+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình cảm động của cô gái với chàng trai bị liệt hai chân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cảm thương, khâm phục nghị lực của Tĩnh và xúc động hơn với câu chuyện tình đẹp như mơ mà hai vợ chồng Tĩnh đã viết lên bằng trái tim, bằng tình yêu không tính toán...

    Càng cảm thương lại càng khâm phục nghị lực của Tĩnh và xúc động hơn với câu chuyện tình đẹp như mơ mà hai vợ chồng Tĩnh đã viết lên bằng trái tim, bằng tình yêu không tính toán của mình.

    Nhìn hoàn cảnh của Tĩnh, nhiều người không khỏi thương cảm, lo lắng cho tương lai gia đình nhỏ bé của anh. Chồng thì liệt, vợ thì vừa chăm con nhỏ, vừa chăm chồng liệt, thu nhập gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng. Càng cảm thương lại càng khâm phục nghị lực của Tĩnh và xúc động hơn với câu chuyện tình đẹp như mơ mà hai vợ chồng Tĩnh đã viết lên bằng trái tim, bằng tình yêu không tính toán của mình.

    Mối tình qua… radio

    Đặng Văn Tĩnh (SN 1986) ở xã Đồng Than, Yên Mỹ (Hưng Yên) sinh ra cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Bi kịch ập đến vào năm Tĩnh lên lớp 5, cậu thường xuyên bị tê buốt chân tay. Một lần đang đi học, Tĩnh bỗng bị ngã ra đường, rồi hai lần, ba lần như thế, các khớp tay, khớp chân của Tĩnh cứ lỏng lẻo dần, rồi mềm oặt.

    Gia đình lo lắng, đưa Tĩnh đi khắp các bệnh viện nhưng tất cả các bác sĩ, giáo sư hàng đầu cũng không thể biết Tĩnh bị bệnh gì. Tình trạng bệnh phát triển, hai chân tay teo tóp dần, Tĩnh phải nằm một chỗ và ngồi trên xe lăn để di chuyển. Tĩnh không thể tự làm được gì, ngay cả việc đơn giản nhất là ăn uống vì lúc này, hai tay đã mềm như bún.

    Mùa đông thì bố mẹ phải xúc cơm cho, mùa hè thì mẹ đặt bát cơm lên cái ghế cao ngang miệng rồi đặt tay cầm thìa của Tĩnh lên đấy để em tự xúc ăn. Bên ngoài, Tĩnh luôn tỏ ra mạnh mẽ, nhưng cứ tối về lại nằm khóc một mình.

    Cảm thông và cảm phục nghị lực của Tĩnh, không ít cô gái trong làng đã đem lòng yêu thương. Tuy nhiên, mỗi khi công khai và đặt vấn đề yêu đương, gia đình bạn gái đều phản đối kịch liệt. Họ không cho phép con gái tiếp tục yêu và lấy một người tàn tật như Tĩnh vì sợ con khổ. Cuối cùng, hai mối tình sâu đậm của Tĩnh cũng không vượt qua được rào cản gia đình và đều đổ vỡ.

    Sau những đổ vỡ tình yêu, Tĩnh trở nên tự ti và sống khép kín hơn, chỉ làm bạn với máy tính và chiếc radio. Đọc nhiều, nghe nhiều, Tĩnh mới thấy nhiều hoàn cảnh còn đáng thương hơn mình, và vì vậy, mình phải sống mạnh mẽ hơn.

    Một lần, Tĩnh mạnh dạn chia sẻ về hoàn cảnh của mình trên radio với mong muốn nhận được những động viên, đồng cảm của mọi người. Lần ấy, Tĩnh nhận được rất nhiều thư, điện thoại hỏi thăm và khích lệ tinh thần, trong đó có một cuộc điện thoại từ một cô gái ở tận Đồng Nai có giọng nói nhẹ nhàng, dễ thương. Đó là Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh năm 1988.

    Mới đầu là những chia sẻ, động viên như những người bạn, Trang sẵn sàng lắng nghe những tâm sự của Tĩnh. Hai người nói chuyện với nhau rất hợp. Lâu dần thành quen, rồi nhớ. Suốt một năm trời, hai người vừa nhắn tin, gọi điện, tâm sự không ngừng một ngày nào.

    Lúc đó tôi đã thầm thương trộm nhớ Trang rồi, nhưng không dám nói vì tự ti hoàn cảnh của mình. Có lần, tôi đã chủ động cắt đứt liên lạc vì sợ mối tình này rồi cũng đi vào sự đổ vỡ, ngăn cản như những cô gái trước đây. Nhưng cuối cùng lý trí không thắng nổi trái tim, đặc biệt khi cô gái mà mình yêu thương cũng đáp lại cho mình những tình cảm đặc biệt”, Tĩnh chia sẻ.

    Và Tĩnh quyết định “đánh liều” ngỏ lời với cô gái chưa từng gặp mặt. “Tôi nhớ như in đó là trước đêm giao thừa năm 2011. Tôi đã ngỏ lời yêu Trang, “cho anh một cơ hội bên em nhé”. Nhắn xong tin đó, tim tôi như ngừng đập, tôi đã sẵn sàng cho một sự im lặng, hoặc đau đớn hơn là lời từ chối của Trang”.

    Sau giây phút chờ đợi, trái tim chàng trai trẻ như nổ tung khi nhận được từ phía bên kia tin nhắn của Trang: “Em chờ đợi câu nói này của anh lâu lắm rồi anh có biết không”.

    Cũng từ đây, dù chưa một lần gặp mặt nhưng những tin nhắn, những cuộc điện thoại và những lá thư đã nuôi dưỡng tình yêu của hai người. Dù chưa gặp mặt, nhưng bất cứ chuyện gì, vui buồn Tĩnh đều chia sẻ với Trang, họ như có một sợi dây gắn kết vô hình, thân thuộc lắm. Cho đến một ngày, Trang quyết định nghỉ việc và lặn lội từ Đồng Nai ra Hà Nội thăm Tĩnh và gặp gia đình người yêu.

    Chuyện tình cảm động của cô gái với chàng trai bị liệt hai chân
    Đám cưới của Tĩnh và Trang diễn ra vô cùng ấm cúng

    Vượt qua những rào cản

    Bước chân xuống sân bay, điều Trang bất ngờ và xúc động nhất, người ra đón Trang chính là cha Tĩnh. Hai con người chưa từng gặp mặt nhưng có cảm giác thật gần gũi, cứ như định mệnh đã sắp xếp họ trong một gia đình vậy. “Nhìn thấy bác, tôi cảm giác vô cùng thân thiết, gần gũi. Không biết tại sao tôi cứ suy nghĩ mình nhất định phải trở thành con dâu của bác”, Trang chia sẻ.

    Về đến nhà Tĩnh, nhìn thấy người yêu nằm trên giường, lòng Trang trào dâng một sự yêu thương. Không hiểu sao, lúc ấy Trang cứ thế chạy vào ôm chầm lấy Tĩnh, rồi cả hai cùng khóc như hai đứa trẻ.

    Gặp người yêu, bao nhiêu nhớ nhung, yêu thương được giải tỏa, nhưng hơn lúc nào hết, Tĩnh càng mặc cảm khi trước mắt mình là một cô gái lành lặn, xinh đẹp. Tĩnh hỏi Trang: “Gặp anh rồi, em có còn yêu anh nữa không?”. Trang bảo: “Nếu như không yêu anh thì em đã không có mặt ở đây rồi, em mong anh hãy tin vào tình yêu của em, tin vào trái tim em”.

    Và những ngày cô gái lưu lại ở đây là những ngày gia đình Tĩnh ngập tràn hạnh phúc.  Hai người lên kế hoạch đi chụp ảnh cưới và nhờ bạn bè giúp đỡ. “Đến gần lúc đi chụp ảnh cưới, hai đứa tôi xin phép bố mẹ thì cả nhà mới ngớ người ra. Bố mẹ tôi còn ra sức “khuyên can” Trang, bảo yêu thì yêu, chứ nếu cưới nó thì cháu sẽ vất vả lắm đấy. Nhưng Trang vẫn quả quyết sẽ lấy tôi”, Tĩnh kể.

    “Lúc đó tôi cũng chưa hết lo lắng đâu, cứ tận hưởng một phút giây hạnh phúc thì tôi lại sợ nó vuột mất ngay. Nhất là khi bàn đến chuyện cưới xin, tôi thế này, không thể vào ra mắt và xin phép bố mẹ Trang được.

    Cân nhắc mãi, cuối cùng tôi quyết định gọi điện xin cưới qua điện thoại. Đó là những lúc rất khó khăn và khổ tâm. Dù Trang đã trình bày trước về hoàn cảnh của tôi, dù gia đình Trang rất thông cảm với tôi nhưng khi tôi xin được cưới Trang, gia đình vẫn phản đối.

    Tôi cũng hiểu, gia đình Trang chưa gặp tôi, chưa biết tôi là người như thế nào, lại thêm cái khó là tôi bị liệt, Trang lấy tôi sẽ khổ. Gia đình lo lắng như vậy là tất nhiên, tôi không dám trách mà chỉ kiên trì thuyết phục.

