Những ngày cuối năm, trong không khí se lạnh của đất trời, khi hương xuân đang len lỏi khắp phố phường, khiến những người con xa quê chộn rộn hơn, háo hức hơn, mong sớm được về quê sum vầy, được cùng người thân đi chợ sắm sanh cho ngày Tết.
Chợ Neo (xã Bắc Lương, Thọ Xuân, Thanh Hóa) là một trong những ngôi chợ đầu mối của huyện Thọ Xuân. Ảnh: Văn Chiến. |
Trong ký ức của những người trưởng thành khi nhắc đến Tết đó chính là cảm giác bồi hồi, háo hức của một thời trẻ dại được theo mẹ, theo cha đi chợ sắm Tết, được xúng xính ướm thử quần áo mới ở chợ, được ăn bánh kẹo thỏa thích và thưởng thức nhiều món ngon mà chỉ Tết mới có.
Không khí chuẩn bị đón Tết lúc nào cũng gây thương nhớ hơn bao giờ hết. Từ ngày 23 tháng Chạp đổ đi, các phiên chợ quê nhộn nhịp và đông vui hơn hẳn. Mẹ tôi kể, cả năm đi chợ nhưng thích nhất đi chợ những ngày cận Tết. Từ 3h sáng các chị hàng seo, hàng xén đã ý ới gọi nhau bày hàng, tiếng nói chuyện râm ran làm ấm hơn không khí lạnh của những ngày cuối năm. Những người bán hàng bao giờ cũng đến từ sớm, rảo chân trước sau xem hôm nay món hàng mình bán có nhiều hay ít để lựa thời chào giá. Có những năm khí hậu khắc nghiệt, rau quả khó trồng, nhiều người tranh nhau mua mớ rau thơm, húng quế để còn kịp về mổ heo làm lòng. Mua bán những lúc như vậy là thích nhất, không phải chào hàng, cũng chẳng cần mặc cả. Cứ có mớ nào là hết mớ đó. Tuy nhiên cũng có những phiên, khi người đứng góc này bán đắt như tôm tươi, kẻ góc khác lại ế đến “sưng mặt”.
Còn tôi thích đi chợ quê giáp Tết không phải để mua sắm mà để được ngắm, được sống lại với những ký ức tuổi thơ một thời nghèo khó theo chân mẹ ngồi lê la góc chợ bán hàng. Được ngắm nhìn những bộ quần áo mới còn thơm mùi vải, được hít hà hương chợ Tết, có mùi trầm nhang phảng phất đâu đây, mùi của hành sả, lá dong, lá riềng, mùi của ngũ quả được bày bán khắp chợ, mùi của những mớ lạt buộc bánh chưng, bánh lá, mùi của mớ mùi già trong phiên chợ 30... Tất cả những thứ quà quê thơm thảo ấy đã tạo thành một nét văn hóa đặc trưng, một mảng màu ký ức của những đứa trẻ quê lớn lên trong sự nghèo khó, mong ngóng một cái Tết đủ đầy.
Thy Thêu
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 11 số