+Aa-
    Zalo

    “Chảy máu” tài nguyên Vườn Quốc gia Yok Đôn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hiện nay, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) đang gặp nhiều thách thức bởi sự tác động và tàn phá một cách vô ý thức của con người.

    Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) có tổng diện tích 115.545 ha, trong đó hệ thống rừng khộp chiếm 93\% diện tích. VQG Yok Đôn là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất cả nước với nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm. Thế nhưng, hiện nay vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia đang gặp nhiều thách thức bởi sự tác động và tàn phá một cách vô ý thức của con người.

     “Xẻ thịt” Vườn Quốc gia Yok Đôn

    Vườn Quốc gia Yok Đôn mang trong mình nét đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á, điều kiện khí hậu thích hợp cho hàng trăm loại động và thực vật có giá trị. Theo khảo sát của các nhà khoa học, Yok Đôn hiện có khoảng 489 loài động vật thuộc 54 họ, 16 bộ; trong đó với 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và khoảng 100 loài côn trùng sinh sống. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của khu vực Đông Dương thì Yok Đôn có đến 36 loài và 17 loài được ghi trong sách đỏ thế giới như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng…Hệ thực vật cũng vô cùng phong phú và đa dạng với 858 loài thuộc 129 họ, trong đó có tới 116 loài (chiếm 14\%) cho gỗ với giá trị kinh tế cao như: trắc, cà te, cẩm lai, giáng hương, chiêu liêu đen... Ngoài ra, còn có hơn 100 loài cây làm thuốc, hàng chục loài làm cảnh và cung cấp nguyên liệu đan lát, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm.

    “Chảy máu” tài nguyên Vườn Quốc gia Yok Đôn

    Hệ sinh thái Vườn Quốc gia Yok Đôn vô cùng đa dạng và phong phú. Ảnh: T.M       

    Tài nguyên của Vườn mang lại nguồn lợi lớn đến như vậy nên không thể thoát khỏi sự lộng hành của lâm tặc. Bằng các thủ đoạn khai thác ngày một tinh vi, phức tạp đã khiến cho nhiều cây gỗ có giá trị, động vật quý hiếm suy giảm rất nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ biến mất. Điển hình như trong tháng 3/2013, lực lượng kiểm lâm cơ động đã phát hiện 17 hộp gỗ hương với khối lượng gần 1,8 m3 tại tiểu khu 492 của VQG được các lâm tặc khai thác trái phép và cất giấu chờ cơ hội vận chuyển ra khỏi rừng. Trước đó, đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp và Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng đã phát hiện 191 lóng gỗ từ nhóm II đến nhóm VI không rõ nguồn gốc, có tổng khối lượng gần 149 m3 tại tiểu khu 245, nằm dọc 2 bên đường 14C đi qua Vườn Quốc gia Yok Đôn, trong đó chủ yếu là gỗ căm xe, bằng lăng, chiêu liêu.

    Hệ thống động vật Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng đang “chịu” chung cảnh ngộ. Trước sở thích sưu tập thú “độc” của nhiều đại gia. Giá trị của các loài động vật như đại bàng, khỉ đỏ đít, sáo, sừng tê giác, ngà voi…đã khiến nhiều người dân “mờ mắt” tìm mọi cách săn lùng, tận diệt để thu lợi nhuận. Để lấy được ngà và hộp sọ mà 2 con voi rừng khoảng 22 - 25 tuổi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn đã bị sát hại trong tháng 8/2012. Ngay cả chiếc vòi cũng bị “kẻ xấu” cắt đứt rời. Khai thác theo kiểu tận diệt như vậy khiến cho một số loài động vật có tên trong Sách đỏ thế giới từng xuất hiện ở Yok Đôn đến nay đã vắng bóng như bò xám, bò tót, trâu rừng, sói đỏ…

    “Chảy máu” tài nguyên Vườn Quốc gia Yok Đôn

    Rừng Khộp chiếm 93\% diện tích. Ảnh: T.M

     Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2013, Vườn Quốc gia Yok Đôn đã phát hiện và xử lý 27 vụ khai thác gỗ trái phép; 378 vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ gỗ; 7 vụ săn bắn, bẫy, bắt động vật hoang dã. Có thể khẳng định rằng, nếu không sớm có sự can thiệp kịp thời, không sớm có cơ chế xử lý phù hợp cùng sự kiểm soát chặt  chẽ trong quản lý, bảo vệ thì hệ sinh thái Vườn Quốc gia Yok Đôn sẽ nhanh chóng bị phá vỡ.                                    

