(ĐSPL) - "Trước mắt Sở VHTT&DL tôn trọng quan điểm và đồng tình với cách xử lý của UBND huyện Sóc Sơn”, ông Tô Văn Động cho biết về vụ "hỗn chiến" tại lễ hội đền Gióng.
Sở VHTT&DL Hà Nội lên tiếng
Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: Đến chiều ngày 26/2, Sở VHTT&DL đồng thời nhận được hai văn bản báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn và bản kết luận phối hợp kiểm tra của giữa Sở, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an TP Hà Nội xung quanh cuộc hỗn chiến ở hội Gióng gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua.
Cả hai văn bản trên đều thống nhất quan điểm có hiện tượng tranh giành, hỗn loạn khi cướp giò hoa tre tại Hội Gióng, nhưng không có yếu tố gây mất trật tự an ninh, và chưa đến mức phải xử lý về mặt pháp lý. Sự việc báo chí phản ánh chỉ là xô xát giữa đội bảo vệ kiệu hoa tre và những thanh niên cướp kiệu hoa tre.
Tuy nhiên sự việc đã được các lực lượng chức năng can thiệp, giải tán kịp thời, không có trường hợp nào bị thương vong, không có hiện tượng ẩu đả đánh nhau.
Ngay sau khi xảy ra sự việc trên, Ban tổ chức lễ hội đã họp và rút kinh nghiệm và sẽ chỉ đạo những lễ hội lần sau tốt hơn. UBND huyện Sóc Sơn cũng xin được rút kinh nghiệm và nghiêm khắc phê bình, nhắc nhở những trường hợp hơi “quá tay” của đội bảo vệ kiệu hoa tre.
Bày tỏ quan điểm của ngành văn hóa đối với sự việc trên, ông Tô Văn Động cho rằng: Khi xảy ra đánh nhau là trách nhiệm xác minh, xử lý vụ việc là của bên an ninh, ngành văn hóa chỉ phối hợp để làm rõ hơn sự việc.
"Trước mắt Sở VHTT&DL tôn trọng quan điểm và đồng tình với cách xử lý của UBND huyện Sóc Sơn. Nếu nặng nề hóa sự việc này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề lễ hội nói chung”, ông Tô Văn Động cho biết.
Có xô xát, không có ẩu đả, đánh nhau
UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã chính thức có công văn gửi các cơ quan báo chí về vụ việc “xô xát” tại lễ hội Gióng vừa qua khiến dư luận xôn xao.
Công văn cho biết: Tục “cướp lộc” là một trong những nghi thức lâu đời của lễ hội. “Trong đoàn rước có một số thanh niên cầm gậy bảo vệ kiệu, khi khiêng kiệu do đoàn người vào xem hội đông gây ra xô đẩy, một số người bảo vệ bị ngã, dẫn tới xô xát.
Sự việc đã được các lực lượng chức năng can thiệp, giải tán kịp thời, không có trường hợp nào bị thương, không có hiện tượng ẩu đả đánh nhau.
Công văn của UBND huyện Sóc Sơn. |
Tuy nhiên, vẫn còn một số hình ảnh phản cảm trong tục “cướp lộc”. Ngay sau khi xảy ra hiện tượng xô đẩy tại nơi diễn ra lễ hội, Ban chỉ đạo lễ hội của huyện đã tổ chức họp với các lực lượng, rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo các lực lượng tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội.
Được biết, tại lễ hội xuân Ất Mùi này, kiệu giò hoa tre đã được rước vào làm lễ ở đền Thượng, nơi thờ Đức Thánh Gióng rồi rước xuống đền Hạ tất lễ rồi mọi người mới cướp lộc. Tuy nhiên, theo UBND huyện Sóc Sơn không có sự việc các thanh niên gây hỗn loạn.
Trước đó, ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội, người trực tiếp dự lễ hội cũng khẳng định không có đánh nhau hay hỗn chiến.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng câu trả lời của các ngành chức năng là chưa thực tế so với các hình ảnh ghi nhận được. Nhiều người hài hước đặt câu hỏi rằng, chắc họ tự lao đầu vào gậy...?
Vì sao mọi người thích cướp lộc?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kiệu giò hoa tre rất quan trọng và luôn được rước đầu tiên trong lễ hội đền Sóc. Giò hoa tre tượng trưng cho cây gậy của Thánh Gióng.
Giò hoa tre được làm từ hàng trăm hoa tre kết lại bằng cách cắm vào thân một cây chuối cao làm trụ, cũng làm ta liên tưởng đến bó lúa vàng rực, thể hiện sự ấm no, mùa màng bội thu.
Theo quan niệm của người dân địa phương thì tất cả các loài hoa đều có ong bướm, sâu bọ, chỉ riêng hoa làm từ cây tre này là tinh khiết. Chính vì vậy, vào ngày lễ, dân làng Vệ Linh được làm giò hoa tre để tiến thánh. Kiệu giò hoa tre thường được bảo vệ rất nghiêm để thể hiện sự tôn nghiêm đối với lễ vật dâng Đức Thánh Gióng.
Cảnh rước tại lễ hội Gióng. |
Chỉ khi cúng lễ xong ở đền Thượng và đền Hạ thì những giò hoa tre mới thực sự có giá trị là “lộc Thánh” theo tín ngưỡng. Còn khi chưa cúng xong thì giò hoa tre không được gọi là “lộc Thánh”.
Từ lâu, tục “cướp lộc” là một trong những nghi thức diễn ra sau màn rước kiệu bởi nhiều người quan niệm cướp được giò hoa tre thì sẽ may mắn và thường đem về đặt trên bàn thờ đến cuối năm mới hoá. Theo nghi thức thì kiệu giò hoa tre được trình ở đền Thượng, rồi rước xuống đền Hạ cúng xong thì sẽ tán lộc cho du khách.
Tuy nhiên, do hiểu biết của nhiều người còn hạn chế nên có thể sẵn sàng “cướp lộc” khi kiệu rước chưa được tất lễ. Cũng giống như việc cúng lễ trước bàn thờ tổ tiên ở nhà, nếu khi ta chưa cúng mà đã bị ăn vụng, ăn trước là thể hiện sự bất kính. Vì vậy mà có thể dẫn tới xô xát để bảo vệ đồ lễ.