(ĐSPL) - Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chúc mừng tới các thầy và trò nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thông qua chương trình truyền hình 16 tiếng mang tên "Ngày Thầy trò".
Vào lúc 7h sáng nay, chương trình truyền hình “Nhày thầy trò” đã lên sóng trên các kênh truyền hình lớn trên Toàn Quốc. Chương trình kéo dài 16 tiếng liên tục từ 7h sáng đến 23h đêm.
Ngay từ những giây phút đầu tiên của chương trình, một không khí tưng bừng của Ngày nhà giáo Việt Nam đã được truyền hình trực tiếp ở nhiều điểm cầu khác nhau trên Toàn Quốc. Đặc biệt, một món quà tinh thần vô cùng to lớn và ý nghĩa đã được gửi tới các thầy cô giáo và các em học sinh trong chương trình đó là sự kiện Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chúc mừng tới các thầy và trò thông qua chương trình truyền hình 16 tiếng mang tên "Ngày Thầy trò".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất hiện trong chương trình truyền hình kéo dài 16 tiếng và gửi lời chúc tới những người đang hoạt động trong ngành sư phạm. |
Với những giờ phát sóng đầu tiên, Chủ tịch nước đặc biệt gửi lời chúc đến các thầy cô ở trường tiểu học Lũng Cú (Hà Giang), nơi địa đầu Tổ Quốc, nơi mà Chủ tịch nước đã có dịp tới thăm. Chủ tịch nước đã gửi lời thăm hỏi ân cần đến trường hợp khó khăn của cô giáo Vừ Thị Thu, động viên cô cũng như các thầy cô ở Lũng Cú vượt qua khó khăn vì sự nghiệp “trồng người”
[mecloud]z1Lzb2hTPy[/mecloud]
Chủ tịch nước cũng đã gửi lời chúc đến các thầy cô giáo trường Phương Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh), nơi bị ngập nặng nhất của Hà Tĩnh, Chủ tịch nước đã bày tỏ sự thấu hiểu trước sự nỗ lực hết lòng của các thầy cô để vượt qua khó khăn, đưa học trò trở lại với trường học.
Cùng với những câu chuyện thầy trò, những ký ức về mái trường, về thầy cô của những người lớn tuổi khi bước chân về mái trường, chương trình liên tục đưa người xem đi qua những cảm xúc về tình cảm thầy trò, về mái trường, về những sự xúc động của những người thầy, người cô khi nhận những món quà đầy ý nghĩa của học trò.
Chương trình cũng đã lôi cuốn người xem bởi những phóng sự sâu lắng, nghẹn ngào với những lát cắt về cô giáo có chồng làm lính ở đảo xa như chuyện của cô giáo Đỗ Thị Thơm, trường mầm non Chương Mỹ, Hà Nội, chồng công tác ở xa mỗi năm về 1-2 lần, con thứ 1 tuổi còn chưa biết… mặt cha, hay cô giáo Hoài Thương (Khánh Hoà) khoả lấp nỗi buồn chồng đi xa biền biệt nơi đảo xa bằng tình yêu dành cho các con, phần lớn các học trò đều là con của lính đảo nên cô dành hết tình cảm của mình cho học trò thân yêu…
Bên cạnh đó, chương trình còn có rất nhiều những chia sẻ của nhiều tầng lớp xã hội về cái được và chưa được của ngành giáo dục, những tâm sự của các học sinh để gửi tới thầy cô giáo. Theo dõi chương trình, khán giả sẽ luôn có một cảm xúc xúc động khi hoà chung vào ngày nhà giáo Việt Nam. Những tấm gương tuyệt vời từ những người thầy, người cô tận tuỵ đã sưởi ấm lên niềm tin trong cuộc sống.
Song song với đó, chương trình cũng đã đưa rất nhiều những ý kiến của chính những người làm công tác giảng dạy về vấn đề giáo dục, góp ý với các phụ huynh về cách nên giảm tải áp lực học tập cho con ra sao…. Ngay từ những tiếng đầu tiên liên tục, chương trình đã hình thành nên một bức tranh đa màu sắc về ngành giáo dục Việt Nam và đời sống của các thầy cô, của các em học sinh trên mọi miền đất nước. “Ngày thầy trò” thực sự đang dần hoàn thành sứ mệnh của mình là góp phần đưa ngày 20/11 trở thành ngày hội “tôn sư trọng đạo” của người Việt.
Hạ Vi