(ĐSPL) – Đám người cầm gậy lao vào vụt nhau tại lễ hội đền Gióng, vị Phó chủ tịch UBND huyện cho rằng, sự việc trên là bình thường, là phong tục của hội.
Xem Video:
Tranh cãi nảy lửa ẩu đả hay không ẩu đả?
Những ngày qua, video quay lại cuộc “hỗn chiến” trong lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn) đã gây xôn xao dư luận. Từ các chuyên gia văn hóa tới các đại diện ban tổ chức, lãnh đạo huyện đều lên tiếng.
Ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, sự việc trên là bình thường, bởi đây là phong tục của hội.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi cũng cho hay: “Tôi và các Thứ trưởng Văn hóa, Thứ trưởng Giao thông có mặt ở hội Gióng rất lâu nhưng không thấy hỗn chiến, đánh nhau nào. Những người cầm gậy chỉ là dân làng đi bảo vệ kiệu”.
Hỗn chiến ở hội đền Gióng. |
Tuy nhiên, trái ngược với những gì đại diện nơi tổ chức lễ hội cho rằng cuộc hỗn chiến tại lễ hội đền Gióng chỉ đơn thuần là “phong tục”, các chuyên gia văn hóa đều khẳng định hành động tranh cướp là “ẩu đả” và không bình thường chút nào.
Giáo Sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam nhận định: "Đây là một cuộc đánh nhau thực sự chứ không còn là phong tục nữa rồi. Hình ảnh người dân đánh đoàn rước kiệu, đoàn bảo vệ kiệu đánh lại là hành động phản cảm".
Giải thích rõ ràng hơn, PGS. TS Lê Trung Vũ - Viện Văn hóa dân gian cho biết trên Tuổi trẻ: "Tục cướp hoa tre ở hội Gióng chỉ là việc giằng lấy hoa tre, ai lấy được thì chạy đi, chứ tuyệt đối không có hiện tượng người này đánh người khác để cướp lấy hoa tre. Sự việc đánh nhau để cướp hoa tre là sai với tục lệ truyền thống”.
“Hỗn chiến” là tại cái gậy?
Tuy nhiên, lời giải thích của phía đại diện ban tổ chức và địa phương diễn ra lễ hội đền Gióng rằng “hỗn chiến” chỉ đơn thuần là phong tục cũng khiến không ít người liên tưởng tới cách biện giải những vụ việc đánh nhau vừa xảy ra cách đây ít lâu.
Như câu chuyện Chánh thanh tra Sở Y tế Kon Tum Nguyễn Đức Hoàng cầm cán cuốc bổ vào đầu hàng xóm khi tranh chấp đất đai. Một đoạn clip do người dân dùng điện thoại ghi lại cho thấy, trong lúc hai bên gia đình xảy ra xô xát, ông Hoàng cầm một cán cuốc dài khoảng 1,5m rượt và bổ vào đầu hàng xóm khiến người này bị chảy máu.
Sự việc là thế, song theo giải trình của ông Hoàng là do ông này tự va đầu vào cán cuốc. Như vậy, trong sự việc này, nạn nhân là cái cuốc chứ không phải người hàng xóm.
Hay gần đây nhất là vụ việc Phó Giám đốc Sở Nội vụ và Ngoại vụ tỉnh Bình Phước xô xát với nhau ở quán Karaoke. Theo đó, chiều 11/8/2014, sau buổi tổng kết khóa học chuyên viên chính dành cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, ông Phạm Thành Chung - Phó giám đốc Sở Nội vụ tiếp khách ở một quán karaoke, thì ông Bùi Quốc Khánh - PGĐ Sở Ngoại vụ vào phòng mời bia.
Sau đó cả hai có lời qua tiếng lại, ông Chung kêu ông Khánh ra khỏi phòng. Một lát sau ông Khánh vào gặp ông Chung rồi xảy ra xô xát. Các cán bộ tham gia tiếp khách cho biết ông Khánh đã dùng ly bia đánh ông Chung khiến ông Chung bị thương ở đầu.
Câu chuyện là thế, nhưng cả hai vị lãnh đạo này đều cho rằng, do đầu ông nọ tự va vào làm vỡ ly bia của ông kia. Mọi người trong phòng "nhầm lẫn" tưởng đánh nhau nên can ngăn. Theo giải trình này, nạn nhân không phải là cái đầu của hai ông mà lại là ly bia.
Vậy thì với mô típ giải trình này, nguyên nhân khiến các thanh niên tại đền Gióng tranh giành, đánh nhau ngoài lý do phong tục, có khi còn là vì tại... cái gậy. Ai bảo nó xuất hiện không đúng lúc, rơi vào hết người này tới người khác (!)
Lễ hội Gióng Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày (từ mùng 6 tới mùng 8 Âm lịch) với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang - tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chính trong nghi lễ này ở lễ hội đền Gióng năm nay đã xảy ra một trận "hỗn chiến" vô cùng lộn xộn. Khi kiệu hoa tre mới chỉ vào tới đền Thượng (tới đền Hạ mới kết thúc nghi lễ) thì bất ngờ bị hàng chục thanh niên thiếu ý thức xông vào cướp để lấy may. Các thanh niên này thậm chí còn dùng gậy để vụt vào đội bảo vệ kiệu, chen lấn xô đẩy cả người già, trẻ nhỏ không thương tiếc. Gặp phải những người phá đám, đoàn khiêng kiệu ra sức bảo vệ kiệu và chống trả lại các thanh niên thiếu ý thức, tạo nên một khung cảnh hỗn loạn. |