Để phỏng vấn xin việc thành công cần có sự chuẩn bị. Không có sự chuẩn bị, khả năng thành công của bạn sẽ không phải là điều chắc chắn.
Khi bước vào một buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi bạn về khả năng đóng góp của bạn cho công ty, hay những thông tin về lợi nhuận năm trước và những sản phẩm mới nhất của họ là gì để chắc chắn bạn đã biết rõ mọi thứ ở nhà. Không gì thất vọng hơn là khi một ứng viên cứ nói liên hồi về sự nhiệt tình nhưng lại thực sự không biết đến những thông tin và số liệu cơ bản nhất về công ty đang phỏng vấn.
Dưới đây là những thông tin hữu ích cho bạn trước khi bước vào buổi phỏng vấn xin việc:
Tìm kiếm thông tin online
Website của công ty là nơi tốt nhất để bắt đầu quá trình tìm kiếm. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy những thông tin chính thức, những sản phẩm cũng như những dịch vụ mà công ty hiện có. Bạn cũng có thể nhìn thấy phần nào phong cách và văn hóa công ty qua cách thức thể hiện website của họ.
Kiểm tra các báo cáo hàng năm, tìm kiếm các thông cáo báo chí và tham khảo thêm thông tin tại trang tin tức của công ty. Hãy lọc lại tất cả các thông tin này và nhận định về những gì bạn có thể đáp ứng phù hợp với định hướng của công ty. Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm trong trang web để khám phá thêm thông tin về những người có khả năng sẽ là người phỏng vấn bạn.
Dành thời gian để tìm trên mạng những thông tin khác về công ty. Gõ tên của công ty trên Google để xem có những tin tức nào viết về công ty gần đây hay không. Bạn cũng có thể tham khảo một số thông tin từ những người đang làm việc tại đó, chẳng hạn như lý do tại sao họ lại thích làm việc tại môi trường này.
Còn một điều nữa, bạn cũng nên thử tìm kiếm thông tin trên mạng từ chính tên của mình để xem có điều gì nên và không nên để nhà tuyển dụng nhìn thấy hay không. Vì rất có thể nhà tuyển dụng cũng làm những công việc tương tự như vậy trước khi phỏng vấn bạn.
Các nguồn thông tin về ngành nghề
Không chỉ cần thông tin về công ty, bạn cũng có một kiến thức nền tốt về lĩnh vực ngành nghê liên quan để có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Do đó, việc xem qua các ấn phẩm kinh doanh và các website để xem những thông tin về công việc tiềm năng của bạn và ngành nghề liên quan sẽ giúp bạn có thông tin nhiều hơn.
Nếu chuyên ngành của bạn đã phù hợp với công việc mà bạn ứng tuyển, bạn có thể hỏi thêm bạn bè để có thể hiểu rõ hơn về lĩnh vực mà công ty bạn ứng tuyển đang tham gia, hay những kiến thức nhóm ngành cần thiết,… nếu họ biết về công ty đó.
Tự chuẩn bị những thứ cần thiết
Thông thường, các ứng viên thường quên dành đủ thời gian để tự chuẩn bị những thứ cần thiết. Điều này cũng giống như khi bạn bước vào một buổi kiểm tra, có sự chuẩn bị đầy đủ sẽ giúp cảm thấy tự tin hơn, giúp bạn tin tưởng mình sẽ vượt qua hết tất cả các câu hỏi và cảm thấy tâm trạng thật tốt. Khi đó, bạn sẽ tỏa sáng.
Sau đây là một số mẹo nhỏ để bạn tham khảo:
- Có một cuộc phỏng vấn giả với một người bạn dựa trên những câu hỏi phỏng vấn phổ biến thường gặp.
- Hãy chắc chắn bạn nắm rõ thời gian, địa điểm của cuộc phỏng vấn và tên của những người phỏng vấn bạn.
- Quyết định cách bạn sẽ được nhận việc ở đó như thế nào.
- Cần chuẩn bị đến trong thời gian hợp lý, dự đoán trước bất cứ sự chậm trễ nào.
- Nếu bạn ăn mặc tươm tất, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Để mọi thứ thuận lợi, tránh hoảng loạn vào phút cuối, tốt nhất bạn nên chuẩn bị trước trang phục vào đêm trước đó.
- Không nên mang quá nhiều thứ khi đi phỏng vấn – về tâm lý lẫn thể chất. Hãy chuẩn bị ở mức tối thiểu những thứ cần mang theo để bạn có thể tập trung vào cuộc phỏng vấn và không bị xao nhãng bởi thứ gì khác.
- Nếu bạn được yêu cầu mang theo các văn bằng, chứng chỉ, các giấy tờ khác có liên quan,… thì hãy chuẩn bị sẵn sàng để không phải tốn thời gian tìm kiếm cả buổi sáng trước ngày phỏng vấn trọng đại.
- Điều này nghe có vẻ hơi khiếm nhã, nhưng bạn nên đi vệ sinh trước khi bước vào buổi phỏng vấn để tránh bị phân tâm khi đang phỏng vấn với nhà tuyển dụng.
Chuẩn bị một cách có phương pháp
Đọc CV và ghi chú lại, tương tự như khi bạn đang chuẩn bị cho bài kiểm tra. Nghiên cứu những ghi nhận về công việc của bạn, tại sao bạn phù hợp với công việc này và bạn đã đạt được điều gì. Bạn nhìn thấy bản thân mình như thế nào? Bạn đã làm được gì trước đó? Những thành tựu nào bạn đã đạt được?
Hãy ghi chú lại và hình dung việc nói về bản thân như thế nào. Sẽ tốt hơn nếu bạn có thể nói lớn thành tiếng. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy giống như đang ở cuộc phỏng vấn thật.
Cố gắng liên hệ những phần cụ thể của CV với những mô tả về công việc. Điều này giúp làm rõ hơn cho nhà tuyển dụng vì sao họ nên chọn bạn ở vị trí này.
Bạn nên nhớ, một trong những câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất chính là “Hãy nói về bản thân bạn?”. Do đó hãy chuẩn bị trước một câu trả lời ngắn gọn và xúc tích cho câu hỏi này, chứ không phải kể một câu chuyện dài về cuộc đời bạn. Hãy trả lời một cách nhanh chóng và đừng để bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Tránh những vấn đề nhạy cảm như chính trị và tôn giáo.
Những nhà tuyển dụng thường sử dụng câu hỏi này để tìm hiểu về những phẩm chất cá nhân của bạn, không phải thành tựu của bạn – vì những điều đó đã được trình bày rõ trong CV của bạn rồi.
Nguồn: viec lam nhat ban -kiem viec lam
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuan-bi-cho-mot-cuoc-phong-van-xin-viec-thanh-cong-a80591.html