    Tôi bảo với bố mẹ Trang: “Con là người khuyết tật nhưng trái tim con không khuyết tật. Con không đi lại được nhưng con hứa sẽ là một người chồng, người cha đúng mực, con sẽ không làm gánh nặng cho vợ con, sẽ chăm sóc gia đình mình bằng chính khả năng và nghị lực của mình”. Mưa dầm thấm lâu, cảm phục trước nghị lực và tình cảm của Tĩnh, bố mẹ Trang cuối cùng cũng đồng ý.

    Nhờ em trai làm… chú rể

    Trong ngày cưới, Tĩnh không thể đi lại nên không thể vào đón vợ được. Hơn nữa, bố mẹ hai bên cũng phòng xa, nếu Tĩnh vào đón dâu, e rằng họ hàng, cô dì chú bác hai bên sẽ ngăn cản, sẽ không cho rước râu.

    Bàn đi tính lại, cuối cùng hai gia đình quyết sẽ nhờ em trai Tĩnh “đóng thế” anh làm chú rể trong ngày cưới. Mẹ Trang bảo, nếu mà họ hàng biết Trang lấy một người liệt thì chắc chắn sẽ không cho rước râu vì thương con cháu, vì vậy cứ nhờ người đóng giả, rồi sau khi cưới nhau, nếu sống hạnh phúc, có con cái mang về nói chuyện với họ hàng sau cũng được.

    Hôm đó khi tổ chức lễ thành hôn, nhiều người tinh mắt cũng thắc mắc “sao chú rể không giống trên ảnh cưới”, cả nhà dâu rể phải cười trừ: “Bây giờ photoshop, giống làm sao được”.

    Cuối cùng, vượt qua mọi khó khăn, họ đã đến được với nhau. Cưới vợ xong, hơn một năm sau Tĩnh mới về ra mắt họ hàng nhà vợ. Để xoa dịu những ánh mắt ái ngại của họ hàng, họ lại một lần nữa phải nói dối rằng Tĩnh mới bị liệt vì cảm. Nhiều người thương cảm cho Trang vì mới lấy chồng đã chịu khổ nhưng cũng không ít ánh mắt ác cảm. Có người bảo, chắc Trang bị “trời đày”, bao nhiêu người khỏe mạnh không lấy lại lấy phải thằng liệt.

    Tuy vậy, cuộc sống của Tĩnh - Trang đã chứng minh một điều, tình yêu có thể xóa nhòa mọi khoảng cách, mọi định kiến. Đến nay, gia đình nhỏ ấy tràn ngập tiếng cười, và đứa con nhỏ hơn 1 tuổi chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu đẹp đó.

    Đó cũng chính là cách mà Tĩnh - Trang cảm ơn cuộc đời, là câu trả lời cho những nghi ngờ, những định kiến. Tuy nhiên, khi nói về tương lai, Tĩnh - Trang cũng thoáng chút lo lắng. Hiện tại, vì bận chăm sóc chồng nên Trang chưa thể đi làm, kinh tế phụ thuộc vào thu nhập làm nông nghiệp.

    Dù hoàn cảnh, kinh tế còn rất khó khăn nhưng Tĩnh không trông mong vào sự thương hại của mọi người, bởi anh nghĩ mình còn may mắn hơn nhiều người khác. Tĩnh đã đứng ra thành lập câu lạc bộ “Tỏa sáng ước mơ” nhằm giúp đỡ những người khó khăn. Đến nay, câu lạc bộ đã có hơn 40 thành viên với những số phận khác nhau.

    Đều đặn hàng tháng, nhóm tình nguyện của Tĩnh tỏa đi các con phố từ Hưng Yên tới Hà Nội bán đĩa nhạc, bông tăm, và tổ chức chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện, do chính các thành viên trong nhóm sáng tác và biểu diễn. Tĩnh bảo, mỗi con người như một ngọn nến, dù cong hay thẳng, chỉ cần cháy hết mình thì nhất định sẽ sáng...

    Linh Chi(theo ANTĐ)

     



     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-cam-dong-cua-co-gai-voi-chang-trai-bi-liet-hai-chan-a27732.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Xuôi dòng Đà giang nghe chuyện tình ngọt ngào như cổ tích

    Xuôi dòng Đà giang nghe chuyện tình ngọt ngào như cổ tích

    (ĐSPL) - Men theo đường đê ven sông Đà, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Chu Phạm Minh Tuấn và chị Đặng Anh Thư một chiều thu tháng 10. Nơi đây, ai cũng kể bằng sự cảm phục với người con gái thành Nam xinh đẹp, nết na chấp nhận lên miền sơn cước này để kết duyên cùng chàng trai tật nguyền hơn mình 13 tuổi.