(ĐSPL) – Ngày 18/9 tới, người dân Scotland sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý mở ra khả năng độc lập, tách khỏi Vương quốc Anh sau 307 năm.
Ngày 18/9, người dân Scotland sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của đất nước. Kết quả của cuộc bỏ phiếu có thể chấm dứt mối lương duyên 307 năm của Scotland với Anh và xứ Wales. Một quốc gia độc lập 5,3 triệu dân từ đây có thể sẽ xuất hiện.
Vương quốc Anh có nguy cơ chia rẽ khi Scotland muốn giành độc lập. |
Các khảo sát gần đây nhất cho thấy hoàn toàn có khả năng Scotland sẽ tách khỏi vương quốc Anh và chính phủ Anh đang bày tỏ sự lo ngại đối với nguy cơ này. Hãy cùng nhìn lại những sự kiện xảy ra trong quá khứ để hiểu rõ thêm về mối quan hệ giữa Anh và Scotland.
Mối quan hệ lịch sử giữa Scotland và Anh
Năm 1602, Nữ hoàng Anh Elizabeth I qua đời mà không để lại di chúc nêu rõ người thừa kế ngai vàng tiếp theo. Kết quả là vua James I từ Scotland trở thành người lãnh đạo cả hai quốc gia, dù ở thời điểm đó, Anh và Scotland đều duy trì nền độc lập về mặt chính trị.
Đến năm 1707, các nhà lãnh đạo Scotland đã đồng ý hoàn toàn hợp nhất với Anh và hình thành Vương quốc Anh. Ở thời điểm đó, bạo động đã xảy ra trên khắp Scotland trong khi những người ôn hòa hơn thì cho rằng sự hợp nhất sẽ tạo nên điều gì đó to lớn, tốt đẹp giúp hai quốc gia trở nên mạnh mẽ hơn.
Trải qua hàng chục năm qua, người Scotland đã cố gắng thoát khỏi Vương quốc Anh. Người Anh đã nhượng bộ Scotland khi để cho khu vực này thành lập quốc hội riêng vào năm 1999. Quyết định về mặt y tế, giáo dục hay bất động sản đều do Scotland tự chủ nhưng những vấn đề kinh tế vẫn do Vương quốc Anh trực tiếp nắm quyền chỉ đạo và kiểm soát từ London.
Phong trào đòi độc lập nở rộ từ năm 2011
Người Scotland sẽ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về khả năng tách khỏi Vương quốc Anh vào ngày 18/9 tới. |
Không phải tất cả những người dân Scotland đều cảm thấy hạnh phúc với thỏa thuận này. Cho năm 2011, khi mà Đảng Dân tộc Scotland (SNP) với phong trào đòi độc lập nắm quyền kiểm soát quốc hội, nhà lãnh đạo Scotland đã mong muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.
Nhóm ủng hộ duy trì việc Scotland nằm trong Vương quốc Anh cho rằng sự chia rẽ sẽ khiến mức thuế cao hơn, khoản lương hưu bị cắt giảm và sự suy yếu về mặt quân sự. Trong khi những người muốn độc lập thì nhận định doanh thu từ dầu khí sẽ giúp Scotland tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình.
Hiện tại, khoảng 49\% người dân Scotland được hỏi cho rằng họ muốn là một phần của Vương quốc Anh trong khi 51\% người khác lại nghĩ rằng đã đến lúc phải chia rẽ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Scotland giành độc lập?
Nếu người Scotland bỏ phiếu ủng hộ tách khỏi vương quốc Anh, nước này sẽ chính thức tuyên bố độc lập vào ngày 24/3/2016.
Anh và Scotland sẽ phải đàm phán rất nhiều vấn đề chung như nợ công Scotland trong tổng nợ vương quốc Anh, việc sử dụng đồng tiền chung, di dời lực lượng hạt nhân Trident của Anh, kiểm soát biên giới… Chính phủ Scotland sẽ bắt đầu quá trình viết hiến pháp riêng.
Scotland nếu giành độc lập cũng sẽ phải đàm phán để gia nhập NATO và EU.