(ĐSPL) - Khoảng 4,3 triệu cử tri Scotland ngày 18/9 sẽ đi bỏ phiếu về việc tách khỏi Vương quốc Anh sau "cuộc hôn nhân" kéo dài 307 năm.
Theo BBC, những người đi bỏ phiếu sẽ trả lời "Có" hoặc "Không" cho câu hỏi "Liệu Scotland có nên trở thành một quốc gia độc lập?". Dự kiến sẽ có khoảng 4,3 triệu người Scotland tương đương với 97\% số người dân đăng ký đi bỏ phiếu, con số cao nhất từ trước đến nay.
4,3 triệu người dân Scotland đã sẵn sàng đi bỏ phiếu tìm kiếm độc lập. |
2.608 điểm bỏ phiếu ở Scotland đã sẵn sàng mở cửa vào ngày 18/9. Kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 19/9. Bên cạnh đó, Scotland cũng chấp nhận cho người dân bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Hiệu ứng dây chuyền nếu Scotland độc lập
Các chính trị gia Scotland đang vẽ ra viễn cảnh của một nước Scotland độc lập. Quốc gia này sẽ có số dân 5,3 triệu người – chưa bằng 1/10 so với tổng số dân của nước Anh hiện nay. Kinh tế của Scotland chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên dầu khí ở biển Bắc.
Những người đi bỏ phiếu sẽ có hai lựa chọn trả lời "Có" hoặc "Không". |
Việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh đặt ra nhiều câu hỏi về cách phân chia tài sản quốc gia, chính sách ngoại giao... Liệu Scotland có là thành viên EU hay tiếp tục ở trong NATO? Họ có tiếp tục sử dụng đồng bảng hay sẽ thiết lập tiền tệ mới? Đây là những câu hỏi đáng chú ý nhưng dư chấn quan trọng hơn cả là việc Scotland độc lập sẽ có hiệu ứng như thế nào với cả châu lục và thế giới.
Nếu Scotland độc lập, đây sẽ là vấn đề hệ trọng. Khi một khối liên hiệp tồn tại qua nhiều thế kỷ có thể bị xem xét lại thì mọi trường hợp khác đều có thể. Người ủng hộ độc lập cho Scotland lập luận họ là một dân tộc riêng và mỗi dân tộc có quyền tự quyết số phận của họ, thế nên họ sẽ chọn tách ra khỏi liên hiệp. Nhưng nếu người Scotland có quyền tự quyết thì có thể sẽ tạo nên hiệu ứng cho những khu vực khác ở châu Âu.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ Ukraine phải nhượng bộ, trao quyền tự trị cho lực lượng ly khai miền đông nhằm tranh giao tranh không đáng có.