(ĐSPL) - Một vài chủ cửa hàng chỉ nghe hỏi có IC xe Lead không, thì đã hỏi lại ngay, lại bị mất cắp à? có đánh dấu hay ghi ký hiệu riêng trên IC không? Nếu có, cung cấp cho họ, có thể tìm ra đúng chiếc IC đã bị lấy cắp.
[mecloud]MmGYIuHUiV[/mecloud]
Mất IC chỉ trong "một nốt nhạc"
Trong khi, hầu hết các xe máy thế hệ mới hiện nay đều sử dụng IC để điều khiển hệ thống điện, nhiên liệu cho động cơ. Thiếu IC, xe không thể hoạt động được.
Kẻ gian chỉ tập trung vào một số mẫu xe ga đắt tiền và có vị trí lắp đặt IC thuận tiện cho việc dễ dàng lấy cắp. Một trong số mẫu xe được kẻ gian "quan tâm" nhiều nhất là Honda Lead.
Đây là xe tay ga được phụ nữ ưa chuộng bởi có khoang chứa đồ rộng. Thời gian qua, nhiều chủ nhân của mẫu xe ga tiện dụng này chia sẻ trên các diễn đàn, mạng xã hội về tình trạng bị trộm “vặt” mất IC.
Theo các kỹ thuật viên xe máy, với một số mẫu xe khác như Honda Click, Air Blade,... thì IC đặt dưới yên xe phía bên phải, hay với với mẫu Honda Vision thì dù đặt bên trong mặt nạ, phía đầu xe nhưng có ốc vít và đai sắt bảo vệ nên rất khó để lấy cắp.
Ngược lại, với Honda Lead thì lại rất dễ dàng.
Đây là chia sẻ đang được cư dân mạng lan truyền trên các trang mạng xã hội. Theo chủ nhân của những chia sẻ này - chị M.T cho biết, mới đây chị đã bị kẻ gian lấy cắp phụ tùng của chiếc xe Lead chỉ trong chốc lát.
Chị T viết: "Hôm nay mình để xe dưới sân, chạy lên nhà xuống thấy đầu xe bị tháo, xe không đề được. Mang ra hàng sửa xe anh ấy bảo: "Hiện nay dòng xe này những tên trộm sẽ không lấy xe mà lấy ECM để bán. Đặc điểm dễ tiêu thụ và dễ lấy cắp.
Phương án phòng chống: Hãy mang xe ra hiệu xe yêu cầu thợ buộc dây cáp chắc chắn vào ECM. Do dòng xe này xe này không có chỗ đạp nổ nên ECM rất đắt, từ 2,5 triệu đồng trở lên. Hãy cẩn thận nhé".
Những tên trộm sẽ không lấy trộm xe mà lấy ECM để bán.
Vị trí lắp đặt IC thuận tiện dễ dàng bị kẻ gian lấy cắp. |
Được biết, ECM (hay IC) của xe Lead chính hãng được sản xuất bởi Honda Nhật. Đây là bộ IC chất lượng cao, sử dụng để điều khiển toàn bộ hệ thống điện, nhiên liệu động cơ hiện đại trên xe Lead.
Cũng theo tin tức từ báo An ninh Thủ đô, thời gian qua rất nhiều người đi xe máy tay ga, nhất là xe Honda SCR, Lead… đã bị kẻ gian cậy mặt nạ để lấy trộm IC. Bọn trộm cắp chỉ bán chiếc IC đó chưa đầy 1 triệu đồng, nhưng chủ xe bị trộm IC đã phải mất từ 2,5 đến 3 triệu đồng để mua lại IC.
Chị Hồng Trang, dựng chiếc xe máy Honda Lead của mình khóa càng rất cẩn thận rồi mới vào nhà một người bạn ở phường Quảng An, quận Tây Hồ. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, chị Trang quay ra mở khóa xe, nhưng khi đề thì chiếc xe không nổ máy.
Chị Trang đành dắt xe ra tiệm sửa chữa gần đó. Loay hoay một lúc, người sửa xe phát hiện chiếc xe Lead đã bị kẻ gian cậy mặt nạ để lấy trộm IC. Chị Trang đã phải bỏ gần 3 triệu đồng để mua cục IC mới lắp vào thì xe của chị mới hoạt động trở lại.
Trước đó, em Hoàng Anh gửi chiếc xe SCR vào bãi gửi xe rồi vào siêu thị mua hàng. Mua hàng xong, Hoàng Anh quay ra bãi lấy xe, thì chiếc xe của em cũng không sao nổ máy được. Người sửa xe cho biết, xe của em đã bị cậy mất IC.
Với xe Lead model cũ, IC được gắn bên trong mặt nạ phía bên phải phần đầu xe.
Mặt nạ chỉ được giữ bằng 2 ốc vít nhỏ nên dùng tay dễ dàng cậy bật tung ra và IC chỉ được cài vào lẫy, nên rút ra rất dễ dàng.
Model xe Lead mới vị trí lắp đặt IC đã thay đổi, tuy nhiên vẫn ở phía trước xe, sau mặt nạ, và thay vì dùng lẫy, đã được giữ bằng ốc vít.
Tuy nhiên, chỉ là ốc vít bắt vào nhựa nên vẫn có thể lấy được, cho dù có khó khăn và mất thời gian hơn.
Ra chợ Trời là tìm thấy IC đã bị lấy cắp
Theo thông tin trên báo Vietnamnet, tại khu vực chợ Trời và phố Huế (Hà Nội), đến các cửa hàng bán phụ tùng xe máy cũ nào hỏi mua IC xe Lead cũng nhận được cái gật đầu, có hàng.
Hầu hết các cửa hàng đều nói IC cũ, hàng lấy cắp từ xe Lead, mà không cần phải cảnh giác hay lo sợ bị các cơ quan chức năng phát hiện.
Một vài chủ cửa hàng chỉ nghe hỏi có IC xe Lead không, thì đã hỏi lại ngay, lại bị mất cắp à? có đánh dấu hay ghi ký hiệu riêng trên IC không? Nếu có, cung cấp cho họ, có thể tìm ra đúng chiếc IC đã bị lấy cắp.
Giá cả IC cũng rất loạn. Một số cửa hàng chỉ bán IC cũ, giá từ 1,5-2 triệu đồng, một số khác giới thiệu thêm loại chính hãng do Honda Việt Nam sản xuất, giá 3-3,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, loại đắt nhất được khẳng định nhập từ Nhật Bản, giá tới 4,5 triệu đồng. Ngoài ra , còn có IC mới, nhưng do Trung Quốc sản xuất, có giá rẻ nhất khoảng 900.000 đồng, nhưng chất lượng không đảm bảo.
Một số nhân viên bán hàng cho biết, IC "không bao giờ hỏng", nên cũ mới không quan trọng, cũ nhưng dùng rất tốt và giá rẻ hơn nên khuyên dùng chọn đồ cũ.
Nếu khách hàng không muốn mua đồ cũ, có thể đến các đại lý chính hãng của Honda, giá IC mới của xe Lead có giá bán 3 triệu đồng. Vì vậy, hầu hết chủ nhân của xe Lead bị mất cắp IC đều chọn giải pháp mua lại IC cũ.
Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng mua được IC cũ mà tùy thuộc vào tình trạng hàng. Nếu nhiều hàng giá sẽ giảm, khan hàng giá sẽ bị đẩy lên tới 2,5 triệu đồng.
Không chỉ bán IC ăn cắp mà các cửa hàng ở đây cũng sẵn sàng mua lại IC ăn cắp.
Một số cửa hàng bán phụ tùng xe máy tại phố Chùa Vua (chợ Trời) và ngay cả mặt đường phố Huế, khi được hỏi có mua IC xe Lead không đều gật đầu. Mức giá mua vào hiện nay với IC cũ lấy cắp là 900.000 đồng.
Có 2 nguồn chính cung cấp IC cũ cho các cửa hàng tại chợ Trời là đồ ăn cắp và đồ "luộc" xe.
Với xe "luộc", chủ yếu là do kẻ xấu mượn xe của người thân, bạn bè mang ra thay đồ tốt bằng đồ rởm.
Một chiếc IC xe Lead khi đã được thay đồ Trung Quốc, chủ hàng vẫn trả thêm cho người mang xe đến thay, chênh lệch khoảng 200.000 đồng.
Sở dĩ IC xe Laed bị trộm cắp nhiều một phần cũng là do giá bán IC mới chính hãng khá cao.
Mới đây, chính quyền một số địa phương ở Hà Nội đã cảnh báo cho người dân cảnh giác kẻ gian và đề nghị, nếu mất cắp IC nên báo công an truy tìm.
Tuy nhiên, với nạn mua, bán IC trộm cắp dễ dàng như hiện nay thì khó ngăn ngừa được hiện tượng này.
Các kỹ thuật viên khuyên người sử dụng xe Honda Lead nên có các biện pháp bảo vệ IC tránh bị mất cắp.
Cách bảo vệ là giấu IC vào vị trí khác chẳng hạn phía trong của cốp để đồ phía dưới ổ khoá, với một thiết bị bảo vệ IC bằng thép tự chế và bắt vít.
Với cách này, kẻ gian nếu có biết vị trí đặt IC sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức mới tháo được.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
[mecloud]XovV4ozBVi[/mecloud]