(ĐSPL) - Ham hố những bộ quần áo, phụ kiện giá rẻ, độc và gắn mác “ngoại”, nhiều chị em đã mắc phải những bệnh ngoài da và phụ khoa dai dẳng, khó chữa.
Phụ nữ và tâm lý chuộng đồ sida...
Gần 4 giờ chiều, phóng viên ĐSPL có mặt tại chợ hàng thùng phố Đông Tác, Hà Nội thấy tấp nập người ra vào. Chợ Đông Tác với nhiều gian bán hàng thùng nằm san sát nhau với đa dạng thể loại, mẫu mã và giá cả. Nhưng nhìn chung, những cửa hàng này đều bán đồ hàng thùng với giá khá phải chăng. Trung bình, một chiếc quần hoặc áo thu đông có giá từ 150 - 400 ngàn đ/chiếc, áo da được giao bán giá cao hơn từ vài trăm đến hơn 2 triệu đồng, túi xách tùy theo chất liệu và kích cỡ to nhỏ có giá dao động từ 50 - 500 ngàn đ/chiếc, giày dép cũng từ vài chục ngàn đến hơn 1 triệu/đôi.
Chợ hàng thùng phố Đông Tác, Hà Nội. |
Xem ra, những trang phục và phụ kiện hàng thùng đủ kiểu dáng, mẫu mã này đã thu hút khách mọi lứa tuổi. Phần nhiều khách hàng trong số đó là các chị em tuổi từ 18 - 35.
Hỏi dò một chủ ki ốt về lượng khách đến đây mua hàng mỗi ngày, một chủ ki ốt tại chợ Đông Tác vừa chỉ trỏ vừa nói: “Ở đây ngày mưa cũng như ngày nắng, chúng tôi bán hàng chẳng lo khi nào bị ế. Vào cuối tuần lượng khách đến xem và mua đồ ở đây sẽ nhiều hơn ngày thường. Đồ ở ki ốt nhà tôi luôn có nhiều đồ độc, lạ, giá cả rất phải chăng, thậm chí có lúc tôi bán giá rẻ hơn các ki ốt khác nên luôn có nhiều khách quen”.
Gặp chị Nguyễn Thị Hoa - một khách hàng 32 tuổi chiều nay cũng đang đến đây mua hàng. Tiếp chuyện với chị về chuyện mua hàng thùng, chị Hoa không ngại ngần chia sẻ: “Hầu như không tháng nào mình lại không đến đây 2 lần. Thậm chí có tuần mình đi đến đây 1 tuần/lần. Mình thường đến đây mua sắm hàng thùng ngoại. Bởi những bộ đồ ở đây từ chiếc áo phông, sơ mi, quần short, hay phụ kiện như dây lưng, ví, túi xách mình đều thấy chất liệu rất đẹp, kiểu dáng thì độc nữa. Khi mua về mặc và dùng, cứ gọi là thích và không bị đụng hàng luôn”.
|
Một khách hàng khác tến Vân đang lúi húi chọn quần áo đổ đống ngay gian hàng bên cạnh cũng cười nói: “Quần áo hàng thùng thì ai cũng biết là quần áo sida rồi. Nhưng nó chẳng những độc, chất liệu đẹp mà giá còn khá rẻ. Chả thế mà mấy sinh viên trọ ở nhà tôi hay rủ tôi đến đây mua đồ và săn hàng lắm. Như hôm nay, tôi mua 5 cái áo thu chất liệu đẹp thế này mới chưa hết 400 ngàn đồng. Trong khi với chừng này tiền, tôi chỉ mua được một chiếc áo len mới. Mua mấy cái áo thu đông này, tôi có thể diện cả mùa vì chúng vừa đẹp, giá cả lại hợp lý và nhất là kiểu dáng độc”.
Khi mang thắc mắc về việc mua hàng thùng không sợ bệnh ngoài da hay phụ khoa sao thì 2 phụ nữ trên cười lớn bảo: "Cô chưa mặc quần áo hàng thùng lần nào nên chắc không biết. Bọn tôi đây, mấy năm nay toàn mặc quần áo hàng thùng có sao đâu. Này nhé, khi lựa chọn những bộ đồ hay phụ kiện từ chợ hàng thùng về xong, cô cứ làm như bọn chị mách. Tức là cho vào ngâm với xà phòng hoặc nước ấm. Sau đó giặt sạch sẽ phơi khô là có thể mặc thoải mái. Nhà tôi chẳng những tôi mặc quần áo hàng thùng mà các con tôi cũng mặc luôn. Chỉ cần giặt sạch là chẳng lo gì hết”.
... Rước bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa dai dẳng
Có mặt tại một phòng khám phụ khoa nổi tiếng ở Hà Nội, chúng tôi bắt gặp rất nhiều phụ nữ đến đây khám phụ khoa. Hỏi chuyện một số bệnh nhân mắc bệnh phụ khoa và đã điều trị tại đây khá lâu mà chưa điều trị dứt điểm được, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nhung (Hà Đông, HN). Chị Nhung kể, gần 2 năm nay, chị đã đi rất nhiều các phòng khám da liễu, phụ khoa để khám bệnh. Tuy nhiên, bệnh cứ dai dẳng.
Theo người phụ nữ này tiết lộ, lý do chị bị bệnh phụ khoa chỉ vì ham hố mặc quần áo hàng thùng vì thấy những quần áo hàng thùng có mẫu mã và kiểu dáng đa dạng, phong phú, chất liệu độc đáo. Có thời gian, chị còn mua cả những chiếc quần áo lót hàng thùng về mặc. Chị không ngờ được, dù đã giặt rũ và khử trùng cẩn thận, nhưng sau 1 thời gian mặc quần áo sida này, chị thấy người và vùng kín ngứa ngáy. Tự mua thuốc điều trị mãi không khỏi, chị buộc phải đi khám. Không ngờ khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị bệnh phụ khoa.
Khám phụ khoa vì mặc quần áo hàng thùng bẩn, mất vệ sinh. |
Cũng đang nhăn nhó vì phải chịu trận các cơn ngứa trên cơ thể, lại phải khó chịu vì chờ đợi lâu, chị T.T.H, 37 tuổi (Hà Nội) ngồi cạnh đó lộ rõ vẻ khổ sở và khó chịu khi đợi đến lượt thăm khám. Hỏi vì sao chị lại phải đi khám thì chị chẹp miệng kêu ca: "Thật đúng là số khổ. Trước tôi có bao giờ mua quần áo hàng thùng mặc đâu. Thế mà 3 tháng trước, em gái tôi nó đi nhặt 1 đống hàng thùng về và cho vài cái áo. Thấy kiểu dáng độc, chất liệu khá ổn nên tôi cũng thích mặc. Vậy mà từ đó, tôi cứ bị ngứa ngáy ở phần trên cơ thể mà chẳng tìm được nguyên nhân. Đi khám thì mới được bác sĩ nói do tôi mặc quần áo hàng thùng có nhiều hóa chất tẩy rửa".
Chia sẻ về điều này, bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Phòng khám Sản phụ khoa Thịnh An (88 Dốc Phụ sản Hà Nội) cho chúng tôi biết: Tại phòng khám chuyên khoa sản phụ này, chúng tôi đã từng thăm khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân khám bệnh phụ khoa. Qua thăm khám cụ thể mới biết, nguyên nhân phần nhiều do một số chị em chuộng hàng thùng. Chị em chuộng hàng thùng mà không lường trước được rằng, những quần áo này rất dễ lây lan cho người mặc lại. Vì nếu chủ nhận trước của những trang phục này mắc bệnh da liễu hay phụ khoa thì có thể lây sang người hiện tại sử dụng nó. Hơn nữa, quần áo này khi lấy về bán bị các chủ ki ốt vứt la liệt trên nền, sàn nhà nên bất bẩn, mất vệ sinh.
Ngoài ra, trong quá trình làm mới quần áo nhiều chủ cửa hàng chắc chắn phải dùng nhiều hóa chất để tẩy rửa. Những hóa chất này có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bác sĩ Sơn cũng khuyên các chị em, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh ngoài da và phụ khoa, những chị em nên lưu ý những điều sau:
- Không thử quần áo tại quầy vì chúng chưa qua xử lý sẽ có rất nhiều vi khuẩn. Điều này khiến cho bạn sẽ bị lây bệnh rất nhanh.
- Tuyệt đối không nên mua quần áo lót hàng thùng vì có nguy cơ lây bệnh da liễu, phụ khoa rất cao.
- Không mua những trang phục, phụ kiện quá cũ nát vì sẽ có rất nhiều vi khuẩn tiềm ẩn.
- Mua quần áo hàng thùng về, nhất định phải qua tẩy, sấy, hấp quần áo để được làm sạch, tiêu diệt các mầm mống gây bệnh. Không được giặt qua loa vì có thể là điều kiện thuận lợi cho nguồn bệnh phát triển.