Theo ghi nhận mới đây, số bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh sởi tăng cao bất thường. Đặc biệt là vào những tuần có nắng nóng gay gắt.
Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới - BV Bạch Mai. Ảnh: Thanh niên |
Thanh niên đưa tin từ Trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội cho biết, các tuần gần đây thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân người lớn mắc sởi nhập viện. Đến cuối tuần qua, tại đây vẫn còn gần 10 trường hợp điều trị nội trú. Hầu hết các bệnh nhân không biết mình mắc sởi nên chủ quan, chỉ nhập viện khi đã xuất hiện biến chứng.
Theo thống kê của Trung tâm bệnh nhiệt đới, có lúc tại đây tiếp nhận tới 10 ca sởi một ngày. Đáng lo ngại, trong số nhập viện có nhiều phụ nữ đang mang thai. Riêng trong tháng 5 vừa qua đã tiếp nhận 70 ca mắc sởi, phổ biến là độ tuổi 25 - 35 và hầu hết các bệnh nhân đều chưa tiêm phòng vắc xin sởi hoặc không nhớ rõ tình trạng tiêm chủng.
Tại bệnh viện Nhi Trung Ương, GS Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện, cho hay vừa qua cũng ghi nhận các ca mắc sởi với nhiều trường hợp biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm mô tế bào… Có thời điểm cùng lúc 40 bệnh nhân sởi điều trị.
Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, trong số các trường hợp mắc sởi được khảo sát, chiếm nhiều nhất là trẻ từ 1-4 tuổi (hơn 31%), tiếp đó là trẻ từ 5-9 tuổi (khoảng 19%). Đáng chú ý, mùa dịch sởi năm nay rất bất thường dù thời tiết đã giữa mùa hè, không phải mùa chính của dịch sởi (thông thường dịch sởi bùng phát cao điểm vào mùa đông xuân) nhưng số người mắc sởi vẫn ở mức cao. Bộ Y tế dự báo năm 2019 là năm chu kỳ của dịch sởi nên số ca mắc vẫn còn có thể tiếp tục tăng.
Nguyên nhân được lý giải là đặc điểm dân cư biến động rất lớn, do vậy cần biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách phù hợp, đặc biệt là truyền thông vận động phụ huynh ở các khu nhà trọ, người lao động nhập cư đưa con em đi tiêm ngừa.
Trước diễn biến phức tạp và bất thường của dịch sởi, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tổ chức phân tuyến điều trị, tập trung các nguồn lực phục vụ, điều trị bệnh nhân, không để tình trạng chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi và các bệnh đường hô hấp. Thiết lập khu vực riêng khám, điều trị bệnh sởi, phân luồng khám chữa bệnh; thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh và thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc người bệnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi đầy đủ. Ảnh: Sài gòn giải phóng |
Các đơn vị y tế dự phòng đẩy mạnh tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ 9 tháng và vaccine sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi, đảm bảo đúng lịch, đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 95% quy mô xã, phường. Tập trung xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sởi để tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho đối tượng nguy cơ cao, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Minh Khôi (T/h)