(ĐSPL) - Cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài... là một trong những đề xuất từ nhóm nghiên cứu đề tài “thu hồi tài sản tham nhũng - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài “thu hồi tài sản tham nhũng - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” thuộc Ban Nội chính Trung ương, tại Hội thảo về đề tài nêu trên diễn ra sáng 13/3, bà Vũ Thu Hạnh (Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương) cho biết trong các nhóm giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra, có đề xuất quy định cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài.
Đây là quy định giúp phòng ngừa, phát hiện tội phạm về tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phòng ngừa khả năng người tham nhũng tạo dựng cở sở kinh tế để trốn ra nước ngoài sau khi đã thực hiện hành vi tham nhũng ở trong nước.
Thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra ngày càng lớn. Tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến.
Đề xuất cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài. (Ảnh minh họa) |
Theo nhóm nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ giá trị tài sản tham nhũng được thu hồi qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên phạm vi cả nước. Song, theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2013 tỷ lệ số tiền, tài sản tham nhũng được thu hồi chỉ đạt chưa đến 10\%.
Năm 2014 cũng chỉ đạt trên 22\%. Nếu so sánh con số trên với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trên thực tế thì tỷ lệ còn thấp hơn nhiều.
Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận đều thống nhất cho rằng thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng và tịch thu tài sản do tham nhũng mà có là hoạt động quan trọng và là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng.
Thu hồi tài sản tham nhũng giúp khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, đồng thời trả lại nguồn lực cho đất nước, hạn chế, triệt tiêu mục đích kinh tế của hành vi tham nhũng.
Ông Phạm Anh Tuấn (Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương) nhấn mạnh bên cạnh việc quan tâm đến mức độ nghiêm minh của hình phạt đối với các bị can, bị cáo và các biện pháp xử lý khác đối với người có hành vi tham nhũng, xã hội cũng đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tích cực áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng để trả về cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc sung công quỹ Nhà nước.
“Kết quả nghiên cứu sẽ được lãnh đạo Ban Nội chính nghiệm thu và trở thành ý kiến chính thức của Ban Nội chính Trung ương gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền”, Ông Tuấn nói.
Nhận hối lộ bằng tình dục thì thu hồi tài sản như thế nào?
"Một ông quan chức nhận "giây phút sung sướng" nào đó để bố trí cho cô ấy vào vị trí nào đó hoặc ngược lại một bà thứ trưởng nào đó cũng như vậy thì vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng trong trường hợp này như thế nào"?, GS.TS Hạnh nêu ra vấn đề.
Ông Hạnh cho biết, ông nêu ra vấn đề này nhằm gửi đến thông điệp thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ là thu hồi tài sản bằng vật chất mà phải hủy cả những lợi ích khác do tham nhũng mà có. Bởi thực tế đến một thời điểm nào đó người ta không cần đến tài sản mà ta cần ăn chơi trác táng, cần những nhu cầu khác. Vì vậy phải mở rộng thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ dừng ở thu hồi tài sản vật chất mà cần hủy tất cả những lợi ích khác liên quan đến hành vi tham nhũng.
Thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ là thu hồi tài sản bằng vật chất mà phải hủy cả những lợi ích khác do tham nhũng mà có- GS.TS Lê Hồng Hạnh phát biểu. |
Trước đó, tại hội thảo hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật hình sự 1999 ngày 29/10, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Ban Nội chính trung ương khẳng định ở Việt Nam chắc chắn có hối lộ tình dục. Ông Khánh cho rằng đây là một khía cạnh rất mới mà các chuyên gia quốc tế nêu là cả khía cạnh tình dục cũng được xem như một loại lợi ích phi vật chất được đưa ra để hối lộ cho quan chức trong giai đoạn hiện nay. Những điều này cần phải được luật pháp hóa.
Bởi theo ông Khánh, thường chúng ta có cấu thành vật chất đối với nhóm tội tham nhũng nên bắt buộc hành vi và hậu quả thiệt hại của nó là vật chất, đưa nhận hối lộ là vật chất. Nhưng trên thực tế, có nhiều lợi ích khác không thua kém lợi ích vật chất, đó là lợi ích tinh thần. Ví dụ như chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu và có cả lợi ích khác liên quan đến yếu tố rất nhạy cảm cũng được coi là lợi ích của người đưa hối lộ đưa cho người có chức vụ quyền hạn làm những việc không đúng với chức vụ đó để sinh lợi cho người đưa hối lộ.