Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời khuyên của ThS. BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách điều hành Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E: người bệnh nên ăn uống đầy đủ, cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, ưu tiên các thực phẩm giúp tăng tiểu cầu. Chế độ dinh dưỡng đúng với người bệnh sốt xuất huyết rất quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch, làm giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh sớm hồi phục.
Chế độ ăn cho người mắc sốt xuất huyết
Người bệnh nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa như các món luộc, rau xanh, chuối, táo, súp, cháo và trà thảo mộc. Thức ăn như cháo gà, súp gà là một lựa chọn tốt vì chất xơ và giá trị dinh dưỡng cao của cháo giúp bổ sung dinh dưỡng để người bệnh có đủ sức mạnh để chống lại bệnh tật.
Uống nhiều chất lỏng để lấy lại chất điện giải và ngăn ngừa mất nước. Ví dụ: nước trái cây tươi, nước dừa, dung dịch bù nước qua đường uống (ORS) hoặc các loại trà thảo mộc có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.
Tiêu thụ thực phẩm có vitamin C đóng vai trò như một phương pháp chữa bệnh tự nhiên đối với bệnh sốt xuất huyết vì nó thúc đẩy các kháng thể để chữa bệnh và phục hồi nhanh hơn, chẳng hạn như đu đủ và nước cam.
Người bệnh nên uống nước ép trái cây có chứa vitamin C là một chất chống oxy hóa hiệu quả. Nó kích hoạt sản xuất collagen và giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Các loại trái cây như cam, dứa, dâu tây, ổi và kiwi giúp tăng cường sản xuất tế bào bạch huyết, giúp chống lại sự lây nhiễm virus.
Nước ép lựu hoặc nước ép nho đen, rau lá xanh (luộc), dầu gan cá, dầu hạt lanh, trái cây tươi làm tăng số lượng tiểu cầu.
10 điều không nên làm khi mắc sốt xuất huyết
Không tự dùng thuốc hạ nhiệt: Vì chưa xác định là sốt do bệnh gì nên không được tự động sử dụng thuốc hạ nhiệt như thuốc hạ sốt aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Thay vào đó có thể hạ sốt bằng cách cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước vắt kiệt vào trán, nách cho người bệnh. Nếu dùng thuốc chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi có chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không cạo gió.
Không ăn các thực phẩm có màu nâu, đen, đỏ, vì trong thời gian bị bệnh, người bệnh ăn hoặc uống các loại thực phẩm có màu nâu, đen hoặc đỏ sẽ khó phân biệt với phân là máu khi bị xuất huyết qua đường tiêu hóa. Hay người bệnh bị nôn có màu thâm đen, xám bất thường thì khó phân biệt được đó là màu thực phẩm hay xuất huyết tiêu hóa.
Không ăn trứng khi bị sốt xuất huyết: bởi trứng sẽ tạo ra một lượng nhiệt lượng lớn trong cơ thể người bệnh. Những người bị sốt, nhất là trẻ em, ăn trứng gà sẽ làm nhiệt lượng cơ thể tăng lên và không phát tán ra ngoài được, khiến cho sốt lâu khỏi. Chính vì vậy ăn trứng là kiêng kỵ cần tránh khi bị sốt xuất huyết.
Không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ: vì nó có thể gây các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, làm cho cơ thể người bệnh chậm hồi phục hơn.
Không để muỗi tiếp xúc với da: bởi nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết chính là muỗi, do vậy không nên để muỗi tiếp xúc với da, vì muỗi sẽ đốt và truyền thêm lượng virút gây bệnh không những làm bệnh nặng thêm mà còn có nguy cơ lây bệnh cho những người khác.
Không uống trà: vì uống nhiều trà quá đặc sẽ khiến não ở trạng thái bị kích thích và làm tăng huyết áp. Bệnh nhân sốt xuất huyết mà uống trà còn làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt. Ngoài ra, trong trà có chứa một số chất có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên làm bệnh SXH trở nên trầm trọng hơn.
