Đứng trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, chính quyền Bắc Kinh có nguy cơ phải chống lại cả liên minh Mỹ - EU - Nhật Bản.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom trong một cuộc họp. Ảnh: Reuters. |
Ngày 23/8, một vòng đàm phán mới nhằm tránh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đã kết thúc mà không đạt được bất cứ kết quả gì. Đồng thời, quan chức nước ngoài đến thủ đô Washington, Mỹ, chuẩn bị tham gia một hội nghị tiếp theo có thể quan trọng hơn nhiều. Đây là diễn đàn ba bên không bình thường, tập trung các quan chức thương mại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, tờ The Financial Times Anh bản tiếng Trung ngày 20/9 cho biết.
Theo bài viết, sứ mệnh của các quan chức thương mại ba bên này là tiến hành ngăn chặn cách làm thương mại không công bằng của "quốc gia bên thứ ba" mà họ không chỉ đích danh.
Tháng 12/2017, trong thời gian diễn ra hội nghị của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ở Buenos Aires, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và các đại diện thương mại của EU và Nhật Bản đã công bố sáng kiến của họ, khi đó họ không chỉ rõ nước nào đang tạo ra "tình trạng không công bằng như có các khoản trợ cấp khổng lồ và doanh nghiệp nhà nước làm méo mó thị trường, ép buộc chuyển nhượng công nghệ và yêu cầu chọn dùng sản phẩm nội địa".
Nhưng, ai chủ trì và chi phối cuộc họp này thì hầu như ai cũng biết. Chính như Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã nói: "Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc là một người vi phạm rõ ràng, đây không còn là bí mật".
Hội nghị ba bên lần này đồng nghĩa với một sự thay đổi có thể xảy ra trong đối đầu Trung - Mỹ. Phía Trung Quốc tin rằng họ có thể ứng phó với cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Mỹ. Bắc Kinh cảm thấy chiến tranh thương mại toàn diện đã không thể tránh khỏi. Cách đây không lâu, quan chức Trung Quốc đã bừng tỉnh với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tăng thuế quan lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá trên 500 tỷ USD.
Ngày tiếp theo, họ đã thấy Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter khuyên hãng Apple dời chuỗi cung ứng ở Trung Quốc về Mỹ.
Tuy nhiên, điều thực sự làm họ mất ăn mất ngủ là chính quyền Donald Trump, EU và Nhật Bản có thể liên kết lại, phát động cuộc tấn công vào mô hình "chủ nghĩa tư bản nhà nước" độc đáo của Trung Quốc. Mô hình này đã không thể thiếu đối với sự thành công của kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua.
Vài tháng gần đây, EU và Nhật Bản đã gia nhập vào hàng ngũ của Mỹ, tiến hành kiện tại WTO, lên án Trung Quốc thông qua cưỡng chế, yêu cầu các công ty nước ngoài cùng đối tác Trung Quốc thành lập công ty liên doanh để thực hiện "chuyển nhượng công nghệ ép buộc".
Một bản tuyên bố chung giữa Robert Lighthizer, Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết: "Bất cứ nước nào đều không nên thông qua công ty liên doanh, hạn chế tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, sử dụng các biện pháp hành chính và thủ tục cấp phép để yêu cầu hoặc ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển nhượng công nghệ cho doanh nghiệp nước họ".
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với tất cả các nước, Trung Quốc hiện nay lo lắng họ bị cô lập bởi một liên minh, một sách lược thương mại có hiệu quả hơn.
Eswer Prasad, giáo sư cao cấp về chính sách thương mại của Đại học Cornell, Mỹ. Ảnh: Altrechon. |
Eswer Prasad, người từ phụ trách về Trung Quốc của Tổ chức quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hiện đang giảng dạy ở Đại học Cornell, Mỹ cho rằng: "Những động thái này khiến cho Trung Quốc rất căng thẳng".
Trong cuộc trao đổi kín, một quan chức Trung Quốc cho biết, năm 2018, khi ông Donald Trump đồng thời phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, EU, Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong giai đoạn đầu, ông Donald Trump đã tiến hành chiến tranh thương mại với bất cứ nước nào, kể cả đồng minh, theo đó, EU và Nhật Bản đã khởi kiện Mỹ tại WTO về thuế quan nhôm, thép nhập khẩu, điều này hầu như có lợi cho Trung Quốc.
Nhưng, từ khi hình ảnh đối đầu giữa ông Donald Trump với đồng minh G7 ở Hội nghị thượng đỉnh Québec tháng 6/2018 được công bố, có dấu hiệu cho thấy, 3 trong số 4 cường quốc thương mại lớn toàn cầu có thể thực sự liên kết lại để đối phó Trung Quốc.
Ngoài cuộc hội đàm giữa ông Robert Lighthizer với EU và Nhật Bản, chính quyền Donald Trump còn đang tập trung củng cố cuộc "ngừng bắn" thương mại gần đây với EU và Mexico, đồng thời nỗ lực đạt được thỏa thuận với Canada về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ sau khi sửa đổi.
Rất nhiều người bày tỏ nghi ngờ về khả năng thành công của các nỗ lực tập trung hỏa lực vào chống Trung Quốc của ông Donald Trump. "Muốn làm được điều này, ông Donald Trump phải áp dụng phương thức hành vi hoàn toàn khác", một nhà ngân hàng lâu năm ở châu Âu nói.
Mặc dù vậy, các cuộc hội đàm thương mại giữa ông Donald Trump với EU, Trung Quốc, Mexico và Canada trong mùa hè vừa qua đã làm gia tăng sức ép lên nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Năm 2017, cảm giác tổng thể của tầng lớp lãnh đạo Bắc Kinh là mọi thứ đều rất thuận lợi”, một nguồn tin từng gặp gỡ Phó Thủ tướng Lưu Hạc và các quan chức cấp cao nhất khác của Trung Quốc cho biết.
