+Aa-
    Zalo

    Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 7/2017

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; Tăng chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Tăng cường công tác phòng chống

    Lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; Tăng chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết... là những thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 7/2017 được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đăng tải.

    Tăng chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

    Quyết định số 35/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 75/2013/QĐ-TTg ngày 6/12/2013 quy định về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/07/2017. Theo đó, tăng chế độ đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

    Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết

    Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, ngày 27/07/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1106/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.

    Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh SXH lan rộng, kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

    1. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ; phân công cụ thể nhiệm vụ cho chính quyền các cấp về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Bố trí kinh phí kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

    Phun thuốc diệt muỗi phòng nguy cơ phát dịch sốt xuất huyết - Ảnh: VOV

    Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn.

    2. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh SXH; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

    3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp để người dân chủ động, tích cực việc phòng chống; đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.

    4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục huy động giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình và cộng đồng.

    5. Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

    6. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp cơ sở chủ động thực hiện và tích cực vận động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh SXH, đặc biệt là diệt lăng quăng (bọ gậy).

    Ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ

    Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 997/CĐ-TTg ngày 11/07/2017 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Bắc bộ.

    Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai…

    Lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt

    Ngày 21/07/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

    Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thực hiện quy chế phối hợp với các địa phương, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác không gian trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt hoặc chuyển chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền…

    Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại

    Ngày 6/7/2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.

    Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo UBND các cấp thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật. Người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; xử lý cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

    Bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng

    Ngày 3/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng.

    Nghị định quy định tàu thuyền nhập cảnh, thuyền viên, hành khách đi trên tàu thuyền nhập cảnh khi vào khu vực biên giới biển Việt Nam phải làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu cảng đầu tiên nơi tàu thuyền đến.

    Tàu thuyền nước ngoài xuất cảnh, thuyền viên hành khách đi trên tàu thuyền nước ngoài xuất cảnh, trước khi rời khỏi biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam phải làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu cuối cùng nơi tàu thuyền đi.

    Tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, thuyền viên, hành khách đi trên tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, trước khi rời khỏi vùng biển Việt Nam, phải làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu cảng cuối cùng nơi tàu thuyền đi. Tàu thuyền quá cảnh phải làm thủ tục quá cảnh khi vào khu vực biên giới biển Việt Nam.

    Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

    Ngày 31/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

    Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

    Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về phòng bệnh, chống dịch bệnh cho động vật; vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; vi phạm quy định về quản lý thuốc thú y; vi phạm quy định về hành nghề thú y.

    Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-noi-bat-thang-72017-a198103.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan