+Aa-
    Zalo

    Chính phủ nhiều nước họp khẩn cấp sau vụ khủng bố ở Paris

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hầu hết các nước châu Âu đều tăng cường an ninh ở mức cao, trong khi chính phủ nhiều nước họp khẩn cấp trong ngày 14/11 sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Pháp.

    Hầu hết các nước châu Âu đều tăng cường an ninh ở mức cao, trong khi chính phủ nhiều nước họp khẩn cấp trong ngày 14/11 sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Pháp.

    Cảnh sát Pháp tuần tra tại sân bay quốc tế Bordeaux ở Mérignac, miền tây nam Pháp sau các vụ tấn công ở Paris, ngày 14/11. Ảnh: AFP/ TTXVN

    Theo phóng viên TTXVN tại London, nước Anh ngày 14/11 đã thắt chặt các biện pháp an ninh tại sân bay, đồng thời cảnh báo các chuyến bay tới Paris có thể sẽ bị chậm lại vì lý do kiểm tra an ninh. Thủ tướng Anh David Cameron cũng chủ trì cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp Cobra. Bên cạnh đó, các nhà chức trách sẽ tiến hành điều tra khẩn cấp về việc liệu có công dân Anh nào là nạn nhân trong các vụ tấn công vừa qua tại thủ đô Paris hay không. Chính phủ Anh cũng cung cấp đường dây nóng“0207 008 1500” để nhận được trợ giúp.

    Trong khi đó, các chuyến tàu khởi hành từ London đi Paris vẫn diễn ra bình thường, song nhà ga sẵn sàng đổi vé cho những du khách muốn hoãn hành trình. Những hành khách không thay đổi hành trình được khuyến nghị đến nhà ga sớm hơn một tiếng.

    Nhiều khả năng trận bóng đá giao hữu giữa Anh và Pháp vào ngày 18/11 tới trên sân vận động Wembley của Anh sẽ không thể diễn ra như dự kiến. Phát ngôn viên Liên đoàn bóng đá Anh (FA) cho biết FA sẽ làm việc với Liên đoàn bóng đá Pháp trong ngày 14/11 về vấn đề này.

    Trên trang mạng xã hội Twitter, Đại sứ quán Pháp tại thủ đô London thông báo đang giữ liên hệ chắt chẽ với giới chức Anh để đảm bảo an ninh cho cộng đồng người Pháp tại nước này, ước tính khoảng 300.000 người.

    Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy xác nhận một người Tây Ban Nha đã bị thương trong vụ tấn công vào nhà hàng Bataclan tại Paris. Ông Mariano Rajoy cũng hủy một chuyển công du tới Barcelona chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới, ở lại Madrid để họp với các quan chức an ninh.

    Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cân nhắc nâng mức cảnh báo nguy cơ khủng bố từ mức thứ 4 lên thứ 5, mức cao nhất. Trước đó, nước này đã tăng mức độ cảnh báo từ mức thứ ba lên mức 4 sau hàng loạt các vụ tấn công hồi tháng 6 tại Kuwait, Pháp và Tunisia. Trong khi đó, Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga tuyên bố an ninh của nước này đang được đặt trong tình trạng báo động cao. Tuy nhiên, giới chức Bỉ và Ba Lan lại cho rằng không cần thiết phải tăng mức độ báo động mặc dù cả hai nước đang đẩy mạnh kiểm soát an ninh tại khu vực biên giới với Pháp và kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác tại các sự kiện lớn dự kiến diễn ra vào dịp cuối tuần này. Hà Lan cũng siết chặt an ninh tại các đường biên giới và sân bay sau khi xảy ra các vụ khủng bố ở Paris.

    Đức, Italy và Thụy Điển đều triệu tập cuộc họp khẩn cấp của chính phủ và hội đồng an ninh để thảo luận về tình hình của nước Pháp và các câu hỏi liên quan đến vụ tấn công ngày 13/11. Trong khi đó, cảnh sát Thụy Sĩ đã tăng cường an ninh bên ngoài các tòa nhà ngoại giao Pháp và biên giới với Pháp. Tại châu Á, phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc và Thái Lan đưa tin cả hai nước này đều đã triển khai mọi biện pháp thắt chặt an ninh.

    Tuy nhiên hàng loạt vụ tấn công đẫm máu có thể khiến việc thực thi chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn của Liên minh châu Âu (EU) gặp khó khăn, sau khi Ba Lan trở thành quốc gia EU đầu tiên lên tiếng phản đối việc tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch của châu lục sau đêm khủng bố kinh hoàng ở Paris.

    Bộ trưởng được chỉ định phụ trách các vấn đề châu Âu của Ba Lan Konrad Szymanski ngày 14/11 khẳng định nước ông không thể tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch của EU sau khi xảy ra các vụ khủng bố vừa qua ở Paris. Theo ông, Chính phủ Ba Lan nhiệm kỳ mới không thể nhất trí với cam kết trước đó của Vacsava về việc tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch phân bổ người tị nạn của châu Âu, nhấn mạnh rằng về chính trị, Ba Lan không thể thực thi việc này sau thảm kịch ở Paris. Ông Szymanski nói thêm tuy quyết định của Hội đồng châu Âu có hiệu lực thực thi đối với tất cả các nước EU, song hiện rất khó có thể hình dung được việc thực thi quyết định này trong tình hình hiện nay.

    Hồi tháng 9/2015, Chính phủ trung hữu mãn nhiệm của Ba Lan đã đi ngược lại định hướng chung của nhóm bộ tứ Trung Âu Visegrad (gồm Ba Lan, CH Séc, Slovakia và Hungary) khi quyết định ủng hộ kế hoạch của EU về việc phân bổ 120.000 người tị nạn tới các nước trong khối. Theo hạn ngạch, Ba Lan sẽ phải tiếp nhận thêm 4.500 người tị nạn ngoài khoảng 2.000 người hiện đã được tiếp nhận ở nước này.

    Theo TTXVN

    Xem thêm video Tin tức:

    [mecloud]idZ5lFFKH5[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chinh-phu-nhieu-nuoc-hop-khan-cap-sau-vu-khung-bo-o-paris-a119633.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.