Dư luận đang “chấn động” trước thông tin một nhóm đối tượng chi 20 tỷ đồng nhằm tác động người có thẩm quyền “điều chuyển” Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi nơi khác. Mục đích là để chúng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. Được biết, cầm đầu nhóm này là một “trùm” buôn hàng giả. Đây được coi là vụ án rất đặc biệt, lần đầu tiên phát hiện và công bố thông tin về một nhóm những kẻ sai phạm “dám” chi khoản tiền “khủng” để tìm mọi cách “đẩy” Giám đốc Công an tỉnh đi nơi khác. Vậy trên thực tế, những “viên đạn bọc tiền”, những yếu tố “bất thường” can thiệp vào hoạt động thanh tra, điều tra, có từng xảy ra hay không? Xung quanh vấn đề trên, PV ĐS&PL đã trao đổi với Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (bộ Công an) để có những góc nhìn đa chiều.
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (bộ Công an). |
“Đa dạng” thủ đoạn “vô hiệu hóa” hoạt động điều tra
PV: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về vụ việc nhóm đối tượng sẵn sàng chi 20 tỷ đồng để nhằm mục đích “chuyển” Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi nơi khác?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Hiện tượng những người vi phạm pháp luật tìm mọi cách can thiệp, tác động vào quá trình điều tra, xử lý sai phạm của cơ quan chức năng, với mục đích cản trở, làm thay đổi kết quả theo hướng có lợi cho mình, đang rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Điều này là phản ứng tự vệ của nhóm những người sai phạm trước các nguy cơ đe dọa sự an toàn của bản thân họ.
Vụ việc chi 20 tỷ đồng để nhằm mục đích “chuyển” Giám đốc Công an tỉnh đi nơi khác cũng là một “dạng” như thế.
PV: Được biết, ông từng có nhiều năm công tác trực tiếp trong lĩnh vực điều tra tội phạm. Đã bao giờ ông và đồng đội gặp phải tình huống tương tự như vậy chưa?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi và đồng đội đã từng nhiều lần bị đe dọa. Việc các đối tượng vi phạm dọa lại cán bộ điều tra là “không hiếm”. Cách đe dọa cũng có nhiều hình thức.
Ví dụ như, đối với các đối tượng giang hồ bình thường thì chúng đe dọa cán bộ bằng cách sẽ gây hại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ điều tra.
Ví dụ nữa, nếu “động vào các chỗ nhạy cảm”, tức là các đối tượng có “quan hệ”, tội phạm kinh tế, chức vu... thì chuyện dọa cho cán bộ điều tra “rơi sao” hoặc cho về “đuổi gà” là khá phổ biến.
Thậm chí, có đối tượng lộ liễu đe dọa thẳng cán bộ mà “khoe” mối quan hệ của mình. Chẳng hạn như “khoe” chơi với sếp này, sếp kia... để ngầm ý đe dọa cán bộ điều tra.
Không chỉ cá nhân tôi mà anh em trong lực lượng điều tra cũng gặp nhiều! Và tất nhiên, với bản lĩnh của cán bộ phá án thì không sợ những “thứ đó”.
Đối tượng Trần Trí Mãnh. |
PV: Để nhằm đạt được mục đích của mình, với ý đồ “vô hiệu hóa” hoạt động điều tra, các đối tượng vi phạm thường có những thủ đoạn như thế nào, thưa ông?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Trên thực tế, tôi cho rằng, một trong những biện pháp các đối tượng thường dùng, mang lại hiệu quả, đó là sử dụng các mối quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn cao trong hệ thống cơ quan Nhà nước, hoặc có uy tín với chủ thể tiến hành hoạt động điều tra, để tác động vào quá trình giải quyết sự việc.
Sự tác động này có thể theo 2 hướng. Thứ nhất là can thiệp làm thay đổi theo hướng có lợi cho kết quả xử lý, giải quyết công việc.
