+Aa-
    Zalo

    Chen nhau đi "chợ trời" tranh mua cái... tâm linh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khó có thể hình dung được rằng, trong các địa chỉ văn hoá tâm linh ấy, cảnh bát nháo, ồn ào diễn ra như ở... chợ trời.

    (ĐSPL) - Mới vào đầu tháng Giêng năm Ất Mùi 2015 nhưng các lễ hội ở phía Bắc đã thu hút số lượng khổng lồ khách thập phương.

    Tại các lễ hội, sự lộn xộn, mất trật tự, nhếch nhác và “chặt chém” vô tội vạ khiến không chỉ các phương tiện truyền thông lên tiếng mà ngay cả các nhà quản lý cũng phải thừa nhận. Khó có thể hình dung được rằng, trong các địa chỉ văn hoá tâm linh ấy, cảnh bát nháo, ồn ào diễn ra như ở... chợ trời.

    Phe vé đông như... kiến

    Đầu năm đi lễ hội cầu may là thói quen của người Việt. Tuy nhiên vài năm gần đây, nhiều người ngán ngẩm khi đến các lễ hội và mục sở thị những góc khuất ở những chốn linh thiêng này. Khuyết điểm lớn nhất thuộc về ban tổ chức tại hàng loạt lễ hội như lễ hội chùa Hương, hội Gióng, lễ hội Yên Tử, lễ khai ấn đền Trần, lễ hội Bà Chúa Kho, chợ Viềng, hội Lim... chính là không tính toán được lượng người quá đông đổ về dự hội, dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất trật tự, chen lấn xô đẩy, thậm chí có nơi giẫm đạp lên nhau, gây ấn tượng xấu về lễ hội.

    Cũng chính vì đổ tại lượng khách quá tải khiến ban tổ chức khó kiểm soát dẫn đến các tệ nạn phát sinh trong lễ hội, điển hình nhất là chuyện “chặt chém” vòi tiền khách. Lễ hội chùa Hương, giá vé trông giữ xe máy, ô tô bị đội lên vô lý đến mức 50.000 đồng/xe ô tô 4 chỗ. Nạn chủ đò vòi tiền khách cả trăm ngàn đồng mỗi người dù khách đã mua cả vé thắng cảnh và tiền đò. Đồ ăn, thức uống ở chùa Hương mọi năm đã cao, năm nay các chủ hàng càng thi nhau đẩy giá lên để “chặt chém” khách.

    Lễ hội đền Gióng 2015 vừa qua đã xảy ra một trận "hỗn chiến" gây phản cảm giữa chốn linh thiêng. Khi kiệu hoa tre mới chỉ vào tới đền Thượng (tới đền Hạ mới kết thúc nghi lễ) thì bất ngờ bị hàng chục thanh niên thiếu ý thức xông vào cướp để lấy may. Các thanh niên này thậm chí còn dùng gậy để vụt vào đội bảo vệ kiệu, chen lấn xô đẩy cả người già, trẻ nhỏ không thương tiếc. Gặp phải những người phá đám, đoàn khiêng kiệu ra sức bảo vệ kiệu và chống trả lại các thanh niên thiếu ý thức, gây nên một khung cảnh hỗn loạn.

    "Hỗn chiến" ở lễ hội Gióng.

    Ở khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám diễn ra tình trạng phe vé hoạt động công khai. Nhiều người phải chờ cả giờ đồng hồ mới mua được vé vào cửa. Vì thế các tay vé chợ đen này lợi dụng để tăng giá. Vé vào cửa được ban quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám bán với giá 30.000 đồng/vé, trẻ em, người cao tuổi, học sinh, sinh viên được bán với giá 15.000 đồng/vé. Tuy nhiên, nhiều “phe vé” đồng loạt bán với mức giá 40.000 – 50.000 đồng/vé. Để dễ hoạt động, các “cò” thường kiêm luôn vai người bán vàng mã, bán hương hoặc giả làm khách tham quan trà trộn vào đám đông. Theo ví von của du khách, phe vé ở Văn Miếu đông như... kiến. Mỗi “cò” thường ôm một xấp vé, áp sát du khách đang mệt mỏi xếp hàng, hoặc những người mới bước chân vào cổng để “gạ” du khách.

    Hơn nữa, việc biến tướng dịch vụ cho chữ ồn ào ở Văn Miếu như một cái chợ đã khiến nhiều nhà văn hoá giật mình. Một số “ông đồ” được ngồi ở trong Văn Miếu này là những người được ban tổ chức trực tiếp liên hệ hoặc được tiến cử, bao gồm ban giám khảo, các giảng sư Hán Nôm, thư pháp, những người được đánh giá tốt về chuyên môn, hoặc đôi khi cũng nhờ... quan hệ quen biết. Vì thế, dù là người tài giỏi đến đâu mà một ngày viết cho cả trăm khách thì cũng thành... máy hết. Người xin chữ cũng chỉ coi chữ nghĩa như cái bùa cầu may, không mấy ai coi trọng thực sự nên nhiều khi ông đồ cũng... nhẹ tênh khi viết sai cả chữ Hán Nôm. Nhiều ông đồ cho chữ ở hồ Văn đã được ban tổ chức “du di” vớt đến lần thứ 3 để một số ông đồ không biết nhiều về chữ Hán vẫn được tiếp tục hành nghề.

