Đằng sau những chuyến tàu đưa khách về quê ăn Tết, ít ai biết rằng có những lái tàu phải làm việc liên tục ngày đêm, hy sinh hạnh phúc của mình để đồng hành cùng nhiều người khắp nơi trên đường về nhà sum họp. Hàng chục năm qua, ít khi nào họ có cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Nỗi niềm của những “kiện tướng lái tàu”
Anh Trần Đình Khương (SN 1967), “kiện tướng lái tàu” (30 năm công tác tại xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, tổng Công ty Đường sắt VN) chia sẻ với PV: “Nghề lái tàu coi vậy mà vất vả lắm, bởi để khuất phục một khối máy móc nặng hàng trăm tấn và có giá trị hàng chục tỷ đồng thì đòi hỏi người điều khiển phải cực kỳ dày dạn kinh nghiệm. Và trên hết, đó là sinh mạng, sự an toàn của hàng trăm con người trên các toa tàu”.
Là đồng nghiệp và cũng là bạn cùng khóa với anh Khương, anh Nguyễn Lê Huỳnh (SN 1967) cũng học tại trường Cao đẳng nghề Đường sắt. Anh Huỳnh phải mất 7 năm lái phụ rồi mới trở thành lái chính. Gần 30 năm rong ruổi trên cung đường quen thuộc Hà Nội - Vinh - Đồng Hới, những cái Tết được trọn vẹn cùng gia đình, với các anh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, anh Khương và anh Huỳnh vừa là bạn học và cũng là đồng nghiệp của nhau. |
Nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề, giọng anh Khương như chùng xuống khi nhắc tới những va chạm trên đường sắt: “Dù chỉ là đâm trúng con trâu, con bò, trong lòng mình đã thấy nhói đau, huống gì khi phương tiện tham gia giao thông khác va phải tàu. Những ngày đầu mới vào nghề tôi cũng rất lo lắng về những tai nạn không mong muốn ấy. Là người cầm trịch một khối tài sản lớn cũng như tính mạng của hàng trăm hành khách phía sau, đòi hỏi anh em lái tàu luôn phải cố gắng đảm bảo an toàn khi di chuyển trên đường ray”.
Thông thường, một tổ lái máy hiện nay có 8 người chia làm 4 kíp, mỗi kíp 2 người. Anh Khương bảo: “Luật Lao động quy định làm 8 tiếng mỗi ngày thì mỗi kíp chúng tôi cũng ở trên đầu máy chừng ấy thời gian suốt quãng đường tàu chạy. Thế nhưng nếu cán bộ công sở sau giờ làm việc sẽ được về nhà thì cánh lái tàu lại chỉ được xuống toa khách nghỉ ngơi để kíp số 2 thay thế. Công việc cứ đều đều như thế, thành ra làm nghề này chẳng mấy khi có thời gian ở nhà giúp đỡ vợ con bởi chuyến đi này lại nối chuyến đi khác”.
Chia sẻ về cuộc sống gia đình, anh Anh Huỳnh cho biết, anh vào nghề từ năm 1989, đến năm 1994 anh mới lấy vợ. "Công việc lái tàu bận rộn, luôn phải xa nhà. Nhưng tôi may mắn vì lấy được người vợ hiểu công việc của mình, cô ấy chịu khó lo toan, đảm đương mọi việc trong gia đình, làm hậu phương vững chắc cho tôi yên tâm thực hiện nhiệm vụ trên mỗi cung đường. Nhiều khi về nhà, tôi cũng cố gắng dành thời gian cho con. Lúc chuẩn bị ra ga đi làm, các con bảo “Bố lại đi à!” nghe thương lắm”.
Đón Tết cùng tiếng còi tàu
Với mỗi lái tàu nhận nhiệm vụ trực chạy tàu Tết, xí nghiệp Đầu máy Hà Nội luôn tổ chức bốc thăm cho tài xế lịch trình và thời gian tàu chạy để mỗi người đều cảm thấy thoải mái và chuẩn bị tinh thần đón những cái Tết xa nhà.
Thời khắc Giao thừa người lái tàu, buồn có, bịn rịn có, thậm chí có cả nước mắt trong những cái Tết đầu tiên. Nhưng đổi lại, họ lại có niềm vui lớn lao, đó là góp phần nối lại những bờ vui cho hàng ngàn vạn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc, về sum họp với gia đình.
Dù đã nhiều lần ăn Tết trên đường ray, anh Huỳnh vẫn nhớ cái Tết đầu tiên vào năm 1994, các anh đón Tết trên cánh đồng ở Thanh Hóa. Lúc đó, lái tàu không phải căng tai, căng mắt để đối phó với hiểm nguy rình rập như đi qua phố hay khu dân cư nhưng lại bùi ngùi vì xa gia đình. “Lấy vợ được 3 tháng thì tôi nhận được lịch chạy vào đúng đêm 30 Tết. Lúc đấy buồn lắm vì ngày đó chưa có điện thoại, ngồi trên tàu nghe tiếng xình xịch của bánh xe cọ vào đường ray lại thấy chạnh lòng”, anh Huỳnh bùi ngùi nhớ lại.
Xác định làm nghề lái tàu thì ai cũng thế, anh Khương cũng như anh Huỳnh đều quá hiểu cái cảm giác trống vắng, chạnh lòng lúc Giao thừa xa gia đình: “Trong buồng lái lúc nào cũng chỉ có hai thầy trò, lái phụ và lái chính. Ăn, ngủ, nghỉ cứ luân phiên nhau. Ngày thường thì không sao, chứ đi vào mấy ngày Tết là cảm giác nó khác lắm. Đi qua các ga tàu thì còn có người nhìn nhau vẫy tay được, chứ đi qua mấy cánh đồng hay hầm núi thì thầy trò trong cabin lại ngậm ngùi. Có những lúc buồn, tủi thân đến phát khóc”, anh Khương kể.
“Mỗi dịp chúng tôi đón Tết trên tàu, mấy anh em trực ban trên ga thường chuẩn bị đón chúng tôi bằng những nụ cười thân thiện, ấm áp tình người. Lúc đấy, anh em trên tàu, dưới ga vẫy tay nhau chúc mừng năm mới. Rồi có những lần đi qua những cánh đồng vắng, trời tối đen thui. Khoảnh khắc đồng hồ điểm 0h, cánh lái tàu chúng tôi lại kéo còi thật to, thật dài để phá tan sự tĩnh mịch của đêm đen, và cũng là để đón chào năm mới đến”, anh Khương kể lại.
Đằng đẵng 30 năm cầm vô lăng, bao vất vả, áp lực, vượt cả trăm nghìn cây số nhưng chưa bao giờ các anh có ý nghĩ đổi nghề. Thoáng một chút trăn trở trong ánh mắt, anh Huỳnh nói: "Có lúc ngồi nghĩ, nghề lái tàu đúng thật là quá vất vả, nhọc nhằn nhưng nếu cho chọn lại, tôi vẫn làm nghề lái tàu. Vì đó là nghề chúng tôi yêu thích, ở đó đòi hỏi trách nhiệm rất cao nhưng cũng có niềm tự hào. Chúng tôi lái những chuyến tàu đưa người dân về với người thân, kết nối tình cảm yêu thương, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về”. |
Thu Huyền
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết