+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ mắc sởi và biện pháp phòng bệnh

    (ĐS&PL) - Bệnh sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, bệnh có xu hướng diễn biến mạnh vào mùa Đông - Xuân, dễ bùng phát thành dịch.

    Vì sao bệnh sởi dễ bùng phát thành dịch?

    Theo công bố của UNICEF, sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Bệnh sởi cũng có thể lây lan nếu như một người nào đó chạm vào một bề mặt hoặc một vật nào đó đã bị nhiễm virus, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của chính họ hoặc ăn uống khi chưa rửa tay.

    chuyen gia huong dan cha me cach cham soc tre mac soi va bien phap phong benh1
    Sởi là bệnh nguy hiểm, dễ lây lan. Ảnh minh họa

    Virus sởi có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt tới 2 giờ, chờ đợi để xâm nhập vào đường thở của các nạn nhân tiếp theo. Vì thế, một người khỏe mạnh có thể mắc bệnh sởi nếu ở chung với người nhiễm virus sởi hoặc chỉ qua tiếp xúc gián tiếp trong vòng 2 giờ.

    Là một bệnh lý có tính chất lây nhiễm rất cao thông qua việc nuốt hoặc hít những hạt dịch tiết đường hô hấp từ một người bị nhiễm thông qua hắt hơi hoặc ho, virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vaccine.

    Triệu chứng khi mắc bệnh sởi là gì?

    Theo cổng thông tin VNVC, sởi là một bệnh truyền nhiễm chết người thường tấn công trẻ em. Sau một thời gian ủ bệnh từ 10 đến 12 ngày, bệnh sởi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng như: Sốt, Ho khan, Sổ mũi, Ăn không ngon, Chảy máu cam, Đau họng, Viêm kết mạc, Xuất hiện những đốm Koplik trắng nhỏ với tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ bên trong miệng hay trên niêm mạc bên trong của má.

    Giai đoạn ủ bệnh và nhiễm trùng kéo dài từ hai đến ba tuần.

    Trong 10 đến 14 ngày đầu tiên sau khi bị nhiễm. Người bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh sởi trong thời gian này. Vì là những triệu chứng không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, bệnh sởi thường bắt đầu bằng sốt nhẹ đến trung bình, kèm theo ho dai dẳng, sổ mũi, viêm kết mạc và đau họng. Dấu hiệu này có thể kéo dài hai hoặc ba ngày.

    Sau đó xuất hiện các nốt phát ban, những đốm nhỏ màu đỏ, hơi sưng. Vài ngày sau những vết mẩn ngứa khó chịu bắt đầu lan ra khắp cơ thể, bắt đầu trên mặt và cổ và di chuyển xuống dưới. Phát ban thường kéo dài trong ba đến năm ngày và sau đó biến mất. Đồng thời, cơn sốt tăng mạnh, thường cao tới 40 đến 41 độ C.

    Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi là gì?

    Trong những trường hợp không biến chứng, những người mắc bệnh sởi bắt đầu hồi phục ngay khi phát ban xuất hiện và cảm thấy bình thường trở lại sau khoảng hai đến ba tuần.

    Nhưng có tới 40% bệnh nhân bị biến chứng do virus sởi. Những điều này thường xảy ra ở trẻ nhỏ (trẻ em dưới 5 tuổi), ở người lớn trên 20 tuổi và ở bất kỳ ai khác nếu suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch. Trẻ em dưới 5 tuổi có xác suất tử vong cao nhất.

    chuyen gia huong dan cha me cach cham soc tre mac soi va bien phap phong benh3
     Sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dấn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và kịp thời điều trị sớm. Ảnh minh họa

    Ngoài ra, một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh sởi có thể gây ra cho bệnh nhân như:

    Viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi.

    Viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong.

    Viêm não, xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người mắc bệnh sởi.

    Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.

    Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa, một biến chứng rất nguy hiểm của sởi.

    Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

    Phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.

    Cách chăm sóc trẻ bị sởi

    Sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dấn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và kịp thời điều trị sớm.

    Về cách chăm sóc trẻ bị sởi và phòng lây nhiễm bệnh, TTXVN dẫn lời Ths. Đỗ Thị Thuý Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Tất cả các trẻ mắc sởi nên đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá mức độ bệnh và bổ sung vitamin A theo độ tuổi. Nếu trẻ được bác sĩ khẳng định đủ điều kiện chăm sóc tại nhà, cha mẹ cần chú ý:

    - Cách ly trẻ để tránh lây nhiễm sang người lành.

    - Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ theo chỉ định của bác sĩ.

    - Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị sởi.

    - Vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày.

    - Với trẻ còn bú mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú và kết hợp với chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ dưới 8 tháng tuổi).

    - Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín và khi ăn nên chia thành nhiều bữa.

    Cha mẹ lưu ý nên tăms cho trẻ bằng nước ấm ở nơi kín gió, tránh để lạnh, không tắm lâu, không chà xát mạnh vào da trẻ…

    Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế khi có các biểu hiện như:

    - Sốt cao liên tục trên 39 độ C- 40 độ C.

    - Khó thở, thở nhanh.

    - Trẻ quấy khóc, vật vã, rối loạn ý thức…

    - Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.

    Cha mẹ cần phòng bệnh sởi cho trẻ bằng cách:

    - Tiêm vaccine phòng sởi đầy đủ theo hướng dẫn.

    - Vệ sinh mắt, mũi, miệng và tắm hàng ngày cho trẻ.

    - Cho trẻ uống nhiều nước, nước hoa quả ép…

    - Khẩu phần của trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, nhất là những thực phẩm giàu đạm và vitamin A.

    - Cách ly trẻ mắc sởi, tránh tập trung đông người khi có dịch

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-huong-dan-cha-me-cach-cham-soc-tre-mac-soi-va-bien-phap-phong-benh-a612749.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan