+Aa-
    Zalo

    Chuyện cảm động về người vợ chiến sỹ đặc công Rừng Sác

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Anh nói với tôi lúc chia tay, anh là bộ đội đặc biệt, khi chiến đấu nếu có rơi vào tay địch thì phải tìm đường bảo toàn danh dự của người chiến sỹ cách mạng..."

    (ĐSPL) - "Anh nói với tôi lúc chia tay, anh là bộ đội đặc biệt, khi chiến đấu nếu có rơi vào tay địch thì phải tìm đường bảo toàn danh dự của người chiến sỹ cách mạng. Tôi không ngờ, đó lại là lời trăng trối cuối cùng của anh. Sau lời dặn hôm đó, anh ra đi biền biệt, chẳng bao giờ trở về nữa". Đó là lời tâm sự của bà Vũ Thị Hiệp - vợ của chiến sỹ đặc công Nguyễn Công Bao.

    Chuyện cảm động về người vợ chiến sỹ đặc công Rừng Sác
    Bà Vũ Thị Hiệp xem lại những kỷ vật về chồng.

    "Từ đó anh đi chẳng về nữa..."

    Chúng tôi đã may mắn gặp được người vợ của chiến sỹ đặc công Rừng Sác ở phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đến địa phương hỏi bà Hiệp, ai cũng hỏi, có phải là cô giáo Hiệp không? Những người dân địa phương chỉ biết bà Hiệp là một cô giáo hết mực yêu thương học trò chứ ít người biết rằng, cô giáo ấy chính là người vợ của một chiến sỹ đặc công lừng lẫy trong chiến tranh chống Mỹ.

    Cô giáo Vũ Thị Hiệp xinh đẹp ngày nào, giờ đã lên chức bà. Tuổi tác đã in hằn bằng những nếp nhăn xuất hiện trên má. Thế nhưng, tình cảm mà bà dành cho người chồng cũ vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Bà Hiệp mở ngăn tủ, lấy ra một cái túi đựng rất nhiều bức thư, tấm ảnh và các kỷ vật đã úa màu theo thời gian. Chồng bà vốn là chiến sỹ đặc công thủy và được điều động vào vùng hoạt động bí mật tại chiến khu B.

    "Thời điểm anh  đi B, tôi sinh cháu trai được 2 tháng. Anh được về thăm vợ con 3 ngày. Hôm anh về thăm nhà vào thời điểm trời gần sáng. Phà Rừng bị giặc càn quét, ném bom dữ dội, anh phải nằm chờ. Quá nửa đêm, khi tiếng bom B52 đã ngớt, anh mới vượt sông về thăm vợ con. Lần này về thăm nhà, trông nét mặt anh khác lắm. Tâm sự chưa dứt lời thì anh lại phải lên đường. Hôm chia tay, anh nói anh là bộ đội đặc biệt. Nhiệm vụ lần này rất quan trọng, nếu lỡ có rơi vào tay địch thì phải tìm đường bảo toàn danh dự của người chiến sỹ cách mạng. Không ngờ, đó lại là lời trăng trối cuối cùng của anh. Từ đó, anh đi biền biệt, chẳng bao giờ trở về". Bà Hiệp lấy tay lau những giọt nước mắt lăn dài trên má.

    Từ hôm tiễn chồng lên đường, bà Hiệp đã không biết tin gì về chồng nữa, ngay cả giấy báo tử bà cũng không nhận được. Bà đã thấy rất nhiều hiện tượng kỳ lạ gắn liền với những ký ức về chồng.

    "Khi cả nhà đang chuẩn bị cho đám cưới em trai tôi, tôi đã kể lại lời hứa của anh lúc từ biệt lần cuối cùng: "Sau chiến tranh, chú Nam cưới vợ, anh sẽ về làm chủ hôn cho chú đấy nhé!". Tôi chưa kịp nói dứt lời thì thấy một con bướm rất to ở đâu bay đến. Nó vẫy vẫy cánh rồi bay khắp trong và ngoài rạp. Lúc đó, tôi có linh cảm rất lạ. Lại một lần khác, tôi lại thấy con bướm đó bay đến đậu trên yên chiếc xe máy có chiếc nón của tôi. Nó cứ vỗ cánh chập chờn. Tôi đến bên lẩm nhẩm: "Cuộc gặp nào cũng có lúc phải xa nhau. Anh về, sống khôn chết thiêng, anh hãy nhận lời chào của vợ và đồng đội rồi chia tay!". Quay đi quay lại, chú bướm bay khỏi xe rồi biến đâu mất!", bà Hiệp kể lại.

    Vượt hàng ngàn km tìm hài cốt chồng

    Hơn một phần tư thế kỷ, bà Hiệp vẫn âm thầm chờ đợi và hy vọng. Ngoài mảnh giấy báo công của anh mà đơn vị gửi về thì bà không hề nhận được bất kỳ một thông tin nào khác. Những ký ức về chồng vẫn luôn hiện về. Bà Hiệp cứ linh tính rằng, chồng bà hy sinh mà không tìm thấy xác nên hương hồn vẫn chưa được yên nghỉ. Bà quyết tâm phải tìm bằng được hài cốt của chồng để đem về quê chôn cất. Bà liên hệ theo mảnh giấy báo công để tìm đến đơn vị, hy vọng sẽ tìm được manh mối. Tuy nhiên, đã nhiều lần bà hy vọng rồi lại thất vọng.

    Một buổi chiều, nhân viên bưu điện đã đưa cho bà một gói bưu phẩm. Bà Hiệp hồi hộp mở ra, thấy có gói gì đóng vuông vức kèm theo một lá thư. Bà ngỡ đó là một phần hài cốt của chồng. Đọc hết lá thư mới biết đó là gói đất do Trung đoàn 10 Rừng Sác lấy từ sông Lòng Tàu - nơi các anh đã hy sinh, gửi ra cho chị với lời nhắn, đó là một phần xương cốt của liệt sỹ Nguyễn Công Bao. Từ khi biết được thông tin chồng đã chiến đấu tại Rừng Sác, bà đã quyết định vào miền Nam để tìm hài cốt chồng. Bà đã cất công vào TP.HCM rất nhiều lần để tìm kiếm hài cốt chồng và sưu tầm các tài liệu liên quan đến sự hy sinh của chồng. Thế nhưng, những chuyến đi đó đều không thu được kết quả gì.

    Bỗng một hôm, Đại tá Lê Bá Ước - nguyên Trung đoàn trưởng, người trực tiếp chỉ huy trận đánh Rừng Sác đã gửi cho bà những tư liệu, những bức ảnh một thời của chồng ở Rừng Sác. "Cầm những kỷ vật của chồng, tôi đã không thể cầm được nước mắt. Mỗi kỷ vật của anh đều đã gắn với những ký ức không thể quên. Tôi quyết tâm phải tìm bằng được hài cốt để mang về thờ", bà Hiệp nói trong nghẹn ngào.

    Vào một ngày tháng 7/1999, bà nhận được tin người dân ở khu vực hàng rào kho xăng Nhà Bè tìm thấy một đoạn xương trồi lên. Tiếp tục đào bới thì phát hiện hai bộ hài cốt, có mũ vải dù hoa, chiếc ống thở, chiếc dây thắt lưng. Căn cứ vào xương quai hàm, xương ống chân, hàm răng và chiếc dây đeo trên cổ mà người ta phân biệt được hai bộ hài cốt là của liệt sỹ Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm. Khi nhận được tin này, bà Hiệp đã dẫn các con đến nhận phần mộ của chồng tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh. Gia đình bà Hiệp đã cùng Đoàn 10 đến dâng hương tại đền thờ Liệt sỹ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và dự Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đoàn 10 Rừng Sác. Tại đây, ba mẹ con bà cùng chụp ảnh dưới chân tượng đài mang tên Đặc công Rừng Sác - nơi chồng bà đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ.

    Chồng mới thờ chồng cũ của vợ

    Sau đó, bà đã đem hồ sơ đi khắp nơi, đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét, truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho chồng mà chưa được vì hồ sơ còn thiếu, phần vì chưa tìm thấy hài cốt của chồng. Lần này, bà lại tiếp tục vào Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Nhà Bè, làm thủ tục xin chuyển hài cốt chồng về mảnh đất quê hương. Sau bao nhiêu năm lặn lội, bà mới được thỏa nguyện. Đến 30/4/2013, liệt sỹ Nguyễn Công Bao đã được Nhà nước được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

    Giờ đây, mọi việc lo cho anh đã tạm ổn, bà Hiệp đã gác nghĩa nương tựa tuổi già với một người đàn ông khác. Hai người đều đã già, không có con chung, chỉ ở vậy để cậy nhờ nhau. Cả hai vợ chồng bà vẫn lập bàn thờ và làm không gian lưu trữ kỷ vật của anh hùng Nguyễn Công Bao.

    Ông Vũ Trọng Cường, chồng mới của bà Hiệp vẫn luôn tôn trọng tình cảm thiêng liêng của vợ dành cho người chồng cũ. Chính ông cũng đã nhiều lần theo vợ vào miền Nam để tìm hài cốt liệt sỹ Nguyễn Công Bao. Đem được hài cốt về, ông lại cùng vợ con chôn cất tử tế. Bàn thờ chồng cũ của vợ cũng do chính tay ông trực tiếp đóng. Ngoài ra, ông Cường còn dành riêng một gian trang trọng trong ngôi nhà để thờ người liệt sỹ. Với bà Hiệp và chồng mới làm như thế không chỉ là nghĩa cử với người quá cố, với đồng đội mà còn là sự tri ân.

    Ông Cường chia sẻ: "Cả hai chúng tôi đều đã tuổi già sức yếu, giờ chỉ nương tựa vào nhau để sống nốt quãng đời còn lại. Trái tim bà ấy vẫn dành trọn cho người chồng cũ, tôi chỉ thay anh chăm sóc cho bà ấy".

    Giấc mơ lạ và đàn bồ câu trắng

    "Có một đồng chí đã mơ thấy chiến sỹ Bao và Tiềm bơi trên sông Đồng Nai. Hai người cởi trần, ngực nở múi, bơi dưới nước mà như người đi trên cạn. Hai đồng chí bảo rằng, chỉ ghé chơi đôi chút rồi phải đi ngay, anh em đang đợi đông lắm, đi bằng xuồng bo bo. Sau giấc mơ đó, các đồng chí đã đi khắp nơi xin kinh phí xây đài tưởng niệm để ghi nhớ công ơn của các chiến sỹ đặc công Rừng Sác. Ngày khởi công khu đền thờ, tình cờ trên bầu trời có hàng nghìn con chim bồ câu không biết từ đâu bay về hót rộn rã. Đó là cảnh tượng mà người dân địa phương chưa từng thấy bao giờ" - bà Vũ Thị Hiệp nhớ lại.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-cam-dong-ve-nguoi-vo-chien-sy-dac-cong-rung-sac-a26882.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan