Sự tự tin đến kiêu ngạo của quân Pháp
Cách đây 70 năm, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chiến thắng đã chấm dứt hoàn toàn những tham vọng cuối cùng của thực dân Pháp tại Việt Nam, sự kiện ấy đã trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để phân tích nghệ thuật quân sự tài tình đã tạo nên thắng lợi năm 1954.
Về bối cảnh chiến dịch, GS. Vũ Minh Giang cho hay, đến năm 1953, sau 8 năm tiến hành chiến tranh Đông Dương, quân Pháp lâm vào thế bị động và ngày càng lún sâu vào thất bại trên hầu khắp các chiến trường.
Họ quyết định rút về Điện Biên và xây dựng nơi đây trở thành cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm chia cắt ta với vùng thượng Lào và một phần Trung Quốc. Họ nghĩ rằng, khi quân ta dốc toàn lực tấn công vào Điện Biên sẽ bị đánh bại, từ đó tạo bước xoay chuyển cục diện chiến tranh.
Điện Biên Phủ cách Hà Nội 500 km về phía tây, xung quanh là núi đồi trập trùng, các chỉ huy quân Pháp cho rằng việc chi viện cho hàng vạn quân là bất khả thi. Hơn nữa, với ưu thế tuyệt đối về không quân, họ tự tin phát hiện toàn bộ hoạt động của quân ta.
Vì vậy, sau khi xây dựng xong cứ điểm, Pháp liên tục cho máy bay giải truyền đơn tuyên bố, thách thức ta dám đánh vào. Đây cũng là mấu chốt của việc Hoa Kỳ ủng hộ Pháp và có những can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến.
Khi sắp vào chiến dịch, thái độ tự tin của Pháp còn lên đến kiêu ngạo. Ỉ vào ưu thế vượt trội về không quân, xe tăng, pháo binh nên thậm chí họ còn nôn nóng quân ta tấn công.
"Không có khẩu pháo nào của Việt Minh kịp bắn hơn 3 viên đạn trước khi nó được định vị và phá hủy” – tuyên bố của Piroth (chỉ huy pháo binh Pháp tại Điện Biên) đã thể hiện rõ nét sự ngạo mạn của người Pháp.
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân
Tuy nhiên, nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại trái ngược với sự lạc quan của các tướng Pháp. Khi được giao nhiệm vụ, ông đã báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị rằng quân Pháp đóng ở lòng chảo Điện Biên là lợi thế của ta.
Thậm chí, lòng chảo này đã bộc lộ một yếu điểm tử huyệt – sự cô lập. Nếu bị quân ta vô hiệu hoá đường tiếp viện duy nhất bằng hàng không thì đã thắng một phần.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh có chỉ thị giao toàn quyền quyết định cho tướng Giáp, điều này không chỉ cho thấy tài nhìn người, dùng người của Bác mà còn mang đến sự chủ động cho vị tướng ngoài chiến trận”, GS Giang đánh giá.
Trước khi ra chiến dịch, Bác dặn dò: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
“Điều này trở thành kim chỉ nam trong tư duy chiến thuật của tướng Giáp và mang đến bước ngoặt lịch sử của cuộc chiến khi sau này ông quyết định đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, GS.TS Vũ Minh Giang phân tích.
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân chính là mẫu chốt của cuộc chiến này. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị đã đề ra những giải pháp quyết đoán và đầy sáng tạo. Một mặt, Bác động viên nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc ra sức tiết kiệm lương thực để đóng góp ngay tại chỗ.
Mặt khác, Bác lại động viên dân công phối hợp với công binh ra sức đẩy mạnh việc làm đường, sửa đường, huy động tối đa các phương tiện vận chuyển như: xe ngựa, xe đạp thồ, thuyền bè...xây dựng đội ngũ hậu phương hùng hậu từ miền xuôi lên miền ngược.
