Tháng 12/2015, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (trường Đại học Bách khoa HN) thực hiện phân tích mẫu chất thải Formosa theo “đặt hàng” của Chi cục BV Môi trường Hà Tĩnh mà không biết lý do (!?)
Sau khi báo Người Đưa Tin đăng tải loạt phóng sự điều tra vạch trần việc chôn chất thải Formosa tại trang trại Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nhiều nghi vấn tiếp tục được đặt ra. Dư luận đặt câu hỏi, ai là người tiếp tay, cấp phép cho Formosa chôn chất thải?
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, cuối năm 2015, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh đã lấy 04 mẫu chất thải rắn từ nhà máy Formosa bao gồm: 02 mẫu bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp (01 mẫu bùn ép tại phễu chứa bùn ép số 01 và 01 mẫu bùn ép tại phễu chứa bùn số 02); 02 mẫu bùn than lò cốc và tro than cốc tại xưởng luyện cốc (01 mẫu bùn than lò cốc tại xưởng luyện cố, 01 mẫu tro than cốc tại xưởng luyện cốc) đưa đến Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) để kiểm nghiệm.
Sau đó, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh đã dựa vào kết quả kiểm nghiệm này để kết luận chất thải Formosa là chất thải rắn công nghiệp thông thường để công ty Formosa được xử lý chất thải. Việc làm này chẳng khác gì ban hành một “giấy phép” con vượt thẩm quyền cho Formosa tự quyết định việc xử lý chất thải (!?)
Formosa chôn chất thải ở trang trại Giám đốc của Công ty môi trường. |
Để tìm hiểu về mục đích và kết quả kiểm nghiệm chất thải Formosa, PV báo Người Đưa Tin đã nhiều lần liên hệ làm việc với Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngày 20/7, chúng tôi đã nhận được thông tin phúc đáp của Viện trưởng – PGS.TS Nghiêm Trung Dũng.
Trước câu hỏi của PV mẫu chất thải này được kiểm nghiệm dựa trên “đơn đặt hàng” của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh và lý do đơn vị trên đưa ra kiểm nghiệm nhằm mục đích gì? PGS.TS Dũng cho biết: “Vào tháng 12/2015, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST) - trường ĐH Bách khoa hà Nội có nhận được yêu cầu phân tích 4 mẫu từ Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh với ký hiệu từ R15 đến R18. Sau khi gửi 4 mẫu chất thải, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh đã yêu cầu chúng tôi phân tích 14 chỉ tiêu của hai mẫu bùn ép (chủ yếu theo QCVN 50: 2013/BTNMT) và hai mẫu chất rắn (chủ yếu theo QCVN 07: 2009/BTNMT) mà họ mang tới”.
PV tiếp tục đưa ra câu hỏi, kết quả kiểm nghiệm này chỉ mang tính chất tham khảo hay được các cơ quan Nhà nước đưa ra làm căn cứ để có những quyết định, kết luận quan trọng? PGS.TS Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ thực hiện phân tích mẫu theo các chỉ tiêu mà khách hàng yêu cầu chứ không thực hiện việc lấy mẫu. Vì vậy, trong phiếu kết quả phân tích của Viện cũng đã nêu rõ: Kết quả này chỉ có giá trị đối với mẫu do khách hàng mang đến, các thông tin về mẫu (tên mẫu, vị trí lấy mẫu, đặc điểm mẫu) do khách hàng cung cấp và khách hàng tự chịu trách nhiệm”.
Công văn của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh gửi Formosa. |
Khi PV hỏi, phía Viện có biết được Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm của Viện để ban hành văn bản gần như “cấp phép” cho Formosa chôn chất thải không? PGS.TS Dũng khẳng định: “Từ góc độ chuyên môn, không thể dựa vào kết quả phân tích này để khẳng định chất thải rắn từ Formosa chôn lấp dưới đất vừa bị phát hiện (như báo chí đã đưa tin) là chất thải nguy hại hay không. Vì, kết quả phân tích nói trên chỉ có giá trị đối với mẫu do khách hàng mang đến.
Mặt khác, các mẫu mới chỉ xác định cho 14 thông số, còn rất nhiều thông số khác được đề cập trong QCVN 50:2013/BTNMT và QCVN 07:2009/BTNMT chưa được phân tích”.
Đánh giá về quy trình kiểm nghiệm và cấp phép cho Formosa xử lý chất thải, PGS.TS Dũng cho rằng: “Việc đánh giá đặc tính của chất thải cần phải được làm rất bài bản như số lượng mẫu phải đủ lớn; số lượng và phân bố vị trí lấy mẫu phải đủ đại diện về mặt không gian; mẫu phải được lấy tại nhiều thời điểm khác nhau để có thể đại diện về mặt thời gian; quy trình lấy mẫu, bảo quản mẫu, xử lý mẫu và phân tích mẫu phải đúng.
Đồng thời cũng cần phải căn cứ vào quá trình hoạt động của nhà máy cũng như nhiều yếu tố khác mới đảm bảo tính chính xác và đại diện được. Với những nhà máy chỉ mới đang ở giai đoạn vận hành thử như Formosa thì cần phải căn cứ trên báo cáo đánh giá tác động môi trường của công ty và các kết quả đánh giá vận hành thực tế như đã nêu ở trên”.
Như vậy, có thể thấy, kết quả kiểm nghiệm của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường chỉ mang tính chất tham khảo, chưa đủ cơ sở pháp lý để Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa tự ý xử lý chất thải (!?). Đồng thời, Chi cục Bảo vệ Môi trường cũng sẽ phải chịu trách nhiệm lớn trong việc Formosa chôn chất thải.
THẾ ANH
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]T04IbNIWhj[/mecloud]