Theo nguồn tin này: “Mùa xuân năm nay, họ cho rằng mối đe dọa thuế quan của ông Donald Trump là một ổ gà nhỏ trên đường đi. Nhưng, cho đến nay, họ cho rằng, đây hoàn toàn không phải là một ổ gà nhỏ. Hơn nữa, cho dù ông Donald Trump không còn cầm quyền thì vấn đề này sẽ vẫn không mất đi. Họ còn ý thức được họ và châu Âu cũng có vấn đề về thương mại”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại Hội nghị Cấp cao Trung Quốc - EU ở Bắc Kinh ngày 16/7/2018. Ảnh: Financial Tribune. |
Khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đến Bắc Kinh tham gia hội nghị thượng đỉnh song phương và tháng 7/2018, ông ấy nói thẳng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng, ông ấy cũng giống như Tổng thống Donald Trump và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cảm thấy lo ngại.
Ở một diễn biến khác, Nhật Bản cảm thấy vui mừng và ngạc nhiên vì sự hòa giải mà Trung Quốc chủ động tiến hành trong một năm qua. Một quan chức Nhật Bản cho biết, một loạt tư thế hữu nghị gần đây của Trung Quốc đều nhằm vào ông Donald Trump. Quan chức này còn cho biết: “Chính sách thương mại của ông Donald Trump luôn có ảnh hưởng tới lập trường ngoại giao của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lạc quan nắm bắt bất cứ cơ hội nào làm dịu quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, nhưng ông quan tâm hơn tới duy trì quan hệ tốt đẹp với đồng minh quân sự Mỹ.
Theo quan chức này: “Trung Quốc hy vọng chúng tôi đi cùng với họ, đã trực tiếp lên án chính sách thương mại của ông Donald Trump. Chúng tôi đương nhiên rất lo ngại với chính sách thương mại của Donald Trump”.
“Nhưng, về cơ bản, chúng tôi cũng hoàn toàn tán thành quan điểm của ông Donald Trump về việc tiếp cận thị trường và các vấn đề khác (thương mại và đầu tư) của Trung Quốc”.
Steve Bannon, cựu cố vấn chính trị của ông Donald Trump cho rằng: "Trung Quốc cần lo lắng về ông Donald Trump… Họ còn chưa từng gặp một đối thủ như vậy”.
Tại Bắc Kinh, ngày càng nhiều quan chức và chuyên gia phân tích đã đồng ý với quan điểm của Steve Bannon, cho rằng chiến tranh không ngừng leo thang chỉ là “quân tiên phong” trong những nỗ lực to lớn hơn nhằm ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ.
Giáo sư Đồ Tân Tuyền, Đại học Kinh tế Thương mại Đối ngoại (UIBE) Trung Quốc cho rằng: “Nguy cơ Trung Quốc và Mỹ rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang tăng lên”. “Đối với cả Trung Quốc, Mỹ và thế giới, đây sẽ là một cơn ác mộng”.
Nhà nghiên cứu Vương Xung từ Viện nghiên cứu Charhar ở Bắc Kinh cho rằng, vấn đề của Trung Quốc hiện nay tại Mỹ không chỉ liên quan đến ông Donald Trump: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã đạt được một đồng thuận, đó là họ cần nỗ lực ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc”.
Ông Long Quốc Cường, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện (DRC) Trung Quốc cho rằng: “Cùng với việc Mỹ định nghĩa Trung Quốc là ‘đối thủ cạnh tranh chiến lược’, quan hệ Trung - Mỹ sẽ có sự điều chỉnh sâu sắc”.
Chuyên gia vấn đề ngoại giao Thời Ân Hoằng từ Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng: “Quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc của chính quyền Donald Trump ngày càng rõ ràng. Tôi cho rằng, đợt đánh thuế quan thứ ba (ngày 17/9/2018) không thể tránh khỏi. Cuộc chiến tranh thương mại này sẽ tiếp tục một khoảng thời gian tương đối dài”.
Steve Bannon, cựu cố vấn chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The New York Times. |
Một ví dụ cụ thể cho thấy chiến lược của Tổng thống Trump đang hiệu quả rõ rệt là: Hãng ô tô Ford ngày 31/8 tuyên bố hủy bỏ kế hoạch xuất khẩu ô tô Ford sản xuất tại Trung Quốc sang Mỹ từ năm 2019. Những ô tô này vốn sẽ bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế quan lên 25% đối với xuất khẩu ô tô của Trung Quốc do chính quyền Donald Trump đưa ra vào tháng 8/2018. Nhà sản xuất ô tô SUV thành công nhất của Trung Quốc là Great Wall cũng đang đánh giá lại kế hoạch xuất khẩu của họ sang Mỹ.
Khác với giọng điệu cứng rắn trên báo chí nhà nước Trung Quốc, động thái ra sức tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ vào mùa hè năm nay đã khiến cho các quan chức Trung Quốc vô cùng bất an – họ vốn đang đổ nhiều tâm sức vào công cuộc cải cách tài chính gian nan.
Trong tình hình này, tiến hành chiến tranh thương mại với Mỹ là một trường hợp không lý tưởng, nhưng ngày càng nhiều quan chức Trung Quốc và các cố vấn của họ cũng cho rằng, chiến tranh thương mại là điều không thể tránh khỏi, ít nhất là trong ngắn hạn.
ĐÔNG PHONG (Theo FTchinese)