+Aa-
    Zalo

    “Thời khắc quyết định” đối với Scotland và Châu Âu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Độc lập hay ở lại trong Vương quốc Anh, đối với người dân Scotland, cuộc trưng cầu dân ý ngày 18/9 quả là một “thời khắc quyết định”.

    (ĐSPL) - Độc lập hay ở lại trong Vương quốc Anh, đối với người dân Scotland, cuộc trưng cầu dân ý ngày 18/9 quả là một “thời khắc quyết định”.
    “Thời khắc quyết định” đối với Scotland và Châu Âu

    Thủ tướng Anh David Cameron (trái) khẩn cầu Scotland ở lại với Vương quốc Anh.

    Từ nhiều ngày qua, việc Scotland tổ chức trưng cầu dân ý đã hâm nóng làng báo Pháp và chiếm lĩnh trên hầu hết trang nhất các báo lớn số ra ngày hôm qua (18/9).
    Tờ báo phát miễn phí Direct Matin đặt câu hỏi lớn “Nếu như Scotland độc lập thì sao?”. Le Figaro cũng thắc mắc liệu “Scotland sẽ nói lời chia tay với Vương quốc Anh?”. Libération nhìn thấy “Scotland: vương quốc bị phân rã”. L’Humanité nhận định: “Tại Scotland, cơn phẫn nộ xã hội đang làm rung chuyển vương quốc”.
    Thời khắc quyết định
    Bài xã luận đăng trên nhật báo Công giáo La Croix nhận định đây sẽ là “một thời khắc quyết định cho người Scotland”. Bởi vì từ nhiều tháng qua, người dân Scotland đã tranh luận rất sôi nổi. Lượng người đăng ký tham gia bỏ phiếu đông chưa từng thấy.
    Ngày càng có rất nhiều người muốn bày tỏ chính kiến. Tự điều hành đất nước, khẳng định bản sắc dân tộc và tận hưởng nguồn tài nguyên dồi dào là ước mơ của phe đòi độc lập. Phía ủng hộ Vương quốc Anh e ngại việc chia ly sẽ khiến cho cả đôi bên phải trả một cái giá đắt và mang lại tình trạng bấp bênh tai hại cho nền kinh tế.
    Theo La Croix, giả sử phe nói “không” giành ưu thế, người Scotland cũng chẳng mất mát gì. Họ cũng sẽ được hưởng quyền tự trị rộng lớn hơn, trên phương diện ngân sách, y tế … như hứa hẹn của London. Dù sao thì người dân Scotland cũng đã tạo ra được hình ảnh về một cuộc tranh luận sôi nổi và sâu sắc. Trước khi có kết quả trưng cầu dân ý, họ vẫn chứng tỏ một sự chín chắn về ý thức dân chủ.
    Từ khi Scotland gia nhập năm 1707, Vương quốc Anh bao gồm 4 thực thể: Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.
    Sau cuộc bầu cử nghị viện năm 2007, đảng Dân tộc Scotland về đầu tuy không chiếm được đa số, thành lập chính phủ thiểu số. Đến năm 2011, đảng này lần đầu tiên chiếm được đa số quá bán tại nghị viện (69 trên 129 ghế). Hệ quả là ngày 15/10/2012, Thủ tướng Anh David Cameron ký thỏa thuận cho phép Scotland tổ chức trưng cầu dân ý ngày 18/9/2014.
    “Độc lập” hay “cơn phẫn nộ xã hội”
    Bài xã luận của tờ L’Humanité đi tìm nguyên nhân của sự chia ly. Theo tờ báo, Vương quốc Anh “bị phân rã là do chủ trương tự do hóa”. Đây chính là lỗi của “những đường lối chính sách theo chủ trương của cố Thủ tướng Thatcher và cựu Thủ tướng Tony Blair”.
