Dù nghề dệt ở làng Phùng Xá không còn “thịnh” như xưa, nhưng có một người phụ nữ vẫn nặng lòng với từng con tơ, sợi chỉ và luôn đau đáu khát khao “giữ lửa” nghề truyền thống. Đó là nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận (SN 1954), người biến hàng nghìn con tằm thành “thợ dệt” và dệt thành công lụa tơ sen tại Việt Nam.
Tìm về làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vào một buổi sớm, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì phong cảnh nơi đây đẹp như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Nép mình bên dòng sông Đáy hiền hoà, ngôi làng được coi là “thủ phủ” của tơ tằm vẫn in đậm nét thôn quê, từng ngõ ngách rộn vang những âm thanh đặc trưng phát ra từ máy dệt. Khi chúng tôi hỏi thăm về nghệ nhân Phan Thị Thuận, người dân nơi đây tận tình chỉ đến tận nhà của bà.
Gần 60 năm “kết duyên” với tơ tằm
Bà Thuận kể, bà sinh ra trong gia đình có 4 đời làm nghề truyền thống, nên từ tấm bé bà đã gắn bó với việc chăn tằm, ươm tơ, dệt vải. Những sợi tơ vàng cùng tình yêu nghề dường như đã thấm vào máu thịt, trái tim và từng hơi thở của bà.
Tâm sự về cái nghề gắn bó gần 60 năm cuộc đời, bà Thuận bộc bạch: “Làm nghề dệt lụa vất vả hơn cả việc chăm con mọn, lúc nào cũng luôn chân luôn tay. Để làm được nghề này, không chỉ yêu cầu người thợ nhuần nhuyễn kỹ năng trong từng công đoạn, mà còn cần kiên trì và có tâm với nghề”.
Người nghệ nhân cho biết, những năm trước, các sản phẩm tơ lụa công nghiệp “lên ngôi”, sản phẩm từ dâu tằm bị “thất sủng” khiến hợp tác xã phải chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu, hàng loạt gia đình bỏ nghề, tìm kế sinh nhai mới. Không nao núng trước cơn lốc khắc nghiệt của thị trường, bà Thuận vẫn kiên trì bám trụ với nghề và luôn trăn trở tìm kiếm hướng đi mới cho nghề truyền thống.
Tình yêu nghề hun đúc theo năm tháng chính là động lực giúp bà vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách. Bà Thuận yêu nghề tơ tằm đến mức những con kén mà nhà máy bỏ đi vì không ươm được, bà đến tận nơi xin về tự ve đũi, se thành sợi tơ để dệt.
Cầm trên tay chiếc khăn dài tới 1,76m, bà Thuận cho biết, để dệt được chiếc khăn này, bà cần tới 9.200 cuống sen. Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống sen. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất khoảng 2 tháng. |
Sau bao nhiêu năm tháng trăn trở nghiên cứu, bà nảy ra ý tưởng biến con tằm thành “công nhân” tự dệt nên những tấm chăn tơ cho mình. Theo truyền thống, loài tằm sẽ làm tổ rồi cuộn thành kén, nhưng nếu không có nơi bấu víu thì chúng buộc phải nhả tơ vào không gian. Dựa vào đặc tính này, bà Thuận đã để tằm nhả tơ trên một mặt phẳng. Kết quả, sau 3 – 4 ngày tằm tự nhả tơ đan xen vào nhau tạo thành tấm kén phẳng, sau đó đem tấm tơ đó đi luộc trong vòng 4 tiếng sẽ tạo ra một tấm bông tơ phẳng, mịn, có độ gắn kết chắc chắn, không có kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp.
Từ tấm bông tơ này, bà thiết kế thành các tấm chăn, gối, mũ, quần, áo... Đây là những sản phẩm độc nhất vô nhị, chưa nơi nào trên thế giới có và được khách hàng rất ưa chuộng. Nhờ sản phẩm độc đáo này, bà đã đạt được nhiều bằng khen, giấy khen từ các cơ quan Nhà nước, tiêu biểu là chiếc cúp vàng cho sản phẩm tiêu biểu trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010.
Thành công nhờ đam mê và kiên trì
Ngoài khăn bà còn làm tranh lụa từ tơ sen. Màu xanh được bà nhuộm từ màu của lá cây, màu hồng nhuộm từ cây Tô Mộc. |
Chia sẻ về cơ duyên đến với tơ sen, bà Thuận trầm ngâm kể, vào năm 2017, trong một lần đến thăm cơ sở sản xuất của bà, một vị ĐBQH gợi ý bà Thuận thử nghiên cứu, tìm tòi cách sáng tạo ra sản phẩm lụa làm từ tơ sen. Trong chuyến thăm đó, vị đại biểu tặng bà Thuận một chiếc cốc in hình bản đồ Việt Nam, trên chiếc cốc in hai câu thơ mà bà vô cùng tâm đắc: “Sao cho đất Việt sáng tên/ Sao cho dân Việt bình yên mọi bề”.
