+Aa-
    Zalo

    Chuyện câu đối Tết ở Thăng Long- Hà Nội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Câu đối là thú chơi sang trọng của các nhà Nho trên đất Thăng Long, nơi được cho là đất học có Văn Miếu- Quốc Tử Giám xây từ thời nhà Lý.

    Câu đối là thú chơi sang trọng của các nhà Nho trên đất Thăng Long, nơi được cho là đất học có Văn Miếu- Quốc Tử Giám xây từ thời nhà Lý.

    Nói về Tết Nguyên đán, không có câu nào đầy đủ và chuẩn chỉnh hơn câu:

    Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

    Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

    Chỉ với 14 chữ nhưng bao hàm tục lệ, ẩm thực và thú chơi Tết của người Việt. Tại sao ngày Tết lại phải có câu đối đỏ? Câu đối là thú chơi sang trọng của các nhà Nho trên đất Thăng Long, nơi được cho là đất học có Văn Miếu- Quốc Tử Giám xây từ thời nhà Lý. Trước Tết các trí thức Nho học viết những chữ mà họ tâm đắc lên giấy đỏ treo ở phòng khách hay trên tường. Đầu năm mới bạn bè đến chúc Tết sẽ cùng nhau uống rượu và bình.

    Nhưng tại sao lại là viết trên giấy đỏ? Màu đỏ trong quan niệm của người phương Đông là màu của máu, của sự hồi sinh tượng trưng cho may mắn. Mặt khác màu đỏ cũng là màu xua đuổi ma quỷ khi ông Công, ông Táo về trời. Từ thú chơi của các nhà Nho dần lan ra xã hội nhất là dân chúng Thăng Long. Liên tục trong gần 800 năm, Thăng Long là kinh đô của Việt Nam kể từ năm 1010 khi Lý Công Uẩn định đô cho đến năm 1802, Nguyễn Ánh dời kinh đô vào Huế. Vì là kinh đô nên Thăng Long có nhiều quan lại, danh Nho, sĩ tử các nơi về học tại các trường đại tập quanh Văn Miếu. Và ngay cả khi kinh đô đã chuyển vào Huế và Thăng Long được đổi tên thành Hà Nội thì mảnh đất này vẫn là nơi sinh sống của rất nhiều trí thức Nho học. Với tầng lớp này thì “lập ngôn” quan trọng hơn là viết một cuốn sách và viết câu đối Tết cũng dịp để họ đưa ra quan niệm của minh về nhân tình thế thái.

    Thế kỷ XV, câu đối Tết trở nên phổ biến khắp kinh thành Thăng Long. Trước Tết, nhà nào cũng dán đôi câu đối bằng giấy hồng điều hai bên cửa, vừa có ý nghĩa đuổi ma khi các thần linh về trời, vừa để khách đến chúc Tết thưởng lãm, bình bán bên chén rượu xuân. Tương truyền, một năm, gần đến Giao thừa, vua Lê Thánh Tông vi hành quanh thành xem con dân của mình ăn Tết thế nào. Đến một nhà, ngài không thấy treo câu đối, hỏi mới biết người này ở phường nhuộm vải góa vợ, con trai đi lính ở miền biên ải. Ngài bèn sai lấy giấy bút rồi tự tay mài mực và viết:

    Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ.

    Triều trung chu tử tổng ngô môn.

    (Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ tạo ra

    Đỏ tía chốn triều đình tất cả từ nhà ta ra).

    Một giai thoại khác cũng gần Tết, vua Lê Thánh Tông giả dạng thường dân vi hành. Đi qua một nhà không thấy có câu đối treo cửa, hỏi thì chủ nhà trả lời do thân phận nghèo hèn nên không dám xin chữ. Gặng thêm, mới biết người này làm nghề hót phân, nghe vậy ngài sai lấy bút mực viết ngay đôi câu đối tặng chủ nhà:

    Thân ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự.

    Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.

    (Trên mình mặc chiếc áo trận, gánh vác hết việc khó trong nhân thế. Tay cầm thanh gươm dài thu nhận cả lòng người dưới cõi trời). Viết xong ngài cho dán hai bên cửa rồi giảng giải, chủ nhà nghe xong thấy tự hào cái nghề của mình và từ đó không còn mặc cảm nữa.

    Câu đối Tết còn được các Nho sĩ dùng để phê phán lên án những người theo thực dân Pháp. Chuyện là cuối thế kỷ XIX, Hoàng Cao Khải là quan kinh lược của triều đình nhà Nguyễn ở Hà Nội. Là quan kinh lược nhưng vị quan này lại theo Pháp đánh nghĩa quân Bãi Sậy. Khi Chính phủ Bảo hộ bãi chức kinh lược của ông ta thì đêm 30 Tết, một sĩ phu đã dán câu đối trên tường nhà Hoàng Cao Khải:

    Ông ra Bắc là may, chức kinh lược, tước quận công, bốn bể không nhà mà nhất nhỉ.

