(ĐSPL) - Tăng mức phạt vi phạm giao thông, viện phí; sửa đổi quy định về xuất khẩu lao động, xuất cảnh, tự in hóa đơn… là những quy định mới có hiệu lực từ tháng 8/2016.
Tăng mức phạt nhiều vi phạm giao thông
Từ hôm nay (1/8), Nghị định 46 chính thức có hiệu lực, hơn 100 hành vi vi phạm giao thông bị tăng mức xử phạt.
Nghị định 46 điều chỉnh mức phạt tiền đối với 152 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ gồm nhóm vi phạm về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, quy tắc giao thông, chở hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, nhóm hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cũng theo Nghị định mới, với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt được tăng cao. Theo đó, người điều khiển môtô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 500.000 -1 triệu đồng và bổ sung việc tước GPLX từ 1-2 tháng, thay vì mức 200.000-400.000 đồng trước đây.
Nghị định 46 cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ôtô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7-8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng.
Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18-20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy (theo Nghị định số 171 thì hành vi vi phạm này chỉ bị phạt từ 8 - 10 triệu đồng).
Nghị định cũng tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ. Đối với lái xe, mức phạt cao nhất khi chở quá tải trên 150\% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3 - 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định…
Ôtô chạy quá tốc độ dưới 10km/h phạt 800.000 đồng
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô thực hiện hành vi vi phạm: Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (quy định hiện hành chỉ phạt đến 800.000 đồng), tịch thu giấy phép lái xe từ một đến ba tháng (quy định hiện hành: một tháng).
Tăng mức phạt tiền lên 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (quy định cũ từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng).
Tăng mức phạt tối thiểu từ 4 triệu lên 5 triệu đồng (phạt từ 5 triệu đến 6 triệu đồng) đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Viện phí, dịch vụ y tế tăng mạnh
Bắt đầu từ 1/8, viện phí tiếp tục tăng theo lộ trình và bao gồm cả chi phí lương của bác sỹ. Lần tăng viện phí này sẽ áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố có số người dân tham gia bảo hiểm y tế cao từ 90 - 95\%. Với mức thu mới, giá của 1.900 dịch vụ y tế cũng sẽ tăng mạnh, đặc biệt là các dịch vụ có cơ cấu lớn chi cho nhân lực y tế.
Còn từ nay đến cuối năm, sẽ có 4 đợt điều chỉnh viện phí (tương ứng vào cuối tháng 8, tháng 10, tháng 11 và tháng 12), áp dụng lần lượt ở các tỉnh, thành phố có mức tham gia bảo hiểm y tế tương đối cao. Đến đầu tháng 1/2017, sẽ áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế với các tỉnh còn lại.
Trước đó từ ngày 1/3, tất cả 1.400 bệnh viện trên toàn quốc đều thu viện phí theo mức mới gồm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí trực tiếp cho người bệnh, riêng các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn (hầu hết bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh) đã thu viện phí bao gồm cả lương bác sỹ.
Điều chỉnh tăng 8\% mức lương hưu
Theo Nghị định 55/2016 của Chính phủ về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng, từ 1/8, một số đối tượng có thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến trước 1/5/2016 sẽ được điều chỉnh tăng 8\% mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng.
Cụ thể các đối tượng sau:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
- Cán bộ cấp xã đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
Thời điểm điều chỉnh tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp. Riêng các đối tượng đã được điều chỉnh tăng 8\% theo Nghị định 09/2015 thì giữ nguyên mức hưởng.
Siết chặt tuyển dụng
Theo Nghị định 51/2016 của Chính phủ về việc quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100\% vốn điều lệ, từ 1/8, công ty TNHH Một thành viên Nhà nước phải đảm bảo tổng số lao động theo kế hoạch trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường không được vượt quá 5\% so với số lao động thực tế đã sử dụng bình quân của năm trước liền kề.
Trường hợp tuyển dụng vượt quá kế hoạch hoặc không đúng kế hoạch dẫn đến người lao động không có việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động thì tổng giám đốc, giám đốc hoặc chủ tịch công ty, hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm và không được thưởng, không được tăng lương, kéo dài thời gian nâng lương, giảm mức tiền lương.
Đây cũng là nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý.
