Là người đầu tiên mạnh dạn lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp, bầu Đức có lẽ không ngờ rằng ông sẽ tạo ra một trào lưu mới cho các doanh nghiệp bất động sản khác bởi lợi nhuận khổng lồ mà tập đoàn HAGL sẽ thu được.
Từ "bài học" thành công của bầu Đức
Trong kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2014, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã "cập bến an toàn" sau quyết định đầu tư tới 18.000 tỷ đồng để làm nông nghiệp công nghệ cao. Theo bầu Đức, trong tất cả các lĩnh vực, không ngành nào sinh lãi cao như nông nghiệp. Nếu đầu tư đúng hướng, việc đạt lợi nhuận 150\% là đơn giản.
Để minh chứng cho sự thành công của mình, HAGL đã công bố kết quả kinh doanh ấn tượng: năm 2013, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2013 của HAG đạt 2.771 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 999 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận năm 2014 là 1.460 tỷ đồng, tăng 50\% so với năm 2013. Trong đó dự án trồng cao su tại Lào dự kiến sẽ mang về lợi nhuận khổng lồ - 300 triệu USD/năm.
Không chỉ dừng lại ở việc trồng cao su, trồng mía, đầu tháng 6 vừa qua, tập đoàn HAGL cũng tuyên bố chính thức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng cho việc chăn nuôi đàn bò sữa và thịt.
Theo đó, tập đoàn sẽ hợp tác chiến lược với hai đối tác lớn trong ngành thực phẩm là Vissan và Nutifood để có đầu ra cho các sản phẩm từ đàn bò của bầu Đức. Theo chủ tịch HAGL, việc nuôi bò sẽ có thể mang tới lợi nhuận ngay trong năm 2015.
Đến làn sóng đại gia BĐS làm "nông dân"
"Bài học" thành công của bầu Đức đã khiến cho không ít "đại gia" bất động sản có tiềm lực thật sự coi ngành nông nghiệp như một lĩnh vực tiềm năng và "đáng đồng tiền bát gạo".
Hàng loạt các công ty có tiếng trong ngành bất động sản đã gia nhập vào sân chơi này, có thể kể đến những cái tên như Đức Long Gia Lai, Tập đoàn Hưng Thuận, Tập đoàn Tân Tạo, Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, Công ty Đầu tư Thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền...
Cụ thể, Công ty bất động sản Đức Long Gia Lai vừa thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông nghiệp Đức Long Gia Lai với số vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty này là trồng ngô và cây lương thực có hạt, trồng cây lấy củ có chất bột, trồng mía, trồng cây lấy hạt, lấy quả chứa dầu, cao su...
Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức cũng quyết định chọn hướng kinh doanh mới là ngành nông lâm sản và phân bón. Dự kiến trong năm nay, Nhà Thủ Đức sẽ ký nhiều hợp đồng xuất khẩu mặt hàng lâm sản, nông sản, sản phẩm phục vụ nông nghiệp, khoáng sản, thức ăn gia súc…. Theo kế hoạch doanh thu năm 2014, doanh thu kinh doanh nông sản đạt 192 tỷ đồng, chiếm 36\% tổng doanh thu.
Tập đoàn Công nghiệp Tân Tạo cũng công bố thành lập Công ty Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm. Tương tự, Công ty Đầu tư Thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền cũng đã tham gia góp 51\% vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Ascentro. Ascentro có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, chuyên bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.
Tập đoàn Hưng Thuận, chủ đầu tư các dự án bất động sản và khu công nghiệp, cũng thành lập Công ty Đầu tư sinh thái Vina Yến để đầu tư nuôi yến, trồng lan và nuôi cá tại tỉnh Long An.
Ban lãnh đạo công ty Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia cho biết sẽ khởi công dự án sản xuất gạo và phụ phẩm cám gạo sẽ được sử dụng làm thức ăn cho cá. Vỏ trấu sẽ được sử dụng làm nhiên liệu đốt, dự án ép trấu thành thanh củi sẽ được triển khai đi kèm.
Tuy nhiên, làn sóng doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có phải là tín hiệu tốt hay không vẫn cần thời gian trả lời. Bởi dù hứa hẹn sẽ lãi lớn nhưng nông nghiệp thực tế không phải lĩnh vực "dễ xơi", còn cần rất nhiều yếu tố khác như quỹ đất, vốn lớn, định hướng điều hành đúng đắn mới là những yếu tố quyết định mang tới thành công cho doanh nghiệp.