+Aa-
    Zalo

    Chung tay cùng người dân miền Tây vượt qua cơn “khát nước ngọt”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hạn mặn khốc liệt khiến các kênh dẫn nước vào nội đồng khô cạn trơ đáy, người dân vùng hạn mặn đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

    Hạn mặn khốc liệt khiến các kênh dẫn nước vào nội đồng khô cạn trơ đáy, người dân vùng hạn mặn đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trầm trọng. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương cùng nhân dân chung tay, triển khai phương án đưa nước ngọt miễn phí đến cho bà con nông dân sử dụng.

    Bà con vùng hạn mặn chia sẻ nhau từng can nước ngọt. Ảnh: Thanh Lâm

    Kênh nội đồng khô trơ cạn đáy

    Tân Phước là một trong những xã thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, nơi đây đang chịu ảnh hưởng bởi đợt hạn mặn khốc liệt lịch sử. Các kênh nước nội đồng khô cạn trơ đáy, gây không ít thiệt hại về sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, người dân vùng này đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

    Trước tình hình nêu trên, ông Du Tiến Dũng (52 tuổi, ngụ ấp 7, xã Tân Phước) lập nhóm từ thiện cấp nước miễn phí Tân Phước do ông làm nhóm trưởng. Nhóm gồm 9 thành viên cùng tâm huyết làm từ thiện, thay phiên nhau vận chuyển nước miễn phí tận nơi phục vụ cho bà con với tiêu chí “không nhận tiền cảm ơn dù chỉ một đồng”.

    Theo ông Dũng, ban đầu nhóm chỉ huy động được vài ô tô tải tình nguyện chở nước miễn phí, nhưng hiện tại con số lên tới 26 ô tô sẵn sằng chở nước miễn phí phục vụ cho bà con đến tận đêm khuya. Nếu như trước đây, nhóm phải đi khắp nơi vận động xin nước thì giờ ngay tại xã đã có vòi nước công cộng. Mỗi ngày, các xe ô tô, xe ba gác tình nguyện cứ đến các vòi nước công cộng xếp hàng rồi lần lượt lấy nước chuyển đi cho bà con.

    “Đôi khi anh em cung cấp nước cho bà con nhưng khi trở về nhà thì chẳng có một giọt nước để dùng, nhưng bù lại là niềm vui khi giúp được bà con có được nước sinh hoạt để dùng”, ông Dũng bộc bạch.

    Anh Vương Hoàng Anh Tuấn, 28 tuổi, ngụ xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (thành viên từ thiện nhóm anh Dũng) cũng điều 1 xe cẩu của gia đình đến để vận chuyển nước miễn phí cho bà con. Anh Tuấn cho biết, xe cẩu của anh chở được 9 khối nước và trang bị cả máy bơm để cấp nước nhanh cho bà con 3 chuyến/ngày.

     Bà Nguyễn Thị Cúc, ngụ xã Tân Phước cho biết, gần 1 tháng qua, bà cũng như nhiều hộ dân khác của xã phải dùng xe máy để chở từng can nước của nhóm cấp nước từ thiện mang về cho gia đình dùng. Nhờ có nước cấp từ thiện miễn phí nên bà con trong vùng đã giải tỏa được cơn “khát nước” phần nào.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Đàng – Chủ tịch UBND xã Tân Phước cho biết, toàn xã có 1.050 ha diện tích nông nghiệp, trong đó 200 ha bị ảnh hưởng, giảm năng suất do hạn mặn. So với đợt hạn mặn 2015 – 2016 thì đợt hạn mặn năm nay được đánh giá là khắc nghiệt hơn, các kênh dẫn nước nội đồng khô cạn trơ đáy. Để phục vụ nước sinh hoạt cho bà con, tại xã hiện có 6 – 7 vòi nước công cộng để bà con tự đến lấy nước mang về sử dụng. Lực lượng bộ đội biên phòng, điện lực luôn chung tay cùng địa phương.

    Ngoài ra, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp nhiệt tình hỗ trợ, họ tự dùng phương tiện của mình rồi đến lấy nước ở các vòi công cộng, sau đó vận chuyển đến tận nơi cho bà con dùng mà phải tốn bất kỳ chi phí nào.

    Giải cứu vườn sầu riêng

    Ngoài huyện Gò Công Đông, thì tại xã Tam Bình và các lân cận như Hội Xuân (huyện Cai Lậy) và xã Phú Phong (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cũng rơi vào cảnh “khát nước ngọt” tương tự. Hàng nghìn ha trồng sầu riêng đang giai đoạn ra trái bắt đầu suy kiệt, có dấu hiệu rụng lá chết dần vì thiếu nước.

    Ông Nguyễn Văn Huệ (SN 1957, ngụ ấp Hội Nghĩa, xã Hội Xuân) cho biết, do xâm nhập mặn cả tháng qua nên khiến 4 công vườn trồng sầu riêng của gia đình ông bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Một số cây sầu riêng hiện đã chết khô phải đốn hạ, một số cây còn lại bất đầu có dấu hiệu rụng lá vì thiếu nước khiến gia đình như ngồi trên đống lửa.

    Dứt lời, ông Huệ chỉ tay về hướng gốc sầu riêng hơn 4 năm tuổi, cây chết khô do xâm nhập mặn phải đốn hạ thở dài nói: “Không riêng gì gia đình tôi, những hộ trồng sầu riêng cùng xã cũng chịu ảnh hưởng đợt xâm nhập mặn lịch sử năm nay. Để cứu lấy vườn sầu riêng, những hộ nông dân có điều kiện thì mua nước từ các sà lan về tưới cầm cự, còn những hộ nông dân không có điều kiện thì chưa tìm ra giải pháp nào”.

    Theo ông Huệ, trước tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng, cán bộ địa phương đã đến từng hộ nông dân trồng sầu riêng khảo sát, ghi lại số lượng cây trồng để có kế hoạch hỗ trợ nước cho nông dân vào những ngày tới. Tuy nhiên, do gia đình ông không có phương tiện vận chuyển, lại ở khá xa điểm cấp nước nên việc thuê xe vận chuyển nước chở về sẽ tốn nhiều chi phí. Vì vậy, giờ gia đình ông Huệ chỉ còn cách trông chờ mưa xuống.

    Tại vườn sầu riêng của bà Nguyễn Thị Châu (SN 1966, ngụ cùng xã Hội Xuân), hàng chục gốc sầu riêng hơn 5 năm tuổi cũng chết trơ cành vì thiếu nước. Bà Châu cũng như những hộ nông dân khác nơi đây đang trong tình trạng lo lắng, khi số sầu riêng còn lại bất đầu suy kiệt, nếu tình trạng thiếu nước ngọt tưới cho cây kéo dài thì sự sống của những cây sầu riêng này cũng cùng chung số phận.

    Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, trong chiều 16 và sáng 17/3, xe cẩu cuốc đất được điều đến cạnh UBND xã Hội Xuân để đào ao trữ nước ngọt nhằm cung cấp nước miễn phí cho bà con nông dân trong xã.

    Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Hội Xuân cho biết, hiện xã đang khẩn trương triển khai đào giếng và trải bạt cao su để trữ nước ngọt ở hai điểm. Trong vài ngày tới, nước ngọt sẽ được chuyển về từ các sà lan rồi bơm vào hồ trữ nước, phục vụ miễn phí cho bà con nông dân của xã trong xâm nhập mặn khắc nghiệt này. Trong khi đó, tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, đã triển khai phương án hỗ trợ nước miễn phí cho nông dân để giải cứu sầu riêng từ ngày 13/3.

    Ông Đặng Văn Lâm – Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết, toàn xã có 1.600 ha trồng sầu riêng. Do ảnh hưởng xâm nhập mặn nên hầu như cây sầu riêng của các nhà vườn đều suy kiệt, có dấu hiệu rụng lá vì thiếu nước. Uớc thiệt hại ban đầu khoảng 15%, trên tổng diện tích trồng sầu riêng của toàn xã.

    Theo ông Đặng Văn Lâm, để giải cứu vườn sầu riêng, nông dân thường thuê sà lan bơm nước ngọt với giá dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/m3 , tùy theo lượng ống bơm dẫn nước xa hay gần.

    Trước tình trạng nêu trên, tỉnh Tiền Giang có chủ trương, hỗ trợ nguồn nước ngọt phục vụ cho bà con nông dân tưới tiêu cho đến khi có nước ngọt trở lại. Tại xã Tam Bình có một điểm cấp nước miễn phí cạnh đường ĐT 864. Điểm cấp nước này, phục vụ miễn phí cho nông dân ở 11 ấp của xã, mỗi tháng 4 lần tưới.

    Cụ thể, với 1 công (1 công = 1.000 mét vuông) trồng 20 cây sầu riêng trên 5 năm tuổi, nông dân sẽ được hỗ trợ 2 khối nước miễn phí/lần tưới, còn cây dưới 5 năm tuổi thì được hỗ trợ 1 khối nước/lần tưới. Người dân chỉ việc đến điểm cấp nước miễn phí đăng ký rồi tự bơm nước chuyển về sử dụng nên không cần phải lo thiếu nước.

    Thanh Lâm

    Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 43

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chung-tay-cung-nguoi-dan-mien-tay-vuot-qua-con-khat-nuoc-ngot-a316239.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan