Báo Lao Động dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho hay, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị nội trú tại cơ sở này lên tới 300 ca/ngày, tăng gấp 3 lần mọi năm. Bên cạnh gia tăng số lượng, điều lo ngại hơn cả là diễn biến chuyển nặng của bệnh nhân rất nhanh.
Một trường hợp là sản phụ mang thai 32 tuần được đưa vào viện điều trị. Khi mới vào viện, tiểu cầu của bệnh nhân là 116, nhưng chỉ sau 2 ngày, tiểu cầu giảm rất nhanh, chỉ còn 18.
Theo bác sĩ Hương, tình trạng này chưa từng ghi nhận. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác là người trẻ, khỏe, nam giới, phải nhập viện gấp vì lượng tiểu cầu giảm mạnh.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cũng cảnh báo diễn biến chuyển nặng của bệnh nhân rất khó lường.
Đơn vị này ghi nhận trường hợp một bệnh nhân 46 tuổi, trú tại Hà Nội, nhập viện vào ngày thứ 6 của bệnh có tình trạng xuất huyết cơ thành bụng và vùng chậu. Tình trạng bệnh nhân rất nặng, sốc mất máu và suy hô hấp. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhân phải đối mặt nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, hiện nay nhiều người vẫn chủ quan với sốt xuất huyết trong khi đây là căn bệnh “cứ đến hẹn lại lên”.
“Khi có biểu hiện bệnh, nhiều người dân tự điều trị tại nhà. Nhất là khi hết sốt, họ thường chủ quan mà không biết rằng đây mới là giai đoạn cần theo dõi kỹ” - bác sĩ Hương nói.
Theo đó, giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Bệnh nhân có thể vẫn còn sốt hoặc đã hết. Bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như thoát huyết tương, phù nề mi mắt, tràn dịch màng phổi, gan to, da lạnh ẩm, li bì, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít... Vào ngày thứ 4 của bệnh, xét nghiệm thường thấy số lượng tiểu cầu giảm đáng kể. Do đó, chỉ đến ngày thứ 8 của bệnh, khi tình trạng bình thường, người dân mới có thể yên tâm.
Bác sĩ Hương khuyến cáo tất cả bệnh nhân sốt xuất huyết đều cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, người dân lưu ý khi sốt phải uống nhiều nước điện giải, nước trái cây, ăn thêm trái cây. Bởi không uống, bệnh nhân dễ bị cô đặc, rối loạn đông máu.
Tại Hà Nội hơn 23.000 ca bệnh, 4 ca tử vong vì sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội ghi nhận 1.419 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 239 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.
Theo ông Bùi Văn Hào, Giám đốc CDC Hà Nội, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát tại các quận, huyện thì vẫn còn bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, vệ sinh môi trường.
Các quận, huyện chưa phát huy được hiệu quả tối đa đội xung kích và tổ giám sát tại cộng đồng, việc phát hiện ổ dịch còn chậm, muộn dẫn đến số ca mắc gia tăng.
Theo CDC Hà nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới.
Do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần lưu ý xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch cụ thể, chi tiết hơn đối với từng nội dung hoạt động làm sao triển khai một cách hiệu quả, theo Dân Trí.
Đi ngược lại quy luật
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 113.962 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 31 trường hợp tử vong. Hà Nội, TP.HCM là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội nhận định, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 23.314 ca mắc, 4 ca tử vong. Số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng - giải thích dịch sốt xuất huyết năm nay tăng cao và có những bất thường bởi nhiều lý do.
Trước đây, dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 3-5 năm nhưng với sự biến động của thời tiết và yếu tố sau giãn cách vì dịch COVID-19, quy luật này có dấu hiệu bị phá vỡ. PGS Phu cũng cho biết, sốt xuất huyết phụ thuộc độ nóng.
“Mọi năm, dịch chỉ kéo dài tới tháng 10-11 là hết. Nhưng năm nay, do nhuận hai tháng 4, hiện thời tiết vẫn nóng, mưa nhiều. Do đó, miền Bắc đang có sự gia tăng ca mắc và dự đoán chỉ giảm khi thời tiết chuyển lạnh. Riêng miền Nam, dịch chưa thể kết thúc” - PGS Phu cho hay.
Cố vấn của Bộ Y tế nhấn mạnh, sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Trong thời điểm hiện nay, người dân nên quan tâm hàng đầu đến việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết bằng cách diệt loăng quăng, bọ gậy, dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại.
Người dân cần nằm màn tránh muỗi đốt, đặc biệt vào ban ngày vì đây là thời điểm loại côn trùng này tấn công và truyền bệnh. Khi bị sốt hoặc có dấu hiệu bệnh, người dân phải đi khám để chẩn đoán, điều trị. Đặc biệt, thời điểm có các biểu hiện như chảy máu chân răng, xuất huyết… bệnh nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Thùy Dung(T/h)