Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật thi đua khen thưởng. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay dự thảo sẽ quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, các phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, hạn chế tính hình thức trong thi đua.
Theo Dân trí, khi đưa ra ý kiến về dự án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra thực tế hiện có nơi, có lúc chỉ tập trung vào khen thưởng nhưng lại chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân, giai tầng xã hội.
"Phải làm sao thi đua thực tế hơn, tránh hình thức. Thi đua cần thấm sâu vào cơ quan, đơn vị, tạo nên phong trào quần chúng", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
"Có thể bây giờ nói kinh tế thị trường không cần khen thưởng nữa nhưng đó là nhận thức sai. Phải khắc phục hạn chế về hình thức, chưa đi vào thực chất. Khen thưởng tôi nói thật có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có không? Tôi nói là có, có một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì ký khen thưởng quá nhiều", Chủ tịch nước chia sẻ tại phiên thảo luận.
Do đó, Chủ tịch nước cho rằng khen thưởng phải phù hợp chứ không phải chỉ chú trọng khen thưởng mà không chú trọng thi đua. Đặc biệt, cần phát động theo chuyên đề, gắn với đề cao trách nhiệm thì nhất định tình hình sẽ tốt hơn.
Chủ tịch nước cho biết, có nhiều lần ông đề nghị có hình thức tôn vinh cá nhân, tổ chức có thành tích trong dịch COVID-19, ở cả tuyến đầu và tuyến sau. Bởi theo Chủ tịch nước, có những người ủng hộ từng quả trứng hay bán cả mảnh đất để hỗ trợ chống dịch.
"Đó là những hình ảnh tuyệt vời, chúng ta nên tôn vinh như tấm gương thể hiện tinh thần nhân văn, thương yêu, đoàn kết", Chủ tịch nước cho hay.
Vì khen thưởng được nhiều quyền lợi sau đó nên Chủ tịch nước cho rằng cần gắn liền với chế tài về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá thực hiện khen thưởng. Cụ thể, khi có người bị thu hồi khen thưởng thì những người chịu trách nhiệm thẩm tra, thẩm định cá nhân này cũng phải có trách nhiệm.
Tờ Tuổi trẻ cho biết thêm, một trong những nội dung của dự thảo được thảo luận nhiều là việc bổ sung một số danh hiệu và đối tượng. Bao gồm, khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người nước ngoài có đóng góp cho đất nước, khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng không nên quy định khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" bởi đã có những hình thức khen thưởng chung đối với những người tham gia kháng chiến, bao gồm cả lực lượng thanh niên xung phong.
Bà Nguyễn Thúy Anh, chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cho hay, khen thưởng cho thanh niên xung phong đã được quy định trong hệ thống khen thưởng trước năm 2003. Do đó, cần cân nhắc khi bổ sung hình thức khen thưởng riêng, vì không đảm bảo nguyên tắc khen thưởng nhiều hình thức cho một thành tích, tính công bằng và tính khả thi…
Tuy vậy, ông Vũ Trọng Kim, chủ tịch hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, lại cho rằng việc bổ sung hình thức khen thưởng này là phù hợp với lực lượng lên tới 40 vạn người, vốn chịu gian khổ nhất và "có 1 không 2" trên thế giới, nên cần có hình thức để động viên.
Ông cũng không đồng tình với quan điểm việc khen thưởng tạo ra sự trùng lắp, bởi đa số không đủ tiêu chuẩn khen thưởng, trong khi đã phải dấn thân cả tuổi trẻ.
Trong khi đó, Trưởng ban Tổ chức trung ương Trương Thị Mai cũng cho rằng cần nhìn nhận lực lượng thanh niên xung phong đúng mức, bởi đây là lực lượng tham gia kháng chiến, sự đóng góp và hy sinh là có thật, họ là lực lượng đặc biệt.
Do đó, bà cho rằng việc "trùng về khen thưởng là không đúng", bởi thanh niên xung phong trong Luật thi đua khen thưởng không có một danh vị, nên cần có khen thưởng cho lực lượng này.
Hoa Vũ (T/h)