    Chủ nghĩa tự do hóa kinh tế-xã hội đã lộ rõ hai mặt bạo tàn và khắc nghiệt, phá hỏng đi hình ảnh nhà nước phúc lợi xã hội được xây dựng vào năm 1945. Xã hội bị bóp méo, việc làm bị trả lương thấp và không được luật pháp bảo vệ. Một Vương quốc Anh quá khắc nghiệt đến mức ngày càng có nhiều người thấp cổ bé họng bị gạt ra bên lề xã hội tại Scotland.
    Đối với người dân Scotland, nói “có” với độc lập không có nghĩa là chống lại Hiệp ước liên kết 1707 nối liền Anh với Scotland, mà là vì họ muốn xua đuổi đi "bóng ma" của các chủ trương theo “trường phái tự do hóa” của Thatcher và Tony Blair.
    Nếu Scotland chia tay, Thủ tướng Anh có đi theo?
    Libération đặt câu hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu phe ủng hộ độc lập giành thắng lợi?”. Theo đánh giá của tờ báo, hậu quả đầu tiên là Thủ tướng David Cameron có thể sẽ phải ra đi, dù rằng ông vẫn khẳng định sẽ không có chuyện từ chức. Libération nhận xét: “Không ai dám đánh cược chuyện sống còn về đời sống chính trị của Thủ tướng Anh, người có lẽ đã phá vỡ hiệp ước liên kết 1707”.
    Bên cạnh đó, giới chính khách Vương quốc Anh phải đối mặt với một bài toán hóc búa khác : Tổng tuyển cử, trên nguyên tắc là diễn ra vào tháng 5/2015. Một loạt các câu hỏi được đặt ra: Cứ cho là cuộc bầu cử vẫn được duy trì, chuyện gì xảy ra cho 49 nghị sĩ Scotland? Liệu họ sẽ giữ ghế chỉ cho một năm, trước khi độc lập, hay họ sẽ bị gạt ra khỏi cuộc bỏ phiếu?
    Những vấn đề gai góc mà Scotland phải đối mặt
    La Croix cho rằng “thực trạng đất nước là tâm điểm của cuộc bỏ phiếu”. Điều đầu tiên tờ báo chắc chắn là cho dù kết quả như thế nào Nữ hoàng Elizabeth vẫn là Nữ hoàng của người Scotland và họ cần phải giải quyết nhiều vấn đề như chính sách an sinh xã hội, thuế khóa, ngân sách cho khu vực.
    Tờ báo điểm ra những vấn đề nổi cộm và có thể sẽ gây nhiều khó khăn trong trường hợp phe đòi độc lập giành thắng lợi. Hồ sơ gai góc hàng đầu là vấn đề tài chính và ngân sách. Phe đòi độc lập tin rằng có thể dựa vào nguồn thu từ khai thác và xuất khẩu dầu khí (ước tính trị giá 25 tỷ euro). Nhưng “không ai dám chắc rằng các tập đoàn lớn sẽ tái thương lượng các hợp đồng khai thác trong trường hợp độc lập”, nữ chính trị gia Bettina Petersohn nhấn mạnh.
    Scotland cũng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề vay tiền, do sẽ bị mất sự bảo đảm từ phía Vương quốc Anh. Và như vậy Scotland rất có thể sẽ phải chịu một mức lãi suất vay rất cao trên thị trường tài chính và buộc phải “thắt lưng buộc bụng”.
    Cuối cùng là chính sách quốc phòng. Hiện thời lực lượng răn đe hạt nhân của Vương quốc Anh đang đồn trú tại căn cứ Faslane, ngoài khơi Glasgow. Trong trường hợp độc lập, Scotland có thể buộc nước Anh rút hết toàn bộ lực lượng này.
    Vị trí thành viên EU trở nên bấp bênh
    Trước những khó khăn về kinh tế và tài chính mà Glasgow có thể đối mặt, Scotland hy vọng nhiều vào Liên minh Châu Âu. Thế nhưng, Libération tự hỏi liệu việc “ ra khỏi Vương quốc Anh cũng là ra khỏi Brussels?”.
    Theo Libération, câu trả lời sẽ rất là khó. Phe ủng hộ độc lập dự định vẫn ở lại trong Liên minh Châu Âu. Báo La Croix dẫn lời nữ chính trị gia Bettina Petersohn lý giải: “Bởi vì người Scotland đã là công dân Châu Âu, do đó đất nước dự định tiến hành các cuộc thương lượng cho một tiến trình gia nhập Liên minh Châu Âu một cách nhanh nhất”.
    Thế nhưng Libération nhận thấy đây không phải là chuyện dễ. Kết nạp một quốc gia mới được chia cắt ra từ một nước thành viên là điều mà Liên minh Châu Âu chưa bao giờ nghĩ đến. Scotland rất có thể sẽ gặp phải sự phản đối của những quốc gia như Bỉ hay Tây Ban Nha, những nơi các đòi hỏi độc lập ngày càng lớn.
    Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan. Scotland có được vào Liên minh Châu Âu hay không còn phụ thuộc nhiều vào thiện chí chính trị của các nước thành viên. “Chính Londonđã chấp thuận cho mở trưng cầu dân ý về quyền tự quyết” của Scotland, theo giải thích của ông Jean-Luc Sauron, cố vấn chính phủ Pháp, chuyên trách các vấn đề Châu Âu.
    Theo một luật gia, vấn đề đây là một sự chia cắt êm ái… Và cũng nếu như Vương quốc Anh quốc rời khỏi Liên minh Châu Âu vào năm 2017, “Brussels cũng sẽ rất hài lòng khin giữ được một chút gì đó”.
    Scotland đòi "ly dị", Châu Âu rúng động
    Theo RFI, nếu Scotland tách ra khỏi Vương quốc Anh, hệ lụy của vụ ly thân sẽ không giới hạn ở “xứ sở sương mù”.
    Bất kể kết quả trưng cầu dân ý ra sao, hệ quả của bài học Scotland sẽ có tác động đến tương lai Châu Âu trong bối cảnh hiện tại. Theo giáo sư Dominique Moise của Đại học Hoàng gia (King’s College) ở London, trưng cầu dân ý  “độc lập cho Scotland” diễn ra vào thời điểm xấu nhất cho cả Anh quốc lẫn châu Âu.
    Trước hết, đối với nước Anh, nếu phe đòi độc lập thắng thì cả hai bên đều thua. Scotland không đủ sức tự cường như Canada. Còn nếu không có Scotland, Vương quốc Anh  không còn uy lực để duy trì vị thế hiện nay trên trường quốc tế kể cả trong Liên minh Châu Âu.
    Dù ngã ngũ như thế nào, trường hợp Scotland chỉ khuyến khích phe ly khai ở Ukraine. Nhưng không phải chỉ có Ukraine mà tương lai các quốc gia Tây Âu như Tây Ban Nha đang chịu áp lực của vùng Catalan đang đòi trưng cầu ý, hay Vương quốc Bỉ với vùng nói tiếng Flamande muốn tách ra khỏi khu vực nói tiếng Pháp.
    Tách ra khỏi Vương quốc Quốc, Scotland sẽ xin gia nhập Liên minh Châu Âu nhưng chắc chắn sẽ bị Tây Ban Nha phủ quyết. Độc lập nhưng không có quân đội, Scotland sẽ trở thành một tiểu quốc mà an ninh quốc phòng sẽ lệ thuộc vào Vương quốc Anh.
    Công luận thiên về xu hướng “nguyên trạng”và hy vọng cử tri cánh tả ở Scotland sẽ không nhân cơ hội trưng cầu dân ý để  bỏ phiếu tán thành độc lập: không phải vì muốn độc lập, mà chỉ để trừng phạt chính phủ cánh hữu ở London.
    Giáo sư Dominique Moise nhận định: "Hy vọng rằng qua cơn sợ hãi này, những người lãnh đạo chính trị tại London sẽ biết lắng nghe nguyện vọng đến từ Edimbourg và Glasgow”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thoi-khac-quyet-dinh-doi-voi-scotland-va-chau-au-a51285.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan