+Aa-
    Zalo

    Chuyện cảm động ít biết về Bác Hồ khởi xướng Tết Trồng cây 60 năm về trước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mùa xuân Kỷ Hợi 1959 cách đây vừa tròn 60 năm, Bác Hồ đã phát động Tết Trồng cây với tư tưởng là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái.

    Mùa xuân Kỷ Hợi 1959 cách đây vừa tròn 60 năm, Bác Hồ đã phát động Tết Trồng cây với tư tưởng là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái góp phần làm cho “phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp”, “đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện”…

    Với Bác Hồ, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt đã được trao truyền bao thế hệ.

    Để định hướng về phong trào Tết Trồng cây, Bác Hồ đã có 15 bài viết, bài nói có liên quan. Trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 14/9/1958, Bác đã xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Người cho rằng, đó là một nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang.

    Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh Trần Lực đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân số 2082. Bác Hồ đã chính thức khởi xướng và phát động phong trào Tết Trồng cây. Ngày 9/5/1961, nói chuyện với nhân dân ở đảo Cô Tô (Hải Ninh, Quảng Ninh), Người căn dặn: Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp.

    Ngày 20/1/1965, trong bày “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết Trồng cây” đăng trên báo Hà Đông, Người viết: “Muốn xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết Trồng cây”.

    Không chỉ kêu gọi mọi người tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hành động cụ thể nêu gương cho mọi người làm theo. Năm 1960, Bác Hồ tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Năm 1961, Bác Hồ cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại vườn hoa Thanh niên. Ngày 3/2/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong Hội trồng cây thống nhất cùng đồng bào huyện Đông Anh. Hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, Bác Hồ thường tham gia cùng nhân dân trồng cây. Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác vẫn đến chúc Tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại (Ba Vì). Cho đến tận ngày Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn không quên nhắc đến việc trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

    Trong những bài viết, Bác Hồ nêu rõ tác dụng của việc trồng cây. Đó là công việc "tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, làm cho “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

    Bác Hồ đã viết Tết Trồng cây "cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Điều đó có thể thấy, ý nghĩa của Tết Trồng cây là hết sức thiết thực và lớn lao. Lời kêu gọi "Tết Trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

    Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết Trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức Tết Trồng cây.

    Bác nhấn mạnh việc thực hiện Tết Trồng cây một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc thì không chỉ góp phần vào nhiệm vụ phát triển “kinh tế văn hóa” mà còn làm cho “phong cảnh của ta cũng thật sự là non sông gấm vóc, tươi đẹp vô cùng”. Không chỉ có vậy Người còn lưu ý Tết Trồng cây có ý nghĩa chính trị to lớn. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ Tết Trồng cây với kế hoạch trồng cây gây rừng, "trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn lưu ý: "Có nơi nhầm cho rằng Tết Trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết Trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục...”, "Sở dĩ Tết Trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”.

    Phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động đã trải qua vừa tròn 60 mùa xuân. Hưởng ứng lời kêu gọi Tết Trồng cây của Người, ai ai cũng rất hạnh phúc khi đã góp phần tạo ra được nhiều thế hệ cây xanh cho đất nước. Và những thế hệ cây xanh được trồng từ những năm đầu của phong trào nay đã trở thành những cây cổ thụ xum xuê trên các đường phố, nẻo đường của các làng bản, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho đất nước.

    Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời trải qua 50 mùa xuân mới. Tết Trồng cây đã trở thành một mỹ tục mới tốt đẹp trong nhân dân. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau.

    Phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động đã trải qua 60 mùa xuân đã được nhân dân trên mọi miềm Tổ quốc hưởng ứng rất tích cực. Những tàng cây xanh trù phú dọc chiều dài đất nước từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Tổ quốc được nhân dân các thế hệ nối tiếp thi nhau trồng đã thực sự điểm tô cho giang sơn gấm vóc Việt Nam ngày càng tươi đẹp. Tết Trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và phát động đã thực sự trở thành một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Cùng với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện, Tết Trồng cây đã góp thêm hương sắc cho Đất Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững theo di nguyện thiêng liêng của Người:

    Mùa Xuân là Tết Trồng cây

    Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

    Để góp phần đưa những tư tưởng của Người qua Tết Trồng cây lan tỏa những giá trị thiết thực trong cộng đồng, hơn 20 nhà cách mạng tiền bối đã trình bày với Đảng và Nhà nước về việc thành lập Hội Sinh vật Cảnh Việt Nam năm 1989. Hội Sinh vật Cảnh Việt Nam - Tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nhận về mình sứ mệnh tiếp tục phát huy ý nghĩa của Tết Trồng cây góp phần bảo tồn tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cải thiện môi trường sinh thái; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

    Sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay sinh vật cảnh đã là một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao thu hút hơn 4 triệu người lao động góp phần tạo ra giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD hàng năm trong nhóm ngành Rau, Hoa, Quả, Cây cảnh...

    Vương Xuân Nguyên

    Theo Người Đưa Tin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-cam-dong-it-biet-ve-bac-ho-khoi-xuong-tet-trong-cay-60-nam-ve-truoc-a261930.html
    Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa

    Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa

    Xuân Kỷ Dậu 1969, sức khỏe của Bác Hồ đã yếu đi nhiều, những triệu chứng đáng lo ngại về bệnh tim của Người ngày càng xuất hiện rõ ràng.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa

    Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa

    Xuân Kỷ Dậu 1969, sức khỏe của Bác Hồ đã yếu đi nhiều, những triệu chứng đáng lo ngại về bệnh tim của Người ngày càng xuất hiện rõ ràng.

    Đảng ta

    Đảng ta

    “Đảng ta”- hai tiếng ấy vang vang trong tâm những người Việt Nam yêu nước một cách tự nhiên và tất nhiên như bình minh ló rạng sau đêm.