+Aa-
    Zalo

    Chuyện nghề của những người "ăn cơm dương gian, làm nghề âm phủ"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có những chuyến đi được tính bằng vạn dặm núi rừng, vạn dặm trời mây, vạn lý sóng nước nhưng người thợ mỏ chỉ dám tính chuyến đi của mình của mình bằng tấc mà thôi.

    Có những chuyến đi được tính bằng vạn dặm núi rừng, vạn dặm trời mây, vạn lý sóng nước nhưng người thợ mỏ chỉ dám tính chuyến đi của mình của mình bằng tấc, bằng những bước đi nguy hiểm khi bước vào lòng đất mà thôi. 

    Môi trường làm việc khắc nghiệt

    Ngày nay, các mỏ than lộ thiên thu hẹp dần. Người thợ mỏ phải khai thác các mỏ nằm sâu dưới lòng đất. Tuy việc khai thác than được hỗ trợ bởi máy móc hiện đại nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Có những vị trí hiểm trở, máy móc không thể đến được, buộc người thợ mỏ phải lấy than thủ công. Càng xuống sâu, người thợ càng đối mặt với nhiều bất trắc, nguy hiểm. 

    Anh Lê Thành, 36 tuổi, từng là công nhân Công ty than Hà Lầm (Quảng Ninh) đã trải lòng với PV Đời sống & Pháp luật về cái nghề mà người đời vẫn thường hay gọi: “Ăn cơm dương gian, làm nghề âm phủ”.

    Theo anh Thành, nghề thợ mỏ rất kén người làm. Phải yêu và say mê với công việc mới có thể gắn bó lâu dài. Có nhiều bạn trẻ đến làm được vài tháng rồi nghỉ bởi không chịu được áp lực công việc. Để trở thành một thợ mỏ thực thụ, anh Thành được công ty đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề. Sau đó, đến thời gian thử việc ba tháng. Đây là thời gian thử thách sức khỏe, ý chí của người mới bắt đầu.

    Trước mỗi ca làm việc, người thợ mỏ cần chuẩn bị các vật dụng kỹ lưỡng. (Ảnh: NVCC)

    Sau khi kết thúc thời gian thử việc, anh Thành được Công ty than Hà Lầm ký hợp đồng chính thức. Môi trường làm việc ở đây vô cùng khắc nghiệt. Họ phải đi sâu xuống lòng đất hàng chục km để tìm kiếm và khai thác nguồn than. Đó là những nơi máy móc khó tiếp cận, chủ yếu khai thác thủ công. Dưới lòng đất rất ẩm thấp, nhiều bùn đất, lượng oxy giảm. Nhiệt độ khá cao, đạt ngưỡng 34 – 36 độ C. Không khí nóng bức khiến mồ hôi người thợ tuôn ướt đẫm chiếc áo bảo hộ xanh tím than. Địa hình lòng đất hiểm trở, chật hẹp, có nhiều con dốc lên xuống thất thường khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn.

    Anh Thành cho hay: “Chúng tôi làm việc 8 giờ/ngày. Trước mỗi ca làm, người thợ cần chuẩn bị mũ bảo hộ, quần áo lao động, khẩu trang, găng tay, đèn pin, cuốc chim, xẻng, chòng. Điều quan trọng nhất là phải kiểm tra và củng cố vị trí làm việc cẩn thận. Nếu phát hiện điều gì bất thường phải báo ngay với lò trưởng để họ kịp thời xử lý. Thời gian quy định để kiểm tra là 30 phút. Những vụ tai nạn xảy ra thường do mọi người chủ quan, không kiểm tra kỹ lưỡng”.

    Khi mới đến với công việc, gia đình anh Thành không chấp nhận, cho rằng nghề thợ mỏ quá nguy hiểm, vất vả. Chị Hạnh, vợ anh Thành từng phản đối gay gắt quyết định của chồng. Chị khuyên nhủ chồng có nhiều việc lao động chân tay khác, tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng an toàn hơn. Biết nỗi lo sợ của người thân nhưng anh Thành vẫn quyết tâm theo nghề. Bởi nghề tuy nhọc nhằn nhưng đem lại nguồn thu nhập cao, đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt. Hơn thế nữa, càng gắn bó với nghề, anh Thành càng thêm yêu và thêm say nghề. Anh hiểu được giá trị lao động, hiểu được ý nghĩa công việc mà mình cùng những đồng nghiệp khác đem lại. 

    Không bao giờ được chủ quan

    Anh Thành gắn bó công việc đào hầm than được hơn 10 năm. Tuy anh đã trở thành người thợ giàu kinh nghiệm nhưng mỗi khi bước xuống hầm, anh lại rùng mình lo sợ. Anh Thành cho rằng đây là công việc mang một phần yếu tố may rủi, không ai dám nói trước được điều gì.

    Công việc khai thác khoáng sản mang lại thu nhập cao, gấp 2-3 lần người bình thường nhưng môi trường làm việc khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Có nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra do: Bục nước, bục khí, sập hầm, ngạt khí… Tỷ lệ tử vong khi gặp nạn cao, những người may mắn sống sót phải chịu thương tật cả đời.

    Những người thợ mỏ phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nhiểu hiểm nguy rình rập.

    Anh Lê Thành cho biết: “Việc làm dưới hầm than trong nhiều giờ nhiều ngày liên tiếp khiến cho sức khỏe những người thợ giảm sút nghiêm trọng. Họ thường mắc các bệnh về da, về mắt, đau nhức xương khớp. Bản thân tôi đang bị thoái hóa cột sống vì làm vất vả trong thời gian dài. Hiện tại, tôi mới nghỉ việc ở Công ty than Hà Lầm, chuyển hướng sang công việc khác, tập trung chữa bệnh”.

    Về quãng thời gian gắn bó với nghề, anh Thành xúc động chia sẻ: “Tôi nhớ nhất là đợt kèm một thợ mỏ mới vào làm việc. Cậu ấy trẻ tuổi, mới học xong nghề, chưa có kinh nghiệm. Hôm đó, cậu ấy lái máy vận chuyển than trong lò trợ để khai thác, khi máy đang chạy thì vướng một hòn đá. Thấy vậy, cậu thanh niên dùng tay kia đẩy hòn đá ra, tay này đồng thời điều khiển máy chạy. Vì sự chủ quan khiến máy nghiền nát hai ngón tay. Quá sợ hãi và mất máu nhiều khiến người thợ đó ngất lịm đi. Tôi trực tiếp cõng cậu ấy trên vai, đi bộ 2km đường hầm mỏ mới lên được mặt đất để cứu chữa. Sau cú sốc ấy, cậu thanh niên cũng không gắn bó với nghề nữa”.

    Còn anh Tuấn, một thợ mỏ lâu năm trong nghề tâm sự: "Tôi từng là nạn nhân trong vụ sập hầm than cách đây 2 năm. Phút giây đó thật kinh khủng, sợ hãi, ám ảnh trong tâm trí tôi. Chúng tôi đang làm việc thì hầm bị bục nước, nước chảy ào ào ra. Tôi nhanh chóng nhảy được lên phía cao, một vài đồng nghiệp của tôi không may bị nước nhấn chìm. Sau đó, nhiều đoạn hầm bị sập xuống, công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Sau tai nạn đó, những người vợ của đồng nghiệp tôi được công ty chi trả bảo hiểm, hỗ trợ chi phí mai táng. Công ty còn sắp xếp vị trí làm việc cho vợ nạn nhân để họ có công việc, kiếm tiền nuôi con. Tuy nhiên, đó chỉ là công việc nhẹ như: Phụ bếp, nấu cơm, lau dọn vệ sinh...Công việc đó không có thu nhập cao, cuộc sống của họ rất vất vả!"

    "Biết nghề của mình nhiều bất trắc, hiểm nguy nhưng nếu ai cũng lo sợ thì ai dám theo nghề? Như vậy, ngành khai thác than làm sao có thể phát triển được? Hiện nay, ngành công nghiệp khai thác than đang trở thành mũi nhọn kinh tế của cả nước. Tôi tự hào với công việc mình đã chọn lựa và muốn truyền niềm say mê yêu nghề tới lớp trẻ", anh Tuấn cho biết thêm.

    Những người thợ mỏ được ví như những chiến binh dưới lòng đất. Họ dũng cảm, gan dạ, say nghề, tính kỷ luật cao và luôn lạc quan yêu đời. Dù có bị phủ lên lớp bụi than đem lẻm người thợ mỏ vẫn giữ được phong thái ung dung, thần thái rạng ngời qua ánh mắt sáng và nụ cười rạng rỡ. Đó là phong thái của những con người hăng say lao động.

    Ứng Hà Chi
      
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nghe-cua-nhung-nguoi-an-com-duong-gian-lam-nghe-am-phu-a347596.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan