(ĐSPL) - Liên quan tới "hỗn chiến" trong lễ hội đền Gióng, UBND huyện Sóc Sơn khẳng định tục cướp kiệu hoa tre là một nội dung trong lễ hội, trong khi nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng đây là ẩu đả.
Video lễ hội đầu năm: Lại vác gậy đập nhau ở hội đền Gióng
Sáng ngày 26/2, UBND huyện Sóc Sơn đã gửi báo cáo chính thức do Chủ tịch UBND huyện Vương Văn Bút ký về sự việc hỗn loạn tại hội Gióng được cho là diễn ra vào sáng ngày 24/2 lên Sở VH-TT&DL Hà Nội.
Trong báo cáo khẳng định, tục cướp kiệu hoa tre là một nội dung trong lễ hội đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Trong khi đó, việc tranh giành hỗn loạn trong lễ hội đã được phản ánh mặc dù là có thật nhưng chưa nghiêm trọng cần phải xử lý về mặt pháp lý.
Báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn nêu rõ: “Việc một số tờ báo nêu có hiện tượng thanh niên đua nhau cướp lộc đầu năm tại lễ hội Gióng gây hỗn loạn là không khách quan, không đúng với bản chất của sự việc. Tục cướp kiệu hoa tre là một trong những nghi thức lâu đời của lễ hội.
Trong đoàn rước có một số thanh niên cầm gậy bảo vệ kiệu, khi khiêng kiệu do đoàn người vào xem hội đông gây ra xô đẩy, một số người bảo vệ bị ngã, dẫn tới xô xát. Tuy nhiên sự việc đã được các lực lượng chức năng can thiệp, giải tán kịp thời, không có trường hợp nào bị thương vong, không có hiện tượng ẩu đả đánh nhau. Ngay sau khi xảy ra sự việc trên, BTC lễ hội đã họp và rút kinh nghiệm và sẽ chỉ đạo những lễ hội lần sau tốt hơn”.
Cảnh hỗn loạn diễn ra tại lễ hội đền Gióng 2015. |
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn, ông Đoàn Văn Sinh cũng giải thích về vấn đề này, vị cán bộ này cho biết, nghi thức tranh cướp lộc đầu năm đã tồn tại từ rất lâu đời, đã gọi là "cướp" lộc thì không có chuyện xếp hàng ngay ngắn mà tất yếu phải xảy ra tranh giành, tuy nhiên không có chuyện "hỗn chiến" ở lễ hội đền Gióng Sóc Sơn.
Trước đó, vào ngày 24/2 (tức mùng 6 tết Nguyên đán) lễ hội Gióng Sóc Sơn chính thức diễn ra tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thống, lễ hội sẽ được diễn ra trong ba ngày (từ mùng 6 tới mùng 8 Âm lịch) với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang - tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc.
Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may.
Chính trong nghi lễ này, xuất hiện một video cho thấy trong lễ hội đền Gióng đã xảy ra tình trạng vô cùng lộn xộn. Khi kiệu hoa tre mới chỉ vào tới đền Thượng (tới đền Hạ mới kết thúc nghi lễ) thì bất ngờ bị hàng chục thanh niên xông vào cướp để lấy may.
Các thanh niên này thậm chí còn dùng gậy để vụt vào đội bảo vệ kiệu, chen lấn xô đẩy cả người già, trẻ nhỏ không thương tiếc.
Gặp phải những người phá đám, đoàn khiêng kiệu ra sức bảo vệ kiệu và chống trả lại các thanh niên thiếu ý thức, tạo nên một khung cảnh hỗn loạn.
Sau khi xem đoạn video, rất nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng đây là một cuộc ẩu đả chứ không phải chỉ đơn thuần là tranh cướp lộc.
Trả lời PV báo Đời sống & Pháp luật, Giáo Sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam nhận định: "Đây là một cuộc đánh nhau thực sự chứ không còn là phong tục nữa rồi. Hình ảnh người dân đánh đoàn rước kiệu, đoàn bảo vệ kiệu đánh lại là hành động phản cảm".
Dẫn lời trên báo Trí thức trẻ, GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (ĐHQG-HCM) cũng cho biết: “Chuyện xin lộc, lấy lộc để cầu may, cầu phước tại các lễ hội dưới hình thức phát hoặc cướp là chuyện bình thường. Nhưng chuyện xảy ra ở đền Gióng ngày 24/2 mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh, tôi thấy không bình thường chút nào”
Cách thức cho phép là khi hoa tre được tung ra thì người tham dự sẽ ùa vào “cướp”, nhưng chỉ là “cướp” những lộc còn “vô chủ”. Người không “cướp”được hoa tre nào sẽ phải chấp nhận mình là người không may mắn trong năm đó
Bên cạnh việc cướp lộc, ở các lễ hội có thể tổ chức đua tài (như đấu vật, đấu võ), nhưng không có phong tục của một lễ hội truyền thống nào lại cho phép ai đó tranh cướp lộc từ trên tay của người khác. Càng không thể cho phép dùng gậy đánh những người mặc áo đỏ đang làm nhiệm vụ để giành lấy lộc.
Nhất là khi kiệu hoa tre mới chỉ tới đền Thượng, chưa tới đền Hạ. Nếu nghi lễ chưa kết thúc, các vật phẩm chưa được tung ra thì chúng sẽ chưa có tính thiêng và do vậy chưa thành “lộc”!.
Việc ẩu đả xô xát rõ ràng là thuộc về phạm trù an toàn, an ninh lễ hội. Sự việc xảy ra cho thấy Ban tổ chức lễ hội đã chưa dự kiến hết sự phức tạp và những công việc cần làm để đảm bảo sự ổn định, an toàn cho lễ hội và những người tham dự”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giảng viên khoa Văn học (ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN) Nguyễn Hùng Vỹ cũng đồng quan điểm: “Trong lễ hội đền Gióng có tục cướp hoa tre. Tục này có từ xưa, nó cũng như nhiều tục cướp vật tế ở nhiều lễ hội khác.
Tuy nhiên, ngày nay, các tục cướp này đã bị lạm dụng và biến thái tiêu cực, bất thường. Biến thái rõ ràng nhất là phát triển theo xu hướng bạo lực.
Tục cướp để cầu may trở thành các cuộc hỗn chiến cuồng nộ. Các "hung khí" như gậy gộc đã được dùng đến, mục tiêu là gây thương tích cho những người hành lễ và cho cả người tham gia lễ hội và đạt mục tiêu cướp hoa cho mình.
“Không chỉ là bất thường mà còn là hành vi gây mất trật tự an ninh xã hội. Mỗi lễ hội trong sự bảo tồn truyền thống còn phải phù hợp với điều kiện xã hội và phải phát huy yếu tố thuần phong mĩ tục và đặc biệt là phải thượng tôn pháp luật.
Mất trật tự an ninh là vi phạm pháp luật. Tâm lí xã hội hiện nay dễ bùng phát hành vi bạo lực” – chuyên gia Nguyễn Hùng Vỹ chia sẻ.
“Không được để tình trạng bạo lực đó tái diễn trong lễ hội. Tâm lí xã hội không phải thời nào cũng như thời nào. Có thứ ngày xưa làm thì hiền hoà vui vẻ, nay làm thì bất ổn tranh giành.Trên thế giới người ta nghiên cứu nhiều về việc chống bùng phát bạo lực trong sinh hoạt cộng đồng, chúng ta cần nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng để vấn đề phát huy phát triển di sản văn hoá chân thiện mĩ hơn” – chuyên gia Vỹ nhấn mạnh.