Thứ hai là “vô hiệu hoá” những chủ thể quyết tâm làm rõ sự việc, thông qua việc tác động vào công tác tổ chức để điều chuyển họ ra khỏi vị trí công tác liên quan đến sự việc đang điều tra. Đây là kế “rút củi đáy nồi”, “dập lửa từ nguồn phát nhiệt” rất thâm hiểm, độc địa!
Vụ việc nhóm đối tượng sẵn sàng chi 20 tỷ đồng, với mục đích tác động, “chuyển” Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi nơi khác cũng là một ví dụ điển hình về chiêu trò của các đối tượng.
Phải tỉnh táo, bản lĩnh trước những “liên minh ngầm”
PV: Tức là cán bộ điều tra, cán bộ thanh tra luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, cám dỗ, đặc biệt là “các viên đạn bọc tiền”?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Khi bị động chạm lợi ích, những kẻ sai phạm, có tội với dân, không từ thủ đoạn nào để cản trở công vụ.
Nhằm thực hiện được việc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động điều tra, xử lý sai phạm, người vi phạm thường sử dụng tiền, quan hệ, hoặc kết hợp cả hai, để tiếp cận, tác động lên người có chức vụ, quyền hạn về công tác tổ chức đối với chủ thể đang tiến hành hoạt động điều tra, xử lý sai phạm.
Nếu cán bộ điều tra không đủ bản lĩnh, không tỉnh táo thì rất có thể sẽ bị sa vào những “viên đạn bọc đường”.
Các đối tượng liên quan vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. |
PV: Theo ông, những “mối liên minh ngầm” sẽ có sự tác động như thế nào vào hoạt động của cơ quan Nhà nước? Cái giá phải trả ra sao khi bị phát hiện?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Một số người sau khi bị tác động, đứng trước sức hấp dẫn của lợi ích vật chất, hoặc do áp lực từ các mối quan hệ, đã làm những việc không được làm, hoặc không làm những việc pháp luật buộc phải làm, vì lợi ích của đối tượng tác động.
Các quan hệ lợi ích, cánh hẩu giữa cán bộ, công chức thoái hoá biến chất với người vi phạm, đang tồn tại khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Họ gắn bó, cấu kết với nhau bởi lợi ích. Những quan hệ này tạo ra cơ hội để tội phạm can thiệp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước, tạo ra những phi vụ làm ăn ở tầm chính sách.
Chưa khi nào đạo đức công vụ, sự liêm chính của công chức đứng trước những thách thức lớn như hiện nay, vì “bả lợi ích” khiến không ít người vượt qua được những đòi hỏi bản năng về sự thỏa mãn nhu cầu vật chất.
Sức hấp dẫn chết người của tiền, tài, danh vọng khiến con người dễ nhắm mắt bước qua các rào cản, ràng buộc của đạo đức và pháp luật. Và tất nhiên, cái giá phải trả luôn là sự trừng phạt của cộng đồng thông qua bản án mà cơ quan toà án là đại diện sẽ tuyên khi sự việc vỡ lở.
PV: Quay trở lại vụ việc chi 20 tỷ đồng để nhằm “điều chuyển” Giám đốc Công an tỉnh, xin ông cho biết quan điểm cá nhân về cách xử lý tiếp theo?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Đối với vụ việc này, cơ quan điều tra Công an tỉnh An Giang đã bắt giữ một số đối tượng liên quan. Ở đây, các đối tượng chỉ đơn thuần là lừa đảo, nhận tiền của đối tượng khác để “nổ” rằng mình sẽ có thể kết nối, tác động tới người có chức vụ nhằm “điều chuyển” Giám đốc Công an tỉnh đi nơi khác. Thế nhưng thực chất, các đối tượng không hề móc nối, liên hệ với ai, mà chỉ là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Số tiền 20 tỷ đồng mà các đối tượng sẵn sàng chi ra để nhằm mục đích “vô hiệu hóa” Giám đốc Công an là một số tiền rất lớn và là ý đồ “táo tợn”. Có lẽ như vậy mà vụ việc nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Hường
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Chủ Nhật (11)