    Ông về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài Chính phủ một lòng với nước có hai đâu.

    Đề tài câu đối ngày càng mở rộng và người viết câu đối đôi khi mượn chuyện thế gian để tỏ thái độ của bản thân với xã hội. Đầu thế kỷ XX, cô đầu ở Hà Nội không chỉ là đề tài là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ viết ra nhiều tác phẩm phản ánh về thân phận con người. Nhưng Tản Đà không viết văn làm thơ mà ông lại dùng câu đối Tết để chia sẻ với các cô đầu những người mà theo quan niệm của xã hội cũ là loại bỏ đi.

    Ai đẻ mãi ra xuân, xuân ấy đi, xuân khác về, năm nay, năm ngoái xuân hơn, kém.

    Nhà lại sắp có khách, khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái năm nay khách vắng, đông.

    Nếu ở các tỉnh, trong phiên chợ Tết có rất ít thầy đồ ngồi viết câu đối thì Thăng Long - Hà Nội có hẳn phố viết câu đối và bán giấy mực, đó là phố Hàng Bồ. Ở phố này có các nhà buôn chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Trung Hoa. Từ ngày 23 tháng Chạp, cạnh cửa hàng có các ông đồ trải chiếu bán câu đối đã viết sẵn trên giấy hồng điều. Ai không thích mua câu đối viết sẵn thì các ông đồ này hỏi han nghe mong muốn của người xin chữ sẽ sáng tác tại chỗ. Ngay cả nhà có tang cũng không thể thiếu câu đối, chỉ có điều giấy viết có màu vàng hay màu xanh lục.

    Thời Pháp thuộc, khi chữ Nho thất thế và phố Hàng Bồ không còn những ông đồ trải chiếu “bên phố đông người qua” nhưng thú chơi câu đối Tết vẫn tiếp diễn. Hầu như các tờ báo Tết đều đăng câu đối ở vị trí trang trọng. Sau năm 1954, để duy trì thú chơi cũng là sinh hoạt văn hóa truyền thống dịp Tết, ngành văn hóa đã mời một số người sáng tác câu đối bằng chữ quốc ngữ rồi cho in hàng loạt bày bán tại các hiệu sách và cả phố Hàng Mã. Dù câu đối viết bằng chữ Quốc ngữ nhưng niêm luật cũng rất chặt chẽ như chữ Hán, chữ Nôm.

    Câu đối là một loại thể văn học, có tính chất bác học thuộc thể biền ngẫu: Gồm hai vế đối nhau, nhằm biểu thị ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một sự việc, một hiện tượng nào đó trong đời sống xã hội. Tuy nhiên nó đã thay đổi khi các số báo Tết có câu đối mang tính thời sự. Về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, báo Hà Nội mới số Tết năm 1973 có câu đối:

    Lung linh én bạc phanh thây pháo đài bay ung dung đón Tết.

    Rực rỡ rồng vàng xé xác bê năm hai đĩnh đạc vào Xuân

    Hay:

    Cả nước tưng bừng sử mới thêm trang đánh Mỹ.

    Hai miền tấp nập cầu xưa nối nhịp mừng xuân.

    Cùng với câu đối Tết được in trên giấy đỏ phát hàng rộng rãi thì Hà Nội còn có câu đối truyền miệng. Về chuyện xếp hàng mua tiêu chuẩn Tết có câu:

    Tí mỡ, tí miến, tí mì chính, bán bìa số 9, chen bẹp ruột.

    Lít dầu, yến củi, yến mùn cưa bán ô số 3, xô lòi gan.

    Hơn chục năm trở lại đây, Hà Nội xuất hiện phố ông đồ, ngoài viết chữ quốc ngữ, các ông đồ già có, trẻ có, quần áo, mũ mão chỉnh tề còn viết cả câu đối bằng chữ Hán, Nôm. Dù không được như xưa nhưng cũng tiếp nối nét văn hóa tao nhã trọng chữ trong ngày xuân.

    Thục Gi

    Bài đăng báo in Đời sống & Pháp luật số gộp: 7 số: Số 11+12+13+14 + Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-cau-doi-tet-o-thang-long--ha-noi-a308319.html
    Chuyện chơi chữ và câu đối Tết

    Chuyện chơi chữ và câu đối Tết

    Do ảnh hưởng của văn hóa phương Đông nên trong ngày Tết, người Việt thường treo Đào phù (hay bùa đào) bằng gỗ sơn màu đỏ để xua đuổi ma quỷ.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chuyện chơi chữ và câu đối Tết

    Chuyện chơi chữ và câu đối Tết

    Do ảnh hưởng của văn hóa phương Đông nên trong ngày Tết, người Việt thường treo Đào phù (hay bùa đào) bằng gỗ sơn màu đỏ để xua đuổi ma quỷ.