Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tập trung cải cách thủ tục hành chính mang lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi phá hoại rừng tự nhiên... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/8 - 1/9/2017.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật
Chính phủ ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2017.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; chủ động rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành; thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có phản ứng chính sách kịp thời, giải quyết ngay và dứt điểm những vướng mắc, bất cập của môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội, kiến nghị xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội; kiên quyết loại bỏ lợi ích cục bộ, trục lợi chính sách trong xây dựng thể chế, pháp luật, những tiêu cực, nhũng nhiễu trong tổ chức thi hành pháp luật.
Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Về đối tượng, điều kiện đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, Nghị định quy định: Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.
Về đào tạo sau đại học, cán bộ, công chức phải đáp ứng điều kiện: Có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
4 biện pháp bảo đảm phải đăng ký
Chính phủ ban hành Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Nghị định nêu rõ các biện pháp bảo đảm phải đăng ký gồm: a) Thế chấp quyền sử dụng đất; b) Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; c) Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; d) Thế chấp tàu biển.
Kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi phá hoại rừng tự nhiên
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm quy định, phá hoại rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc.
Yêu cầu kiểm tra thông tin doanh nghiệp tố hải quan 'ăn' tiền
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, xử lý thông tin đăng trên báo Tiền phong qua bài viết: "Doanh nghiệp lại bức xúc tố hải quan "ăn" tiền không có hóa đơn".
Đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, góp phần đạt chỉ tiêu 26,5 giường bệnh/10.000 dân; tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn thành 64 dự án chuyển tiếp đã được đầu tư trong giai đoạn 2011- 2015 nhưng chưa hoàn thành do thiếu vốn và triển khai thực hiện tối thiểu 28 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 và tăng lên khi được bổ sung nguồn ngân sách trung ương nhưng tối đa không quá 52 dự án.
Triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Mục đích nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời gian, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên phạm vi cả nước.
Thí điểm thành lập BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng.
Chuyển BQL các Bến xe khách Lào Cai thành Cty cổ phần
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý chủ trương chuyển Ban Quản lý các Bến xe khách Lào Cai thành công ty cổ phần, hoàn thành chuyển đổi năm 2017-2018.
Tập trung CCTTHC mang lại hiệu quả cho người dân, DN
Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) về công tác cải cách TTHC.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng tư vấn CCTTHC chủ động nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và TTHC để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, cần lựa chọn những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận tín dụng, kiểm tra chuyên ngành...
Nguyên nhân điểm tuyển sinh trường CĐ, ĐH sư phạm thấp
Theo Thông báo 401/TB-VPCP, việc số lượng giáo viên đào tạo lớn hơn nhu cầu sử dụng dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm khó tìm được việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng điểm tuyển sinh vào một số trường cao đẳng, đại học ngành sư phạm thấp.
Phương Nhi