Không uống cà phê, hút thuốc, uống rượu: tất cả đều có chứa caffein, chất kích thích càng khiến cho cơ thể mệt mỏi hơn.
Không uống nước ngọt, nước có gas. Cũng không nên sử dụng mật ong và các loại đường tự nhiên khác. Việc hấp thụ đường vào cơ thể người bệnh sẽ khiến các tế bào máu trắng diệt khuẩn chậm chạp và vì thế bệnh càng trở nên lâu khỏi.
Không ăn đồ cay nóng: bởi khi bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể chúng ta bị giảm và năng lượng cũng bị hao hụt đi rất nhiều. Ăn các món cay nóng không chỉ khiến bệnh nặng thêm mà còn ảnh hưởng đến sự hồi phục của bệnh nhân.
Không nên ra gió, tắm nước lạnh: Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra ở ngày thứ 2 hoặc thứ 3, kéo dài vài ngày, nhiều người nặng hơn thì kéo dài tới trên 2 tuần. Mức độ xuất huyết có thể xuất huyết da niêm hoặc ở nhiều vị trí trên cơ thể. Bệnh nhân cần ở nhà nghỉ ngơi, không ra gió, không tắm nước lạnh, chỉ nên lau người bằng nước ấm vì nước lạnh có thể làm co mạch ngoài da nhưng lại làm giãn mạch trong nội tạng, đây là nguy cơ gây ra tử vong, thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
Tham khảo những loại trái cây nên ăn khi bị sốt xuất huyết
Cam: Cam có đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết. Chúng rất giàu vitamin C, là một chất chống oxy hóa quan trọng.
Đu đủ: Đu đủ kích hoạt sản xuất tiểu cầu nhanh hơn ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Nghiền nát một vài lá đu đủ và uống nước ép của nó hai lần mỗi ngày có thể có lợi cho người bệnh sốt xuất huyết. Để chắc chắn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
Nước dừa: Nước dừa là một trong những thực phẩm tốt nhất cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì nước dừa là nguồn cung cấp nước tự nhiên, các khoáng chất cần thiết và chất điện giải.
Nước ép rau củ: Cà rốt, dưa chuột và các loại rau lá xanh khác cũng rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết. Những loại rau này chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết giúp tăng cường miễn dịch và giảm bớt triệu chứng mệt mỏi của bệnh nhân sốt xuất huyết.
Một số lưu ý bệnh nhân sốt xuất huyết cần ghi nhớ
- Bù nước: Người bị sốt xuất huyết thường sốt cao khiến tình trạng mất nước trầm trọng hơn. Do đó, có thể cung cấp thêm cho bệnh nhân nước lọc, nước dừa, cresol,.... Tuy nhiên, khi chưa có yêu cầu của bác sĩ thì không được tự ý truyền nước.
- Dùng thức ăn lỏng, bổ sung đủ chất: Bệnh nhân thường chán ăn, cơ thể mệt mỏi, kém hấp thu nên cần nấu thức ăn thành dạng lỏng, nhuyễn, dễ tiêu thụ như súp, sữa, cháo… Tránh dùng các loại thức ăn khó tiêu hóa.
- Không dùng thuốc hạ sốt, giảm đau bừa bãi: Khi chưa được bác sĩ chỉ định mà dùng các loại thuốc này có thể tác động xấu đến sức khỏe và khiến bệnh trở nên nặng hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân có nguy cơ dạ dày chảy máu, tính mạng bị đe dọa.
- Theo dõi sát trạng thái bệnh nhân, nhất là nhiệt độ. Khi bệnh nhân sốt nên mặc quần áo thấm mồ hôi, rộng rãi, không đắp chăn quá kín, có thể hạ sốt bằng cách lau ấm cơ thể. Có thể hạ sốt cho bệnh nhân bằng thuốc chứa paracetamol nếu sốt cao trên 38,5 độ. Tuy nhiên, cần tham khảo liều lượng dùng với bác sĩ.
Thùy Dung (T/h)