư. Không chỉ có chị mà anh cũng trở nên gầy gò, phờ phạc. Mặc dù sau khi cưới nhau, anh phải tha phương làm ăn nhưng tình yêu anh dành cho chị là vĩnh cửu. Hơn lúc nào hết, anh luôn động viên, sẻ chia và là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất giúp chị tiếp tục nuôi hy vọng, tiếp tục tìm đến tuyến xa hơn để tìm ra căn bệnh.
Đầu năm 2007, anh chị vay mượn 5 triệu đồng tiếp tục ra Bệnh viện K, Bệnh viện 108, rồi Bệnh viện 103 Hà Nội để tiếp tục tìm bệnh. Nhưng vẫn như cũ, sau bao nhiêu ngày chờ đợi, kết quả vẫn được xác định là chị bị viêm đa khớp.
Tạm yên tâm với kết quả, hai vợ chồng cầm đơn thuốc mua về tự điều trị. Thật oái ăm, bệnh tình không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Chị càng yếu dần đi. Nếu như trước đây, chị chỉ mỏi mệt thì nay uống thuốc vào chị không làm được việc gì, tất cả nội tạng trong người chị sưng to, đau đớn quằn quại, tóc rụng dần.
Thuốc Tây không được, thương chị, anh lại tìm đến thuốc Bắc chỉ mong chị gặp đúng thầy, đúng thuốc. Sắc chén thuốc Bắc đầu tiên, bệnh vẫn không thuyên giảm. Gọi điện hỏi thầy, thầy bảo thuốc chưa ngấm. Sắc chén thuốc thứ hai, uống được một ngày, máu nơi miệng chị chảy ra liên tục.
Chị vẫn nhớ, ngày đó, vào năm 2007, lúc cơn bão số 7 đổ bộ vào đất liền. Cả Bệnh viện Diễn Châu đều sơ tán, chỉ còn vài y, bác sỹ ở lại trực. Anh hoảng hốt vượt quãng đường dài, đội mưa to, gió lớn, đưa chị vào bệnh viện. 15 ngày điều trị liên tục, bệnh không giảm, máu vẫn chảy, chị sốt cao liên tục 39-40 độ C. Tất cả mọi người đều đã nghỉ, có lẽ chị không qua khỏi. Tiếp tục điều trị chỉ là giải pháp để an ủi chờ ngày chị vĩnh viễn lìa xa mọi người.
Không cam tâm để vợ chết, anh vẫn nuôi hy vọng: chị sẽ được cứu sống. Anh về nhà tiếp tục vay mượn tiền, 12 giờ đêm, trốn Bệnh viện thuê xe đưa chị ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Nằm ở khoa Dị ứng máu 2 tháng, bệnh vẫn không thuyên giảm mà còn có chiều hướng trầm trọng thêm. Thương chồng chị cắn lưỡi tự tử mấy lần nhưng không chết. Chị định nhảy lầu tự vẫn nhưng khi nghĩ đến tình yêu của chồng, chị không can tâm. Nội tạng chị sưng to, sốt vẫn cao liên tục, chị mê man bất tỉnh. Tay chân không cử động được, mắt mờ không nhìn thấy mọi vật xung quanh. Mọi cảm giác về cuộc sống dường như không còn, tiền thuốc men điều trị ngày một nhiều.
Tuy vậy, anh vẫn một mực bên chị, không bỏ rơi vợ một ngày nào. Chị sống như một người thực vật. Còn anh, hàng ngày chăm sóc, tắm rửa, thay đồ, bón cho chị ăn từng thìa cháo, sữa. Việc làm đầy yêu thương vợ của anh đã khiến cho không biết bao bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện cảm động, chảy nước mắt.
Còn anh, anh chỉ nghĩ một điều thật đơn giản: Tình nghĩa vợ chồng trăm năm, có phúc sẽ có phận. Thấy hoàn cảnh thương tâm của anh chị, bác sỹ trong khoa tạo việc làm cho anh có thêm tiền chữa trị cho vợ. Buổi ngày anh đi làm, lắp cửa nhôm kính, ban đêm anh lại về bên vợ. Ngày nào cũng như ngày nào, chưa một khó khăn nào khiến anh bất lực, không một vất vả nào làm anh nhụt chí, bi quan vì số phận. Càng khó khăn, tình yêu anh dành cho chị càng lớn thêm.
Sự cố gắng của anh đã được đền đáp. Sau khi ở Bệnh viện Bạch Mai không xác định được bệnh, anh lại đưa chị sang bệnh viện Nhiệt Đới. Tại đây, chị đã gặp được thầy thuốc giỏi, lại cùng quê Nghệ An.
Sau 4 năm điều trị, cứ 15 ngày ra Bệnh viện một lần, chị đã bắt đầu trở lại với cuộc sống bình thường. |
Thương cho hoàn cảnh của vợ chồng, bác sỹ giúp đỡ tận tình, chu đáo. Sau 8 ngày tìm bệnh, xét nghiệm máu, chọc tủy kiểm tra, bác sỹ đã xác định chị bị bệnh Ru Bút ban đỏ hệ thống. Đây là căn bệnh hiếm, nguy hiểm, không có thuốc điều trị khỏi bệnh mà người bệnh phải sống chung với nó suốt đời, cần nhiều tiền để điều trị. Sau khi có kết quả, chị được gửi trở lại Khoa Dị ứng máu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị. Sau thời gian 4 tháng, bệnh của chị bắt đầu đỡ dần. Như một đứa trẻ, chị phải tập nói, tập đi, luyện tập trí nhớ.
Bệnh thuyên giảm, chị lại phải đối mặt với chi phí điều trị khổng lồ với hàng trăm triệu đồng. Anh lại một lần nữa tiếp tục vay mượn bà con, anh em, bạn bè giúp đỡ. Ở quê, bà con, chính quyền xã Diễn Thành, UB MTTQ huyện Diễn Châu cũng đã tổ chức quyên góp giúp gia đình chị.
Sau 4 năm điều trị, cứ 15 ngày ra Bệnh viện một lần, chị đã bắt đầu trở lại với cuộc sống bình thường. Nhưng hạnh phúc chưa tày gang, đêm ngày 20/11/2011, sau khi gọi điện về nhà hỏi thăm vợ con đã đến nhà thầy cô chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, anh bị tai nạn giao thông. Mọi người đưa anh vào Bệnh viện. Anh bị bất tỉnh, chấn thương não.
Sau bao nhiêu nổ lực của Công ty nơi anh làm việc, anh em thuê cả bác sỹ đưa về nhà chăm sóc riêng, ngày 24/1/2012, anh được đưa về nhà và mất sau đó không lâu. Không thể kể hết những đau thương, mất mát, chị quằn quại đau đớn. Tất cả những bất hạnh dường như chỉ tập trung vào gia đình chị. Trong ngôi nhà nhỏ ven biển, từ lâu lắm rồi, tiếng cười không còn hiện hữu.
Con chị, hai đứa còn nhỏ nhưng đã sớm thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ. Trong tâm hồn hai đứa vẫn luôn ao ước có một ngày cả bố và mẹ sẽ ở bên mình, được ríu rít khoe những bông hoa điểm mười như chúng bạn. Hai đứa đều chăm ngoan, học giỏi, cố gắng đạt nhiều thành tích cao trong học tập như học sinh giỏi, cháu ngoan Bác Hồ...Những ngày bố mẹ xa nhà, hai đứa không hề không hề khóc lóc, sợ hãi. Đứa lớn chăm sóc đứa bé. Cùng với sự giúp đỡ của mọi người, hai anh em nương tựa vào nhau để sống. Nhưng ngày đoàn tụ như mong ước đã không còn.
Vắng bóng anh, chị trở về với cuộc sống thực tại. Chị như cái bóng vô hồn. Mọi cử chỉ, hành động, mọi vật dụng anh dùng, cứ nhìn vào đó, chị lại thấy anh. Đêm đêm trong giấc mơ của chị, anh vẫn yêu chị, vẫn chăm sóc chị như ngày nào.
Anh mất đi, chị như bị mất phương hướng. Cuộc sống, bệnh tật đeo bám, chị không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng khi nhìn về hai đứa nhỏ, chị thảng thốt giật mình, nếu mình cũng ra đi thì hai đứa sẽ như thế nào. Chị như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua. Bệnh của chị phải tránh ánh nắng mặt trời. 3- 4 giờ sáng chị dậy, chuẩn bị đồ ăn cho con, chị chuẩn bị đồ đi bán hàng tạp hóa cho trẻ em trường mầm non.
Những ngày sức khỏe đảm bảo, chị đi bưng bê, rửa bát thuê cho các quán dưới biển đến tận 12 giờ đêm mới về. Mỗi ngày ngày nhiều thì được 5 chục ngàn, ngày ít thì 20 chục ngàn, chị cố gắng kiếm tiền thuốc men chữa trị và nuôi các con.
Anh mất đi, chị tìm kế sinh nhai, nuôi hai con nhỏ. Chị chỉ mong ước một điều: sống cho đến khi các con khôn lớn để chúng khỏi bơ vơ. |
Chị chỉ mong ước một điều: sống cho đến khi các con khôn lớn để chúng khỏi bơ vơ. Những bất hạnh liên tục giáng xuống cuộc đời chị, giờ đã không còn là trở ngại. Mỗi tháng, chị vẫn đều đặn ra Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra sức khỏe và mua thuốc về uống. Mọi người anh em, bạn bè vẫn giúp đỡ chị nhưng hơn bao giờ hết chị vẫn luôn cần có thêm những tấm lòng hảo tâm để vơi bớt khó khăn.
Hàng ngày, chị vẫn đẩy xe hàng rong đến với các em nhỏ. Ở đó chị tìm thấy được niềm vui, niềm vui của bản thân và các con của chị. Chị vẫn cảm giác, anh vẫn luôn bên chị, song hành cùng những việc làm, hành động, giúp chị có nghị lực để vượt qua khó khăn, cố gắng làm nhiều thêm những việc hữu ích. Giờ đây, quan niệm về cuộc sống với chị thật đơn giản: có sức khỏe sẽ có cả thế giới xung quanh và tình yêu của anh dành cho chị là vĩnh cữu muôn đời.