Vietnam Plus đưa tin, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 113.962 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 31 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 56,8%, tử vong giảm 97 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến cuối tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.766 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 165 ca so với tuần trước đó), trong đó có 1 ca tử vong.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Sở Y tế Thành phố, tuần qua trên địa bàn ghi nhận 371 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 10 ca so với tuần trước đó. Trong đó có 103 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,76%). Trung bình 13 ca nặng điều trị mỗi ngày, tăng so với trung bình tuần trước (12 ca).
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phân tích, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền nhiễm.
Thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng người dân cần đặc biệt lưu ý:
- Bệnh nhân mệt. Đặc biệt trẻ em, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ mấy người trước khóc nhiều, nay lả đi.
- Một số bệnh nhân đau tức vùng gan.
- Một số bệnh nhân đau khắp bụng.
- Một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (Nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều)
- Chảy máu chân răng, xuất huyết…
"Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh có nguy cơ diễn biến nặng. Xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng… Khi phát hiện những dấu hiệu cảnh báo phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, nguy cơ suy đa tạng…"- BSCKII Nguyễn Trung Cấp chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống.
Chuyên gia cho biết những nhóm đối tượng sau có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết, bao gồm:
- Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.
- Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.
- Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.
- Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.
- Một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác... nhưng chỉ là những yếu tố phụ.
Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống sốt xuất huyết:
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
- Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
- Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Thùy Dung (T/h)