“Đọc xong hai câu thơ đó, tôi thực sự xúc động. Giấc mơ góp sức cho đất nước ấp ủ trong lòng bấy lâu dâng lên mãnh liệt, tôi lập tức nhận lời”, bà Thuận chia sẻ.
Sau lần đó, bà dành trọn thời gian, công sức để tìm tòi, nghiên cứu về cây sen. Ngày cũng như đêm, người nghệ nhân ấy miệt mài tìm kiếm phương pháp lấy tơ phù hợp nhất, nhưng so với tơ tằm, việc lấy tơ sen khó hơn gấp bội. Nhớ về những tháng ngày đó, bà Thuận chia sẻ: “Đối với tôi, việc thí nghiệm “hỏng” và làm lại là điều hoàn toàn bình thường, bởi sau những lần đó tôi rút ra được kinh nghiệm để vấp ở đâu, làm lại ở đó. Nhưng, cái khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải đó là trong lòng đang tràn trề say mê, nhiệt huyết nghiên cứu lại bị gián đoạn bởi không có cuống sen để thực hành”.
Bỏ ngoài tai những lời khuyên can từ mọi người, bà tự bỏ tiền mua một mảnh ruộng để trồng sen thử nghiệm. Bà chia sẻ: “Sợi tơ sen vô cùng mỏng manh, nếu người thợ không khéo léo và đặt hồn mình vào những sợi tơ ấy thì không bao giờ có thể rút được tơ và cho vào khung cửi để dệt”.
Sau gần 1 năm tỉ mẩn với tơ, sợi, bà Thuận tạo ra được những sợi tơ sen đầu tiên. “Giây phút những sợi tơ đầu tiên “ra lò” tôi vui sướng không từ nào tả xiết, ôm những con sợi vào lòng tôi lâng lâng hạnh phúc, thầm nghĩ cuối cùng những cố gắng của mình cũng tạo nên một chút thành quả rồi”.
Tạo ra được tơ sen nhưng khi đưa vào khung dệt thì bị đứt liên tục bởi sợi không có độ dai, dẻo như tơ tằm. Tấm lụa tơ sen đầu tiên được dệt không như mong đợi, bởi khi có quá nhiều mối nối sẽ tốn công, tốn sợi mà miếng lụa không có được sự mượt mà, mềm mại như ý. Nghệ nhân Phan Thị Thuận tiếp tục cải tiến khung dệt. Sau nhiều công sức tìm tòi, một khung dệt mới dành cho tơ sen, nhẹ hơn, vận hành êm hơn đã ra đời.
Truyền lửa đam mê
Tuy tuổi đã cao nhưng người nghệ nhân vẫn bền bỉ, tận tâm truyền nghề cho biết bao lớp người. Trong căn nhà luôn lách cách tiếng thoi đưa ấy, hàng ngày người ta vẫn thấy bà Thuận tỉ mỉ chỉ dạy cho những người thợ của mình về kỹ thuật dệt lụa từ tơ sen. Ngoài những người thợ chính, vào mỗi dịp nghỉ hè, bà còn nhận 80 - 90 em học sinh đến học nghề. Không những truyền dạy miễn phí, nghệ nhân còn thưởng cho mỗi em học sinh 50.000 đồng/ngày.
Người nghệ nhân tài hoa vừa tận tình dạy từng công đoạn làm tơ sen, vừa động viên tinh thần các em học sinh cùng nhau thi đua làm tốt. Bà Thuận cho hay, trong xưởng dệt lụa tơ sen có rất nhiều em thông minh, khéo léo, có những em nhanh nhẹn làm được 250 cuống sen/ngày. Bà trầm ngâm chia sẻ: “Dù tuổi cao nhưng khi nào còn sức, tôi còn muốn truyền nghề cho thật nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ. Tôi mong các em học sinh sẽ là thế hệ nối tiếp, lưu giữ và phát triển nghề dệt lụa tơ sen ngày một phát triển”.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã dành cả đời mình gắn bó với sợi tơ, đường chỉ, nhưng giờ đây bà vẫn khao khát truyền ngọn lửa đam mê đến những thế hệ mai sau. Bà luôn tâm niệm khi nào trái tim còn đập, bà vẫn muốn góp sức giữ gìn và phát triển nghề dệt của làng Phùng Xá được “cất cánh” vươn xa hơn nữa.
Phương Ly
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (38)