Theo hiệp hội Keizai Doyukai, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ kéo dài 10 - 20 năm vì tranh chấp ngôi vị số một Trung - Mỹ, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Nhật.
Teruo Asada, người phụ trách đối ngoại của Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản (Keizai Doyukai). Ảnh: Nikkei. |
Mỹ đã tiến hành 3 đợt tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, đáp lại, Trung Quốc cũng đã tiến hành "trả thù", chiến tranh thương mại do chính quyền Donald Trump phát động ngày càng không nhìn thấy đâu là điểm kết thúc.
Teruo Asada, chủ nhiệm ủy ban quan hệ quốc tế của Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản (Keizai Doyukai) đã trả lời phỏng vấn tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản về những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Về quan điểm của Keizai Doyukai đối với chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, ông Teruo Asada cho biết, Keizai Doyukai coi chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ là một trong những vấn đề kinh tế quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đối với các doanh nghiệp Nhật Bản còn rất nhỏ. Cuộc chiến này ít nhất sẽ không phát triển đến mức khủng hoảng.
Theo Teruo Asada, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ kéo dài, có khả năng là 10 - 20 năm. Đây là do việc này không chỉ liên quan đến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, mà còn liên quan đến việc Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và tranh chấp quyền chủ đạo kinh tế giữa Trung - Mỹ. Trong tình hình không thấy được điểm đột phá, các doanh nghiệp Nhật Bản cần quan tâm đến các động thái trong thời gian tới.
Hiện nay, Mỹ thực sự đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Nếu cho rằng Mỹ mở cánh cửa thương mại tự do với thế giới thì đó là quan điểm sai lầm. Trong lịch sử, tinh thần cơ bản của Mỹ chính là chủ nghĩa bảo hộ thương mại, ông Teruo Asada, người có kinh nghiệm làm việc tại Mỹ nhấn mạnh.
"Nước Mỹ trên hết" cũng là quan điểm của rất nhiều người Mỹ. Nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đại bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ, có lẽ sẽ điều chỉnh một chút về đường hướng, nhưng dự đoán sẽ không có sự thay đổi to lớn. Cho dù Đảng Dân chủ quay lại nắm quyền thì chính sách ứng phó Trung Quốc của Mỹ cũng sẽ không có sự thay đổi rõ rệt.
Theo Teruo Asada, chính sách chủ nghĩa bảo hộ thương mại chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Mỹ. Mặc dù hoàn toàn không gây ảnh hưởng nhanh chóng, nhưng 2 năm sau tức là bắt đầu vào khoảng năm 2020 thì ảnh hưởng tiêu cực sẽ không ngừng xuất hiện.
Do thuế quan tăng cao, cuối cùng, giá cả hàng hóa của Mỹ sớm muộn sẽ tăng lên. Mỹ sẽ xảy ra lạm phát, lãi suất dài hạn tăng lên, kết quả ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, tiêu dùng sẽ không ngừng suy giảm.
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ khó có thể lặng sóng trong thời gian tới. Ảnh: South China Morning Post. |
Tuy tỏ quan điểm rằng, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với Trung Quốc lớn hơn, nhưng Mỹ cũng sớm muộn đối mặt với "hiệu ứng mũi tên lượn vòng". Teruo Asada nhận định, rất ít người trong giới kinh tế Mỹ có cảm giác "khủng hoảng" này. Điều này có thể cảm nhận được từ giới ngân hàng Mỹ trong cuộc giao lưu gần đây.
Về ảnh hưởng tới Nhật Bản, Teruo Asada cho biết, trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ khởi động đàm phán Hiệp định thương mại hàng hóa song phương (TAG) với Mỹ. Nếu Mỹ tăng thuế quan với Nhật Bản, yêu cầu Nhật Bản tự hạn chế xuất khẩu, thì sẽ có ảnh hưởng đáng lo ngại đối với ngành ô tô. Những ảnh hưởng tiêu cực với kinh tế Nhật Bản có thể sẽ nổi lên rõ nét sau Olympic Tokyo.
Về các giải pháp ứng phó, Teruo Asada cho rằng, mặc dù hoàn toàn không dễ dàng, hơn nữa cần phải mất nhiều chi phí và thời gian, nhưng ngành chế tạo Nhật Bản cần điều chỉnh chuỗi cung ứng trên phạm vi thế giới. Ngoài ra, Nhật Bản có thể còn cần tăng đầu tư vào Mỹ và mở rộng nhu cầu trong nước. Những điều này cũng đã diễn ra trong xung đột Nhật - Mỹ trước đây. Các ngành nghề đều cần như vậy.
Để mở rộng nhu cầu trong nước, cần nới lỏng hạn chế, tiến hành cải cách cơ cấu căn bản. Chẳng hạn về năng lượng tái sinh, cần đặc biệt nới lỏng các hạn chế trong các lĩnh vực như phát điện bằng sức gió và địa nhiệt. Cần áp dụng các chính sách như thu hút nguồn vốn nước ngoài, thu hút nhân tài cao cấp trên toàn cầu.
ĐÔNG PHONG (Theo Nikkei)