(ĐSPL) - Giới chức châu Âu đã thở phào khi kết quả kiểm phiếu ở Scotland cho thấy đa số người dân nói “không” với việc tách khỏi Vương quốc Anh.
Nhiều quan chức châu Âu lo ngại, nếu người dân Scotland chọn độc lập, đó sẽ là cơn địa chấn đối với châu lục. Vì vậy, vui mừng là không khí bao trùm trong lúc này. Trong khi đó, người dân Scotland có tâm trạng đan xen giữa niềm vui và sự tiếc nuối.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Pia Ahrenkinde-Hansen cho biết, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso hoan nghênh kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland vì nó sẽ góp phần cho một châu Âu vững mạnh hơn.
|
Người dân vui mừng vì Scotland vẫn sẽ ở lại Vương quốc Anh. |
Bà Pia Ahrenkinde-Hansen, người phát viên Ủy ban châu Âu nói: “Chủ tịch Ủy ban châu Âu đánh giá cao lựa chọn đúng đắn của cử tri Scotland trong việc duy trì thống nhất cho Liên hiệp Vương quốc Anh, đồng thời nhấn mạnh kết quả này đặc biệt có ý nghĩa và giúp thúc đẩy một EU đoàn kết, cởi mở và phát triển mạnh mẽ hơn”.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cũng cho biết EU sẽ tiến hành một cuộc "đối thoại mang tính xây dựng" với Scotland về những vấn đề quan trọng đối với tương lai của vùng đất này như việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh Ủy ban châu Âu, Chính phủ Tây Ban Nha cũng hoan nghênh kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nhấn mạnh việc lựa chọn ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh sẽ giúp Scotland tránh được những hậu quả xấu về kinh tế, xã hội và chính trị nếu độc lập.
Thủ hiến Scotland từ chức sau cuộc “ly hôn” bất thành
Thủ hiến Scotland, ông Alex Salmond đã tuyên bố từ chức, sau khi chiến dịch vận động đòi độc lập cho Scotland do ông đi đầu gặp thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua.
|
Thủ hiến Scotland, ông Alex Salmond đã tuyên bố từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý thất bại. |
Ông Salmond cũng từ chức lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP) cầm quyền mà ông đã lãnh đạo trong 20 năm.
Ông Salmond, 59 tuổi, là thủ hiến lâu năm nhất của Scotland khi giữ vị trí này kể từ khi SNP lên nắm quyền tại quốc hội Scotland vào tháng 5/2007.
Phát biểu từ nơi ở chính thức tại Bute House ở Edinburgh, ông Salmond nói với báo giới: "Đối với tôi, thời gian lãnh đạo đã kết thúc, nhưng với người dân Scotland, chiến dịch vẫn tiếp tục và giấc mơ sẽ không bao giờ chết".
Sau cuộc bỏ phiếu, những người ủng hộ việc Scotland độc lập đã tỏ rõ sự tiếc nuối, nhưng vẫn không từ bỏ hy vọng. Cô Lauren Fitch, người dân Scotland chia sẻ: “Chúng ta vừa bỏ lỡ một cơ hội rất lớn cho Scotland và tôi mong trong tương lai, Scotland có thể trở thành một quốc gia độc lập với nhiều tiếng nói và quyền lực hơn”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chau-au-tho-phao-vi-scotland-o-lai-vuong-quoc-anh-a51483.html