Hỗ trợ xuất khẩu lao động theo hợp đồng
Thông tư liên tịch 09/2016 của liên Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội và Bộ Tài chính đã quy định, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định 61/2015 sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại, tiền ăn, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ giải quyết trong trường hợp người lao động gặp phải các rủi ro khi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ nhưng tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được cấp phép theo quy định.
Khai sai thuế nhưng tự phát hiện vẫn bị xử phạt
Đây là nội dung mới được nêu tại Nghị định số 45 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/8/2016.
Theo đó, người nộp thuế không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhưng đã tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ khai thuế trước thời điểm thông quan hàng hóa vẫn sẽ bị phạt 10\% số tiền thuế khai thiếu.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với người xuất cảnh không khai hoặc khai sai số ngoại tệ, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi xuất cảnh tương đương từ 5 - 30 triệu đồng; trong khi trước đây, chỉ khi mang theo tiền, vàng vượt mức quy định từ 10 - 30 triệu đồng mới bị áp dụng mức phạt này.
In hóa đơn không ký hợp đồng bị phạt đến 1,5 triệu
Theo Nghị định của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, mức phạt đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng bằng văn bản sẽ giảm từ 2 - 4 triệu đồng xuống còn từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng.
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp đó không đủ điều kiện đặt in hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng; đồng thời buộc phải hủy các hóa đơn đã đặt in không đúng quy định.
Bên cạnh đó, cá nhân không thông báo bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải thông báo giá; áp dụng mức giá kê khai, đăng ký không đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Trường hợp không kê khai giảm giá phù hợp với biến động giảm giá; không kê khai giá đúng thời hạn theo văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, mức phạt tiền dao động từ 5 - 10 triệu đồng.
Nội dung này được nêu tại Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 13/8.
Nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 25m2
Thông tư 20/2016 của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ 15/8 tới, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, mỗi căn hộ, căn nhà xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Diện tích căn hộ tối thiểu là 25 m2; diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10 m2;
Chiều rộng thông thủy không dưới 2,4 m, chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,7 m; phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và ánh sáng tự nhiên; mái nhà không được lợp bằng vật liệu dễ cháy và bảo đảm không bị thấm dột…
Khu đất xây dựng nhà ở xã hội phải phù hợp với quy hoạch xây dựng; không thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, bãi rác, nghĩa trang; không lấn chiếm đất công và không có tranh chấp về đất đai.
Siết chặt thu đổi ngoại tệ
Theo Thông tư số 11/2016 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 13/8 tới, các đại lý đổi ngoại tệ không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy ngoại tệ khác. Đây là một quy định mới thay cho quy định hiện hành khi Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định các đại lý đổi ngoại tệ không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy tiền Đồng Việt Nam.
Như vậy, các đại lý này chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng tiền Đồng Việt Nam mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân. Riêng đại lý đổi ngoại tệ đặt tại khu cách ly ở cửa khẩu quốc tế được phép bán ngoại tệ tiền mặt thu tiền Đồng Việt Nam cho cá nhân mang hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp.
Quy định về lãi vay giữa các tổ chức tín dụng
Có hiệu lực từ ngày 22/8 tới, Thông tư số 18/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tự thỏa thuận.
Riêng lãi suất đối với dư nợ gốc quá hạn phải đảm bảo tối đa bằng 150\% lãi suất cho vay trong hạn; lãi suất áp dụng đối với số tiền lãi vay chậm trả không được quá 10\%/năm.
Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung ngân hàng chính sách vào danh mục các đơn vị được mua, bán có kỳ hạn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu chính quyền địa phương; giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành và các loại tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu do tổ chức khác phát hành.
Do đó, từ ngày 22/8 tới, các đơn vị được mua, bán có kỳ hạn các loại giấy tờ có giá nêu trên bao gồm: ngân hàng thương mại; công ty tài chính; ngân hàng chính sách; ngân hàng hợp tác xã; chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, một số quy định về phạt người xuất cảnh khai sai số vàng mang theo, bổ sung công việc phải tuân thủ nghiêm ngặt an toàn, vệ sinh lao động; quy định mới về khai thác, sử dụng nước, tăng trợ cấp cho thanh nhiên xung phong, trợ cấp cho người có thành tích trong kháng chiến…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2016.