"Khi Trung Quốc ngừng thu mua chắc chắn doanh nghiệp sẽ chết 100\%, vì nếu không bị lệ thuộc cũng rơi vào tình trạng bị ép giá không có lãi", bầu Đức chia sẻ.
Những ngày này nông dân tại nhiều tỉnh thành phá bỏ hàng ngàn ha cao su để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác, do Trung Quốc giảm thu mua. Ông bình luận gì trước thực tế này? Khi ông lựa chọn thị trường khó tính thì đòi hỏi yêu cầu thế nào và có thể áp dụng đại trà được không?
Cao su là sản phẩm mang tính đặc thù, dễ tiêu thụ mà thị trường công nghiệp cả thế giới có nhu cầu sử dụng chứ không riêng gì Trung Quốc. Tuy nhiên, cao su là loại cây khó tính, có tiêu chí riêng ví dụ như, đất trồng được cao su phải đáp ứng đủ 4 yếu tố thổ nhưỡng là nhiệt độ từ 26 độ C, lượng mưa 1.800 mm trở lên, độ ẩm từ 80\%, tầng đất sâu 1 m và độ cao so với mực nước biển từ 300 m trở xuống.
Bất cứ nước nào khi trồng cao su cũng phải tuân thủ quy luật này, nếu đi ngược quy luật tự nhiên này thì cây cao su không chết, doanh nghiệp cũng sẽ chết. Việc những ngày qua có hiện tượng nông dân chặt phá cao su tôi cho đó cũng là bình thường.
Có thể, nông dân họ thấy cây trồng khác có lợi hơn họ sẽ làm. Về phía HAGL, chúng tôi không có tiêu chí nào khác biệt khi lựa chọn thị trường khác ngoài Trung Quốc. Bởi đây là chủ trương nhất quán đã được định hướng ngay từ đầu: HAGL không sản xuất cao su cho Trung Quốc!
Tại sao hầu hết doanh nghiệp trong nước đều có lựa chọn chung là chọn thị trường dễ tính giá rẻ? Khi đã hướng tới thị trường giá rẻ, dễ tính thì Việt Nam có sự lựa chọn khác ngoài thị trường Trung Quốc không, thưa ông?
Tôi không bình luận về chiến lược phát triển của các doanh nghiệp khác, việc lựa chọn thị trường là do chủ trương, định hướng của mỗi doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp xác định sản phẩm sản xuất ra chỉ để phục vụ và bán cho thị trường Trung Quốc nó sẽ được sản xuất theo tiêu chí bán cho Trung Quốc.
Việc này xuất phát từ thực tế trước đây, việc giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc còn diễn ra bình thường. Thương lái Trung Quốc thường qua biên giới mua bán với Việt Nam lúc đó sản phẩm sẽ bán được nhiều hơn, dễ dàng hơn không có nhiều đòi hỏi khắt khe về chất lượng.
Nhưng cũng phải thấy rõ, Trung Quốc chỉ là một nước có tiềm năng như nhiều nước khác trên thế giới. Thời gian đầu, khi xuất khẩu cao su sang thị trường khác, HAGL có thời điểm phải chấp nhận lỗ, giữ hàng tồn kho cả năm để chờ giá lên.
Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp có một chiến lược riêng nhưng việc phụ thuộc vào một thị trường tôi cho rằng rất rủi ro. Họ thích thì mua không thích ép giá, kiểu gì doanh nghiệp cũng sẽ chết. Do đó, các doanh nghiệp phải tiến tới đa dạng thị trường.
Sản phẩm cao su của HAGL chưa bao giờ xuất khẩu sang Trung Quốc, trên thực tế, Trung Quốc cũng không phải là nước sủ dụng mủ cao su lớn nhất thế giới. Tất nhiên, để len lỏi được vào thị trường thế giới thì cũng đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn, chặt chẽ hơn.
Và thực tế là khi doanh nghiệp trong nước gặp khó thì bầu Đức vẫn sống khỏe?
Bầu Đức khẳng định: "HAGL không sản xuất cao su cho Trung Quốc". |
Đó là do định hướng từ đầu từ doanh nghiệp. Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định không bán cao su cho Trung Quốc, HAGL không sản xuất cao su phục vụ Trung Quốc. Do đó, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ, kỹ thuật hiện đại bên cạnh việc phát triển trồng cây cao su còn hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả thành phẩm sau chế biến.
Và mỗi thị trường đều có một yêu cầu về chất lượng cao su khác nhau, chúng ta phải mạnh dạn đầu tư và làm đa dạng các sản phẩm. Hiện tại, chúng tôi không phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện có một số công ty luôn chú trọng khách hàng là Trung Quốc, thậm chí chỉ có một khách hàng duy nhất là Trung Quốc. Tôi cũng không hiểu chiến lược phát triển của họ nhưng điều này, như tôi đã cảnh báo là rất nguy hiểm.
Bởi khi Trung Quốc ngừng thu mua chắc chắn doanh nghiệp sẽ chết 100\%, bất cứ doanh nghiệp lớn nào cũng không thể làm ăn kiểu này. Vì nếu không bị lệ thuộc cũng rơi vào tình trạng bị ép giá không có lãi.
Đứng trước thực tế giá cao su sụt giảm như hiện nay, tôi cho rằng đây cũng là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Trước sau họ cũng phải tìm tới thị trường khác dù biết trước khó khăn nhưng không phải không có cơ hội.
Hiện tại cây cao su bị chặt phá hàng loạt, số còn lại thì trong tình trạng rớt giá vì giá xuất đi Trung Quốc quá rẻ, đứng ở góc độ nhà đầu tư kinh doanh ông có chấp nhận việc có lãi bằng mọi giá còn lỗ nông dân gánh chịu không?
Tôi không cho rằng các doanh nghiệp bán hàng bằng mọi cách, không nên bình luận vì mỗi doanh nghiệp có một chiến lược riêng.
Xuất khẩu phụ thuộc một thị trường chắc chắn sẽ chết. |
Nếu vậy thì phải hiểu thế nào về chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất cao su trong nước, thưa ông?
Khi gặp khó khăn sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn nhận lại. Ở thời điểm hiện nay, tôi cho rằng doanh nghiệp nào còn vốn không nên vội bán ra bằng mọi cách, giữ lại lượng hàng tồn kho. Vì cao su là sản phẩm của cả thế giới.
Thứ hai, do thị trường cao su lên xuống không ổn định trong năm, những người trồng cao su phải nắm rõ thị trường cần bán lúc nào và không bán lúc nào. Vì nếu trồng cao su mà được tính toán kỹ, sẽ không bị thiệt.
Vì cao su là nhu cầu của cả thế giới, trong khi đó hiện nay trên thế giới chí có 4 nước trồng nhiều cao su nhất, trong đó có Việt Nam.
Trung Quốc không có quyền quyết định giá cao su, giá cao su là do thế giới quyết định. Cao su không giống như sản phẩm nông nghiệp khác, như nhãn, dưa hấu, vải thiều.. bị tồn kho, ứ đọng tại cửa khẩu dẫn tới hư, thối thì thiệt hại rất lớn.
Đó là kết quả của chiến lược làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, không có tầm nhìn lâu dài.
Bầu Đức đầu tư vào nông nghiệp nhưng ko phát triển trong nước cái khó là gì? Ông có tính chuyện đầu tư trong nước giúp nông dân Việt Nam làm giàu không và vì sao?
Tôi vẫn làm nông nghiệp trong nước đấy chứ. Ví dụ như dự án nuôi bò tại Gia Lai của tôi.
Tôi cũng phải khẳng định, tôi không giúp được gì cho nông dân, nhất là về cơ chế, chính sách. Tôi chỉ có thể đầu tư vào công nghệ, kỹ thuật từ đó để người dân làm theo, giúp họ học hỏi những kinh nghiệm, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới ổn định thu nhập, giúp nông dân thoát nghèo.
Tôi tình nguyện là người đi đầu, làm thí điểm. Khi áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, tôi tin sẽ có nhiều doanh nghiệp trong nước và người dân làm theo. Khi đó, chắc chắn nền sản xuất trong nước sẽ đi từ hiện đại hóa đến hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!