Đến nay, đã có khoảng 90% chi trả không dùng tiền mặt.
Đã có khoảng 90% chi trả không dùng tiền mặt
Ngày 31/7, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Tại Hội nghị, Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đánh giá, BHXH Việt Nam không chỉ là đơn vị tiên phong đi đầu trong công tác chuyển đổi số mà còn có được những sản phẩm thật; người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật. Kết quả công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của BHXH Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 là rất tích cực. Trong đó nổi bật là việc thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đạt tỷ lệ cao. BHXH Việt Nam đã cung cấp rất nhiều tiện ích trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với lượt sử dụng rất lớn của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dù còn những khó khăn nhưng BHXH Việt Nam đã quan tâm xây dựng, phát triển rất tốt hạ tầng số, dữ liệu số, đồng thời chia sẻ mạnh mẽ với các Bộ, ngành, địa phương mang lại những lợi ích thiết thực, phục vụ người dân.
Ông Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cũng nhận định, việc 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử mức độ 2 là nỗ lực lớn của ngành BHXH Việt Nam và Công an các địa phương trong việc chia sẻ, đồng bộ dữ liệu.
Việc chi trả các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân cũng là kết quả ấn tượng, vượt qua rất nhiều khó khăn ban đầu khi thực hiện.
Theo ông Tấn, thời gian đầu khi không chi trả tiền mặt, nhiều người phản ứng cho rằng không thể làm được vì nhiều người già, trẻ nhỏ, khó khăn thẻ ATM. Thế nhưng đến nay có khoảng 90% chi trả không dùng tiền mặt.
Để thuận tiện cho công tác khám chữa bệnh, chấm dứt tình trạng gian lận bảo hiểm, ông Tấn đề nghị cần xây dựng hệ thống ki ốt quét thẻ chip tại các bệnh viện với thiết bị thông minh, tiếp tục đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VssID.
Các cơ quan chức năng cũng cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý dữ liệu, dần dần xử lý tội phạm liên quan đến BHXH.
Ngoài ra, ông Tấn cũng lưu ý lãnh đạo ngành BHXH cần cảnh báo đến từng cán bộ nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ nguy cơ lộ lọt dữ liệu từ hacker, bởi vì chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể tạo ra nguy cơ mất an ninh thông tin cho cả hệ thống.
Quyết tâm hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao
Bên cạnh kết quả, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của ngành trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 như: Một vài người đứng đầu chưa ý thức được trách nhiệm, một số cán bộ chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin tại một số đơn vị chưa thực sự được quan tâm, vẫn còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan trong việc đảm bảo an toàn thông tin. Cán bộ công nghệ thông tin còn thiếu cả về số lượng, chất lượng; chế độ đãi ngộ cho cán bộ chuyển đổi số, công nghệ thông tin còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng của ngân hàng tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, liên thông dữ liệu với BHXH Việt Nam.
Vì vậy, ông Mạnh yêu cầu, thời gian tới các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch đã được phê duyệt trong triển khai công tác chuyển đổi số và Đề án 06, quyết tâm hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao đến hết năm 2024.