Chính những phương tiện vận chuyển thô sơ đó đã gây nên sự kinh ngạc lớn cho địch, làm đảo lộn toàn bộ những tính toán khi họ cho rằng quân ta không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy.
“Xe đạp thồ dễ dàng được ngụy trang, ẩn nấp khi thấy máy bay trinh sát của địch tuần tra. “Rừng tre bộ đội rừng vây quân thù” câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã khái quát tất cả”, ông Giang nói và cho hay, đây chính là nghệ thuật “lấy thô sơ thắng hiện đại”.
Bất ngờ thứ hai đó là quân ta đã triệt được đường tiếp viện hàng không của địch. Pháp luôn chủ quan rằng, quân ta yếu, thậm chí không có lực lượng phòng không nhưng thực tế ta đã có súng phòng không 37 và súng máy DShK.
Không chỉ hiệu quả khi bắn rơi, cản trở tiếp tế của địch ở mặt trận Điện Biên, quân ta còn tập kích cả sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Thực tế, để có hàng viện trợ lên sân bay Mường Thanh, thì hàng hoá của Pháp phải tập kết tại cảng Hải Phòng rồi chuyển ra Cát Bi. Nhưng ngay tại sân bay này đã liên tục bị ta công kích.
Do không thể hạ cánh nên rất nhiều hàng hóa tiếp viện đã biết được thả dù xuống, như chúng ta đã biết ở giai đoạn cuối của chiến dịch, quân và dân ta đã thu được rất nhiều hàng hóa của địch.
Ngoài ra, cách tiếp cận cuộc chiến theo lối “đánh lấn”, đánh “bóc vỏ” của ta tiếp tục gây bất ngờ cho địch. Mặc dù tốn rất công sức, nhưng cách này đảm bảo tiếp cận cuộc chiến an toàn và chắc thắng.
Quân ta đã đào hệ thống hầm, hào bao vây dần được siết chặt, tiến dần từng bước áp sát cứ điểm của địch. Để rồi, khi một hiệu lệnh xung phong, quân ta đã tiếp cận đến tận hầm hầm Đờ-cát.
Cuối cùng cũng phải kể đến sự chuẩn bị cho chiến trường vô cùng chu đáo. Ta nâng niu từng khổ pháo, tiến hành kéo pháo lên từng đỉnh núi cao bao quanh lòng chảo Điện Biên.
Mỗi mỗi khẩu pháo đều được làm hầm bảo vệ giúp hạn chế tối đa thiệt hại khi bị định phản pháo. Thực tế, kết thúc chiến dịch, hầu như không có khẩu pháo nào của ta bị hư hại. Địch cũng không thể ngờ các điểm đặt pháo của ta ở trên các đồi cao đã được kéo lên bằng sức người.
Thuật nghi binh cũng được áp dụng triệt để, rất nhiều các ụ pháo giả được quân ta sử dụng. Khi bộ đội của ta giận bốc phá tạo trận giả rồi rút lui đã khiến Pháp liên tục não pháo vào đó. Điều này đã làm tiêu hao lượng lớn đạn pháo của địch.
Dưới sự chỉ huy tài tình của Bộ chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đặc biệt là những người lính đã anh dũng chiến đấu, hàng vạn dân công, sự đoàn kết nhất trí toàn quân, toàn dân đã tạo nên chiến thắng lịch sử.
Nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
“Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” câu nói trên đã khái quát chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta trước tập đoàn quân sự mạnh mẽ Pháp – Mỹ”, ông Giang nêu và cho hay, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thực sự đã nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Trong những năm 50 của thế kỷ 20, thế giới hầu như không biết đến nước ta.
“Thực chất hiệp định Giơnevơ ban đầu không có nội dung về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hội nghị này được lập ra để các cường quốc thảo luận các vấn đề sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, trước chiến thắng chấn động của quân dân Việt Nam, Liên Xô đã yêu cầu hiệp định Giơnevơ thêm nội dung trên vào hội nghị”, ông Giang thông tin.
