30 năm nay, người dân làng Vạn Điểm không còn xa lạ với hình ảnh người phụ nữ đi lại trong tư thế ngồi xổm, xỏ đôi tay vào dép, lê từng chút để hướng dẫn các học viên trong xưởng khảm trai. Đôi chân tật nguyền không thể ngăn nghị lực vượt lên số phận. Bà là nghệ nhân Nguyễn Thị Hương.
“Chạm khắc” nên cuộc đời bằng đôi tay kỳ diệu
Vào một buổi chiều đầu tháng Chín, chúng tôi vượt hơn 30km đến làng nghề mộc truyền thống Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội) thăm xưởng khảm trai của bà Nguyễn Thị Hương (SN 1970). Trong làng nghề mộc “nức tiếng” ấy, những tiếng cưa xẻ, chạm khắc gỗ từ các xưởng sản xuất vang lên rộn rã. Cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ của bà Hương nép sâu trong một con ngõ nhỏ của làng.
Trong căn phòng nhỏ bộn bề đồ mỹ nghệ, bà Hương đang cặm cụi chạm khảm chiếc sập ngồi, tay phải đục gỗ, tay trái mài giũa, cứ thể bà tỉ mẩn làm theo từng nét khảm. Để có thể di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, người đàn bà ấy phải ghì hai tay xuống nền đất để tạo lực và kéo lê đôi chân teo tóp từng chút một.
Vừa làm việc, bà Hương vừa kể cho PV nghe về câu chuyện đời mình. |
Không may mắn như bao người, lên 1 tuổi, cả hai chân của bà teo dần và vĩnh viễn không thể cử động được. Kể từ đó, số phận tật nguyền đã gắn bó với cuộc đời của người phụ nữ này như một định mệnh suốt đời... Dù ham học hỏi, nhưng vì không thể đi lại nên ước mơ được cắp sách đến trường cũng đành “chôn chặt” trong bốn bức tường kín.
Bà Hương luôn tự an ủi bản thân cuộc đời có thể cướp đi đôi chân của bà, nhưng, không bao giờ khuất phục được ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Vì gia đình nghèo khó, không có tiền mua xe lăn, nên bà nỗ lực luyện đi bằng chính đôi tay của mình. Bà Hương tâm sự: “Mỗi lần tập luyện, do cọ xát nhiều với mặt đất nên đôi tay của tôi sưng phồng, đau rát. Sức nặng cơ thể dồn cả vào đôi tay yếu ớt, nhiều lúc trượt tay tôi ngã lăn ra đất, thâm tím hết mặt mũi. Một thời gian sau, do quen dần nên việc di chuyển của tôi cũng thuận tiện hơn”.
Không cam chịu cuộc sống dựa dẫm gia đình, đến năm 20 tuổi, bà xin vào một xưởng khảm trai trong làng để học nghề. Để học nghề khảm trai đối với người bình thường đã khó, với cô gái khuyết tật lại càng gian nan, nhọc nhằn gấp bội. Chỉ đơn giản là việc ngả tấm gỗ cũng khiến bà đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu.
Khi thấy cô gái “không chân” lết đến xưởng mò mẫm học chạm khảm, nhiều người trong làng nhìn cô đầy ái ngại, cũng không ít những lời đàm tiếu. Chẳng vì thế mà nhụt chí, cô gái tật nguyền vẫn cần mẫn học hỏi, quyết tâm trở thành một người “tàn nhưng không phế”.
Bằng sự cố gắng của mình, chỉ một thời gian sau người con gái khuyết tật đã học được nghề. Bà xin vào một cơ sở sản xuất để làm việc và tích luỹ thêm kinh nghiệm. Để nâng cao thêm tay nghề, có những đêm cả làng đã chìm sâu trong giấc ngủ, riêng mình bà Hương vẫn cặm cụi lạch cạch đục đẽo. Công “mài sắt” của bà bắt đầu cho thành quả, số tiền vốn ngày một tăng, tay nghề của bà cũng thuộc dạng nhất nhì của làng nghề.
Người tiếp thêm nghị lực cho số phận kém may mắn
Rất nhiều người trong xưởng cảm phục ý chí, nghị lực của nghệ nhân khuyết tật. |
Sau một thời gian làm việc tiết kiệm được một ít vốn, năm 1994, bà Hương mở một xưởng khảm trai nhỏ tại nhà. Đồng cảm với những mảnh đời thiệt thòi, bà Hương tận tình truyền nghề miễn phí và tạo công ăn việc làm cho họ. Tiếng lành đồn xa, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều hoàn cảnh đặc biệt ở Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình... cũng tìm đến nhà để nhờ nghệ nhân khuyết tật truyền nghề khảm trai.
Chia sẻ về những mảnh đời khốn khó trong xưởng khảm trai của mình, bà trầm ngâm kể về một người con gái quê Hưng Yên bị câm, mồ côi cả cha lẫn mẹ. “Khi biết đến hoàn cảnh đặc biệt của cháu, tôi nhận luôn vào xưởng mà không chút do dự. Mặc dù không nói được, nhưng cô bé vô cùng thông minh, nhanh nhạy. Cháu coi tôi như mẹ và luôn coi nơi đây như một mái ấm gia đình. Gắn bó với xưởng hơn 10 năm, cháu về quê lấy chồng và tự mở một cơ sở sản xuất cho riêng mình”, bà Hương phấn khởi nói.
Anh Nguyễn Văn Tiến (32 tuổi), một người hơn 10 năm gắn bó với xưởng khảm trai của bà Hương cho hay: “Chị Hương là một nghệ nhân khảm trai vừa có tâm, có tài, lại giàu lòng nhân ái. Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên chị đã tạo điều kiện giúp tôi có công việc ổn định để nuôi mẹ già và các con ăn học”. Trong suốt 30 năm qua, “cô giáo” tật nguyền vẫn miệt mài truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác, xưởng thủ công mỹ nghệ của nghệ nhân ấy tính đến nay đã dạy nghề cho gần 100 người theo học.
Căn xưởng nhỏ bé như một mái nhà chung, hội tụ những mảnh đời khốn khó, nhưng vẫn tràn trề niềm tin vào cuộc sống. Với những thành tích đạt được, năm 2006, nghệ nhân Nguyễn Thị Hương được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích vượt lên số phận không chỉ làm giàu cho mình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động khác.
Bên cạnh đó, bà còn nhận được một số bằng khen từ hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam (năm 2007, năm 2009), UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu Nghệ nhân (năm 2009); Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt - Việc tốt” (năm 2011, năm 2012)...
Hiện nay, xưởng sản xuất của nghệ nhân tật nguyền đang lao đao trước “bão” dịch Covid-19. Thế nhưng người phụ nữ này vẫn quyết tâm “bám nghề” để tiếp tục truyền niềm tin và hy vọng sống cho những mảnh đời bất hạnh. |
Phương Ly
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (147)