    Thách thức trong việc bảo tồn

    Theo nhận định của Phó Chủ tịch tỉnh Đinh Văn Khiết: “Mất hệ sinh thái rừng khộp – kiểu rừng thưa lá rộng, sẽ không còn là Tây Nguyên”. Chính vì thế, việc bảo vệ, bảo tồn rừng khộp trước áp lực phát triển kinh tế, xã hội hiện nay càng trở nên thách thức không chỉ đối với các cơ quan chức năng, nhà khoa học mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Bởi sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia là tài nguyên vô giá của cả nước.

    “Chảy máu” tài nguyên Vườn Quốc gia Yok Đôn

    Bảo vệ tài nguyên Vườn Quốc gia Yok Đôn đang gặp nhiều thách thức bởi nạn chặt phá rừng. Ảnh: T.M

    Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam bày tỏ: “Để bảo tồn những loài cây dược liệu trong vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Đôn, bên cạnh việc nghiêm ngặt bảo vệ rừng, giúp đỡ, giao đất để bà con trong vùng định canh định cư ổn định địa bàn canh tác, chúng ta phải hướng dẫn vận động họ thu, hái một cách khoa học. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện giúp người dân trồng và nhân rộng các loài cây thuốc tại gia đình, ven rừng để bảo đảm cho cây tái sinh, sinh trưởng, phát triển tốt, giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá này. Địa phương cũng cần có kế hoạch khai thác, bảo vệ, nhân nuôi để phát triển thành nơi cung cấp nguồn dược liệu, hương liệu cho cả nước và xuất khẩu, đồng thời cải thiện đời sống cho bà con nông dân”.

    Trong buổi Hội thảo Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột vào tháng 10/2013, các đại biểu tham dự đã tập trung vào vấn đề khẩn thiết cứu lấy hệ sinh thái rừng khộp ở Tây Nguyên. Trao đổi về thực trạng rừng khộp đang bị khai thác không hợp lý và thiếu khoa học làm giảm diện tích và đa dạng sinh học, đồng thời khiến không ít các loài đặc hữu quý hiếm như: heo vòi, bò xám…dần biến mất, các đại biểu cho rằng phải áp dụng các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn kịp thời những hoạt động có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái rừng khộp. Tiến sĩ Vũ Văn Dũng (Viện Điều tra và quy hoạch rừng) bày tỏ ý kiến: “Bảo vệ được Vườn Quốc gia Yok Đôn là bảo vệ được hệ sinh thái rừng khộp của Đông Nam Á và Việt Nam. Muốn làm tốt chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân ở vành đai rừng để họ yên tâm sinh sống và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về vai trò và lợi ích của rừng. Bên cạnh đó, phải có quy định chặt chẽ  và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để làm gương cho mọi người. 

    “Chảy máu” tài nguyên Vườn Quốc gia Yok Đôn

    Bảo vệ tài nguyên Vườn Quốc gia Yok Đôn đang gặp nhiều thách thức bởi nạn chặt phá rừng và săn bắt động vật trái phép. Ảnh: T.M

    Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT Đỗ Trọng Kim thì tình trạng phá rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn đã đến mức báo động đỏ! Do đó, hơn lúc nào hết, đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, Vườn Quốc gia Yok Đôn đang rất cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng để sự đa dạng sinh học được bảo tồn theo thời gian.

     C.P (theo TN&MT)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chay-mau-tai-nguyen-vuon-quoc-gia-yok-don-a22892.html
    Tây Nguyên: Khai thác tràn lan tài nguyên khoáng sản

    Tây Nguyên: Khai thác tràn lan tài nguyên khoáng sản

    Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở các tỉnh Tây Nguyên đã từng bước được tăng cường. Tuy nhiên, hiện nay công tác này vẫn còn vướng một số bất cập, hạn chế. Đó là, tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật như vàng sa khoáng, đá quý, đá chẻ, cát xây dựng…, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn triệt để.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tây Nguyên: Khai thác tràn lan tài nguyên khoáng sản

    Tây Nguyên: Khai thác tràn lan tài nguyên khoáng sản

    Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở các tỉnh Tây Nguyên đã từng bước được tăng cường. Tuy nhiên, hiện nay công tác này vẫn còn vướng một số bất cập, hạn chế. Đó là, tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật như vàng sa khoáng, đá quý, đá chẻ, cát xây dựng…, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn triệt để.