Ngoài ra, thời điểm đó, chủ nghĩa thực dân vẫn bao trùm toàn thế giới. Lịch sử vẫn nhắc đến các cụm từ như “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn” nói về thực dân Anh hay những thuộc địa khắp châu Phi, châu Á của thực dân Pháp.
Điện Biên Phủ như một hiệu lệnh thúc đẩy tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa, ngọn lửa đấu tranh được thổi bùng khắp nơi khiến hệ thống thuộc địa dần tan vỡ từng mảng.
“Hàng chục năm sau tôi có dịp cùng đoàn Việt Nam sang Venezuela dự Đại hội hòa bình thế giới. Một điều bất ngờ là khi lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam xuất hiện thì rất nhiều người đã hô lớn: Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp.
Đây là những cảm xúc tự hào bản thân tôi không thể nào quên và cũng nói lên sức ảnh hưởng to lớn của chiến thắng Điện Biên năm nào”, GS Giang chia sẻ.
Đưa nghệ thuật quân sự lên tầm cao mới
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tiếp tục đánh giá, chiến thắng Điện Biên đã nâng tầm nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới.
Trước đây, dân tộc ta có những trận quyết chiến chiến lược nhưng chủ yếu đẩy quân định vào những nơi mà quân ta có sở trường như Bạch Đằng năm 938, Bạch Đằng năm 1281. Hay các trận đánh điển hình mang tính bất ngờ như trận Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1978) của vua Quang Trung.
Từ đó, vị Giáo sư đánh giá: “Với trận Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất của dân tộc ta với Pháp. Đối phương và ta đối đầu trực diện, có tuyên chiến thì rõ ràng đây là sự trưởng thành vượt bậc trong nghệ thuật quân sự”.
Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên sự vững tin để dân tộc ta có tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc chiến cam go, ác liệt hơn với đế quốc Mỹ về sau.
“Điện Biên Phủ không dừng lại ở một chiến dịch hay một thời kỳ mà nó còn tạo nên tâm lý dám đánh cho mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta gọi “Điện Biên Phủ trên không” khi đối đầu với B52 của Mỹ tại Hà Nội, bởi chính “Điện Biên Phủ” đã tạo nên một tâm thức quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta”, ông Giang phân tích.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, nghiên cứu nghệ thuật quân sự Việt Nam phải tiếp cận từ văn hóa mới có thể hiểu được.
“Ở đây, Văn hóa là những nét riêng, những sáng tạo của những người dân vì sự tồn vong, phát triển của mình trong đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ví dụ, trong các cuộc kháng chiến của ta thì tổ ong, hầm chông, đầm lầy…đều trở thành vũ khí. Tất cả những thứ đó đều nằm ngoài các giáo án quân sự”, GS.TS Vũ Minh Giang giải thích.
Ghi danh “sổ vàng” những dân công tham gia chiến dịch
GS.TS Vũ Minh Giang cho biết, sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói phải ghi nhận công lao của các dân công trong chiến dịch. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chỉ ghi chép chung chung là có vai trò lớn của hàng vạn dân công.
“Mới đây trong buổi làm việc với Điện Biên tôi đã đề xuất với tỉnh uỷ có thể gửi thư đến các địa phương đề rà soát lại toàn bộ những người từng tham gia vào chiến dịch Điện Biên để ghi tên họ vào một cuốn sổ vàng.
Đây là cách tri ấn tốt nhất đối với những thế hệ đã góp công tạo chiến thắng lịch sử của dân tộc. Sau khi nghe ý kiến này, lãnh đạo tỉnh Điện Biên ngay lập tức tán thành”, ông Giang nêu ý kiến.
Theo Đặng Ngọc Thủy
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chien-thang-dien-bien-phu-dinh-cao-cua-nghe-thuat-quan-su-toan-dan-a659605.html