    Phe vé "gạ" du khách mua vé vào Văn Miếu.

    Cuồng tín

    Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình - Giám đốc trung tâm Dư luận xã hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Hiện nay, nhu cầu đi chùa, đi hội của cộng đồng, các nhóm xã hội ngày càng tăng lên và xu hướng đó có vẻ phát triển quá đà. Theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta hiện có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ khác nhau về mặt quy mô nhưng đều có sự trùng lặp, gần giống nhau về nội dung buổi lễ cũng như các hoạt động ăn theo. Một bộ phận người dân đi trẩy hội đầu năm rải tiền vô tội vạ. Họ nghĩ tiền là phương tiện “giao tiếp” với các lực lượng siêu nhiên ư? Theo tôi, điều đó vô nghĩa, chẳng mang lại điều gì cả. Đừng mơ hồ mà tin rằng càng tung ra nhiều tiền bạc để “giao tiếp” với thánh thần thì càng được nhiều lợi lộc. Mặc cả với thần thánh đang là thói quen xấu của người Việt...”.

    Bày tỏ thái độ về quan niệm nhiều người cuồng tín khi tham gia các lễ hội, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Huỳnh Ngọc Thơm chia sẻ: “Nhiều người dân hiện nay chưa có sự hiểu biết đầy đủ về văn hoá tâm linh. Thế nên mới có chuyện họ tự sáng tác ra thêm theo kiểu trần sao âm vậy. Nếu làm những hành vi tiêu cực như gây gổ, bắt chẹt giá vé, đốt vàng mã lãng phí... ở chốn tôn nghiêm thì thực sự là sự giật lùi của xã hội. Rõ ràng khi người ta mất đi lòng tin ở cuộc sống thực thì họ đặt niềm tin vào lực lượng khác kỳ vĩ, siêu nhiên hơn với sức mạnh vô biên để hy vọng được giúp đỡ. Nhưng nếu chỉ chăm chăm đi chùa cầu cúng mà không làm việc thiện, không có lối sống văn minh, lịch thiệp, luôn lười biếng thì chẳng thần thánh nào có thể giúp đỡ được... Thực chất, đi chùa cầu an là sự an ủi về tinh thần, tâm linh, chứ phật và thánh không phải là ông bụt để biến không thành có...”.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội – đơn vị quản lý khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Chúng tôi đã nắm được tình hình có chuyện “phe vé” ở Văn Miếu và đang có kế hoạch để quản lý việc bán vé này. Bên cạnh đó, Sở còn làm việc với bảo vệ và công an phường Văn Miếu phát hiện và ngăn chặn “cò” vé. Năm nay là lần đầu tiên Sở phối hợp với trung tâm UNESCO để tuyển chọn ông đồ đối với người viết chữ cả trong Văn Miếu và ngoài hồ Văn, vì vậy không tránh khỏi sự chưa hài lòng của khách thập phương. Sang năm, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để thi tuyển ông đồ kỹ càng hơn. Giá vé vào cửa đẩy lên 30.000 đồng là theo chủ trương của UBND TP. Hà Nội và Thông tư 02 của bộ Tài chính có hiệu lực từ đầu năm 2014. Vì thế không có chuyện ban quản lý Di tích Văn Miếu tự nâng giá vé ở đây...”.

    Không khí lên chùa lễ Phật ở Nam Bộ: Đông đúc nhưng không kệch cỡm

    Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, vào những ngày đầu năm Ất Mùi, người dân các tỉnh, thành phía Nam cũng đi chùa lễ Phật. Tuy nhiên, các hoạt động này lại được sắp xếp linh hoạt, không cố định thời gian cũng như không gian văn hóa trải dài khắp các tỉnh thành nên ít khi xảy ra tình trạng chen lấn, xô bồ, gây mất trật tự. Những địa điểm viếng chùa lễ Phật thu hút nhiều khách là chùa Bà - núi Bà Đen (Tây Ninh), Chùa Bà (Bình Dương), đền Bà Chúa Xứ (An Giang),...

    Theo PGS.TS.Phan An (Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ), văn hóa Nam Bộ đa dạng, phong phú về tín ngưỡng và tôn giáo nhưng tất cả đều hội tụ một điểm chung là mong ước bình an trong năm. Những ngày đầu năm mới, người dân thường tìm đến đình, chùa... để cầu mong tài lộc, bình an. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để những kẻ hám lợi bày trò mê tín dị đoan để “móc túi” người nhẹ dạ, cả tin.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chen-nhau-di-cho-troi-tranh-mua-cai-tam-linh-a85424.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan