(ĐSPL) - Kết quả đánh giá sự phản hồi của người dân dối với một số dịch vụ công đều cho thấy mức độ hài lòng lên tới hơn 80\%, vượt xa mục tiêu đã đề ra.
Trên 80\% người dân hài lòng về một số dịch vụ công được khảo sát, vượt xa mục tiêu đề ra (Ảnh internet). |
Cán bộ công chức nói lời xin lỗi với người dân chỉ có 35,1\%
Lãnh đạo Bộ Nội Vụ cho biết mục tiêu chương trình cải cách hành chính tới 2015 là đạt 60\% mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công, tới 2020 chỉ tiêu này sẽ đạt 80\%.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát sự phản hồi của người sử dụng một số dịch vụ công tại Thanh Hóa, Phú Thọ, Bình Định mà Bộ Nội vụ vừa công bố ngày 20/8 thì kết quả mặt bằng chung có tới trên 80\% người được hỏi hài lòng.
Cụ thể, tại Thanh Hóa, chọn 4 lĩnh vực khảo sát bao gồm: Đất đai, xây dựng, văn hóa và y tế. Tuy nhiên số người được hỏi chỉ giới hạn ở mức hơn 1.200 đối tượng.
Theo đó, tỷ lệ rất hài lòng và hài lòng lên tới 82,2\%; mức độ rất không hài lòng và không hài lòng chỉ chiếm 16,7\%. Đặc biệt, lĩnh vực xây dựng vốn là lĩnh vực phức tạp nhiều thủ tục với lượng giao dịch lớn nhưng kết quả đánh giá lại có tới 80,8\% người khá hài lòng khi được hỏi.
Trước câu hỏi tính sát thực của kết quả điều tra trên tới đâu, ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo từ trên xuống dưới không ai được phép có bất kỳ động thái nào tác động làm sai lệch kết quả điều tra. Nếu ai thực hiện hành vi trên người đó sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Tương tự, kết quả khảo sát tỉnh Bình Định đánh giá chất lượng dịch vụ 3 lĩnh vực: Đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất và lĩnh vực y tế, cho thấy mức độ hài lòng chung lên tới hơn 93\%.
Tại Phú Thọ, địa phương quyết định chọn 3 lĩnh vực nhạy cảm nhất để khảo sát đánh giá bao gồm lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quy mô mẫu khảo sát được tiến hành hơn 1.500 đối tượng đã từng sử dụng các dịch vụ trên. Tổng hợp từ kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người trả lời phỏng vấn thể hiện sự hài lòng đối với các dịch vụ hành chính công lên tới 86\%.
Tuy nhiên, báo cáo của tỉnh Phú Thọ cũng nêu rõ: Khi tiến hành phân tích chuyên sâu kết quả khảo sát của cả ba loại dịch vụ hành chính cho thấy, nếu loại bỏ kết quả khảo sát đối với những trường hợp trả lời “không có ý kiến” thì kết quả thực tế mức độ hài lòng giảm xuống còn 68\%.
“Có 34\% người được hỏi chia sẻ họ chưa thực sự cảm thấy sự nhiệt tình trong cung cách phục vụ của các cán bộ công chức nhà nước. Đây thực sự là con số đáng phải xem xét, phản ánh tính ít gần dân, quan liêu của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức. Ngoài ra, số cán bộ công chức nói lời xin lỗi với người dân cũng chỉ có 35,1\%”, đại diện Sở Nội vụ Phú Thọ cho biết.
Chỉ là kết quả ban đầu
Nhận định kết quả khảo sát đánh giá phản hồi của người dân về dịch vụ công tại 3 địa phương trên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ cho biết, đây chỉ là bước thí điểm ban đầu, cơ quan chức năng sẽ có bước thẩm định tiếp theo.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Dĩnh cũng khẳng định tính khách quan của kết quả điều tra: “Chỉ số đo lường sự hài lòng người dân đối với cơ quan quản lý hành chính nhà nước đạt được khách quan vì đây là phiếu điều tra với cơ quan độc lập triển khai. Còn cơ quan nhà nước chỉ làm nhiệm vụ tổ chức nên kết quả khảo sát sẽ đảm bảo khách quan”.
Đây là lần đầu tiên thí điểm nên chỉ làm thí điểm từ đơn giản đến phức tạp. Sắp tới sẽ đánh giá chung cả nước với 6 lĩnh vực gồm 3 lĩnh vực cấp huyện cấp giấy sử dụng đất, giấy phép xây dựng và chứng minh thư nhân dân, đăng kí hôn, giấy khai sinh và chứng thực …đây là những lĩnh vực có nhiều giao dịch, ông Dĩnh cho biết thêm
Ông Dĩnh cũng thừa nhận, đo lòng sự hài lòng của người dân đối với cơ quan tổ chức hành chính sẽ do Bộ Nội vụ thực hiện với 6 chỉ tiêu. Trên cở sở chỉ số Bộ Nội vụ ban hành, các tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể để sẽ triển khai trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, tại khu vực dân trí cao cũng cho kết quả hài lòng chênh lệch so với vùng dân trí thấp, bởi người dân tại khu vực thành thị có yêu cầu chất lượng dịch vụ công cao hơn so với khu vực nông thôn, miền núi.
Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ công chức là khâu yếu nhất mà trong các chương trình cải cách hành chính vừa qua chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu, ông Dĩnh nhấn mạnh.
Trước câu hỏi số mẫu ít khó đảm bảo độ tin cậy của kết quả điều tra?!, Thứ trưởng chia sẻ: Việc làm bao nhiêu mẫu còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí thực hiện.