+Aa-
    Zalo

    Chống tham nhũng không có vùng cấm cho bất cứ ai!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đã đến lúc cần phải xem xét toàn bộ những thiết chế về cán bộ, công chức, nhất là trong kiểm soát, kiểm tra chính trị nội bộ để thấy được những lỗ hổng để khắc phục.

    (ĐSPL) - Đã đến lúc cần phải xem xét toàn bộ những thiết chế về cán bộ, công chức, nhất là trong kiểm soát, kiểm tra chính trị nội bộ để thấy được những lỗ hổng để khắc phục.

    Sau khi ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) công bố sai phạm và thu hồi một số khối tài sản của cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật bên hành lang Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm đồng tình và đánh giá cao trách nhiệm của cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết sự vụ này.

    ĐBQH Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng cho rằng: “UBKTTƯ đã có kết luận rõ ràng thì chắc chắn sau đó các cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng chống tham nhũng sẽ phải vào cuộc”.

    Ngoài ra, PV còn ghi nhận nhiều ý kiến khác xung quanh sự kiện được dư luận đánh giá là rất trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với những sai phạm của cán bộ cao cấp, dù đã nghỉ hưu.

    (bgiay)Thu hồi tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần V

    Ông Trần Văn Truyền và một trong những căn biệt thự gây xôn xao.

    ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Với tư cách là một ĐBQH, tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của UBKTTƯ trong vụ việc này. Việc đưa ra được kết luận hợp lòng dân là một minh chứng rất rõ ràng cho quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Điều đó cũng thể hiện không có vùng cấm cho bất cứ ai”.

    Tuy nhiên theo ông Cương, qua sự việc này, điều đáng tiếc đó là người được giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước trong một thời gian dài, lại tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng mà lại có những sai phạm... “Giải quyết vụ việc này triệt để chúng ta sẽ lấy lại được lòng tin của người dân đối với Đảng, với pháp luật. Tôi nghĩ đây là việc tạo ra tiền lệ tốt để xử lý và cảnh tỉnh cho những người nào đã sai phạm trong thời kỳ đương chức, đến lúc về hưu hãy dè chừng”, ông Cương nói.

    Trong khi đó, nhìn một cách hệ thống hơn, ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Quốc hội: “Tôi chỉ lý giải rằng, ở đây có lỗi của cơ chế, công tác cán bộ, công tác bổ nhiệm. Mà thực tế Quốc hội cũng có trách nhiệm trong đó, vì Quốc hội phê chuẩn ông Trần Văn Truyền là thành viên Chính phủ. Với cơ chế cán bộ như hiện nay, khi trình lên Quốc hội, đôi khi Quốc hội không đủ thông tin để xem xét một con người”.

    Vì thế theo ông Quyền, đã đến lúc cần phải xem xét toàn bộ những thiết chế về cán bộ, công chức nhất là trong kiểm soát, kiểm tra chính trị nội bộ để thấy được những lỗ hổng mà khắc phục. “Muốn thực hiện công việc chống tham nhũng hiệu quả, phải thể hiện quyết tâm không chỉ bộ máy Nhà nước mà phải là cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, làm thế nào thì phải tuân thủ theo quy định của Đảng, Nhà nước chứ không nên vội vàng làm một cách tùy tiện, còn văn bản nào hổng thì chúng ta rà soát, sửa đổi ngay cho nó hoàn thiện để chúng ta thực hiện”, Đại biểu Quyền khẳng định.

    “Tôi từng phát biểu trên Quốc hội, căn bệnh tham nhũng biệt thự và nhà công vụ là vấn đề hết sức lớn hiện nay. Khi cán bộ công chức nào đó nhận phong bì vài trăm nghìn đồng thì bị lên án mạnh mẽ, còn cán bộ cấp cao tham nhũng một lô đất, căn biệt thự công vụ hàng chục tỉ đồng thì từ trước đến nay chưa xử ai. Lần này, nếu không xử nghiêm thì chúng ta không bao giờ xóa được hoài nghi của nhân dân là “phòng chống tham nhũng chỉ tắm từ vai trở xuống””, đại biểu Lê Như Tiến nói.

    Bất động sản chỉ là phần nổi trong tổng tài sản của “quan tham”

    Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, chuyện tài sản của một cán bộ cao cấp nghỉ hưu mới vào cuộc kiểm tra là muộn và đó chỉ giải quyết phần đuôi, phần sau. Đáng lẽ, với những vị trí cán bộ cao cấp thì tài sản phải được kiểm soát trong thời kỳ đương chức. Thông thường người tham nhũng luôn cố tình che đậy tài sản phi pháp của mình. Để kiểm soát tài sản không phải bất động sản như tiền, vàng, cổ phần, cổ phiếu, tài khoản trong ngân hàng đòi hỏi công tác phòng chống tham nhũng phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Việc thu tài sản của ông Truyền là biện pháp quyết liệt, nếu chúng ta quyết liệt từ trước, thì sẽ không cần tiến hành thu như thế.

    Cử tri đồng tình

    Ngay sau khi UBKTTƯ công bố thông báo và kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nhiều cử tri tại TP.HCM tỏ ý đồng tình. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Xem (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) bày tỏ: “Tôi rất vui mừng khi Chính phủ có quyết định kiên quyết trong việc xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các cán bộ cấp cao đã về hưu. Hành động quyết liệt này sẽ tạo niềm tin rất lớn cho người dân tin vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước với vấn nạn tham nhũng. Với tư cách là một cử tri, tôi mong Chính phủ phải quyết tâm hơn, cương quyết hơn trong việc xử lý các sai phạm của cán bộ Nhà nước”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chong-tham-nhung-khong-co-vung-cam-cho-bat-cu-ai-a70684.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan