(ĐSPL) - Nước Pháp đang trải qua một cơn “địa chấn” tư tưởng khi ngay tại trung tâm Paris, lần đầu tiên các nhà báo bị giết hại ở chính tòa soạn. Vụ xả súng tàn bạo vào buổi trưa ngày 7/1 (giờ Pháp) đã khiến 12 người thiệt mạng, 11 người bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng. Đây là vụ trả thù của những kẻ khủng bố mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan, chúng vừa nhả đạn tàn sát các nạn nhân, vừa hô trả thù cho Đấng tiên tri Mohammed.
Họa sỹ Charb tại tòa soạn Charlie Hebdo ngày 19/9/2012. |
Tự do bị ám sát
Làng báo thế giới bị một phen rúng động trước tin tức các đồng nghiệp của mình tại tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo bị tàn sát ngay trong cuộc họp nội dung. Nhiều tờ báo của Pháp đã để một chiếc băng đen trên măng sét như để tang cho các nạn nhân xấu số. Tờ Le Figaro chuyển màu xanh truyền thống trên trang nhất của mình thành màu đen và đặt hàng tít lớn: “Tự do bị ám sát”.
Theo bản tường trình của cảnh sát Trưởng thành phố Paris Francois Molins vụ việc xảy ra trong vòng 5 phút trưa ngày 7/1 theo giờ Pháp (khoảng 18h30 giờ Việt Nam). Hai người đàn ông mặc đồ đen, nón trùm đầu, mỗi người trang bị một khẩu AK tiến đến trụ sở của tuần báo Charlie Hebdo.
Chúng ép một họa sỹ nhập mã khóa để mở cửa vào tòa nhà và xông thẳng lên tầng hai, nơi ban biên tập của Charlie Hebdo đang họp. Các phóng viên, biên tập viên và họa sỹ của tòa soạn đều có mặt trong buổi họp duy nhất trong tuần. Chúng hướng khẩu súng về phía những người đang ngồi họp và lạnh lùng nổ súng.
“Mọi việc chỉ diễn ra trong khoảng 5 phút. Tôi cứ ngồi im dưới gầm bàn thôi. Chúng nói tiếng Pháp khá trôi chảy và tự xưng là thành viên của al-Qaeda”, họa sỹ Corinne Rey, nhân chứng sống sót kể lại. Vụ khủng bố khiến cho 12 người chết trong đó ít nhất có 5 thành viên ban biên tập Charlie Hebdo và 11 người bị thương.
Nghi phạm là những kẻ khát máu
Cảnh sát nhanh chóng xác định hai nghi phạm chính là Sad và Chérif Kouachi, 34 và 32 tuổi. Cả hai mang quốc tịch Pháp. Năm 2008 Chérif từng bị kết án vì tội tham gia một đường dây thánh chiến tại Iraq. Nghi phạm thứ ba trong vụ khủng bố đẫm máu ở Paris đang bị cảnh sát truy lùng là một thanh niên 18 tuổi, Mourad Hamyd. Nhân vật này vào đêm ngày 7/1 đã tự động đến trình diện cảnh sát tại Charleville-Meières, vùng Ardennes, miền Đông Bắc nước Pháp.
Các nguồn tin cảnh sát cho hay, Mourad Hamyd là em vợ của Chérif Kouachi và bị nghi là đã giúp đỡ hai anh em nhà Kouachi thực hiện vụ khủng bố ở Paris. Tuy nhiên, một số nguồn tin thông thạo cho hay, Hamyd trình diện cảnh sát do thấy tên mình trên các mạng xã hội. Nhiều nhân chứng xác nhận là vào lúc tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại Paris bị tấn công, Mourad Hamyd đang đi học.
Trong số những người thiệt mạng có tổng biên tập của tạp chí ông Charbonnier, bút danh là Charb, là một trong những họa sỹ biếm họa nổi tiếng nhất nước Pháp. Ba họa sỹ khác của tờ Charlie Hebdo cũng bị bắn chết là Cabu, Tignous và Wolinski, những người từng nhiều lần vẽ các bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi. Tổng biên tập Stéphane Charbonnier từng nhiều lần nhận được lời đe dọa lấy mạng và phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Nhưng cả viên cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ họa sỹ Charb cũng thiệt mạng trong vụ tấn công này.
Lại nổ súng ở Paris, một nữ cảnh sát thiệt mạng Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo, tại Pháp lại xảy ra một vụ nổ súng ở Montrouge, ngoại ô phía Nam Paris. Thủ phạm đã sử dụng vũ khí hạng nặng tấn công làm một người chết và một người bị thương nặng. Viện Kiểm sát Paris cho biết quyết định điều tra khủng bố được đưa ra “trong bối cảnh hiện nay” sau vụ thảm sát ở tuần báo Charlie Hebdo, “với việc thủ phạm sử dụng vũ khí hạng nặng và hành động cố ý nhắm vào cảnh sát”. Hai nạn nhân là một nhân viên giao thông và một nữ cảnh sát trong tình trạng nguy kịch, trong đó người cảnh sát bị thương quá nặng đã tử vong. Nghi phạm, một người đàn ông mặc áo giáp chống đạn, trang bị súng lục và súng máy hiện đang bị truy lùng. Hiện có hai nghi can đang bị câu lưu. |
Le Monde dẫn lời Tổng biên tập vừa thiệt mạng, Stéphane Charbonnier, hay còn gọi là Charb, trong cuộc phỏng vấn với tờ báo cách đây 2 năm rằng ông không bao giờ hạ vũ khí của mình, là cây bút. “Tôi thà chết chứ không muốn sống mà phải quỳ gối”, Charb nói trong cuộc phỏng vấn.
Những ngày vừa qua, hàng chục nghìn người dân đã đổ xuống đường cùng với nến và hoa trong cái lạnh của ngày đông để cầu nguyện cho linh hồn những nạn nhân xấu số, những người đã thiệt mạng trong vụ tấn công kinh hoàng ngay giữa Thủ đô Paris nước Pháp. Mọi người cầm theo và giương cao biểu ngữ “Je suis Charlie” nghĩa là “Tôi là Charlie”, “Not Afraid” nghĩa là “Không sợ hãi” để thể hiện tinh thần cứng rắn, không chùn bước trước những kẻ tấn công bất chính.
Charlie Hebdo sẽ hồi sinh
Là một tờ báo trào phúng, đề cập đến mọi chuyện thời sự bằng cái nhìn hài hước phê phán hiện thực xã hội, Charlie Hebdo luôn phải đối mặt với những kiện cáo, đe dọa tấn công mà đỉnh điểm là vụ thảm sát tại toà soạn ở Paris.
Ảnh truy nã hai anh em nghi phạm Chérif Kouachi (trái) và Sad Kouachi trong vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo ngày 7/1/2015 do bộ Nội vụ Pháp công bố. |
Sự việc xuất phát từ năm 2006 khi tuần báo trào phúng này đăng tải ở các trang trong của tờ báo 12 hình biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Mohamed. Đó là những tranh biếm họa đã xuất hiện lần đầu trên nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten và gây phản ứng dữ dội trong thế giới Hồi giáo.
Năm 2011, tuần báo lại làm dấy lên một cuộc tranh luận khác khi phát hành số đặc biệt lấy tên Charia Hebdo (nhại theo luật charia Hồi giáo). Lần này thì tòa báo đưa hình biếm họa thánh Mohamed lên trang bìa. Ngay trong đêm mùng 1 rạng sáng 2/11/2011, trước khi báo ra, trụ sở của Charlie Hebdo đã bị phóng hỏa thiêu trụi. Ban biên tập phải mượn tạm văn phòng của báo Libération để làm việc.
Từ đó đến nay, Charlie Hebdo thường xuyên là đối tượng của các đe dọa vì những trang báo hài hước bị cho là có nội dung phỉ báng đạo Hồi. Ngày 22/09/2012, một trang mạng thánh chiến Hồi giáo đã đăng tải lời kêu gọi chặt đầu lãnh đạo ban biên tập tờ báo. Cũng trong năm này, thông tấn xã Reuters loan tin chủ biên Charlie Hebdo Stéphane Charbonnier đã được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát.
Vài phút trước cuộc tấn công cướp đi sinh mạng của 12 người ngày 7/1/2015, Charlie Hebdo đã đăng tải lên tài khoản Twitter một hình biếm họa chế nhạo thủ lãnh nhóm Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi. Đây một tranh biếm họa năm mới của thủ lãnh nhóm Nhà nước Hồi giáo với hàng chữ, “Tiện đây, xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất”.
Vụ thảm sát không những không thể làm nhụt chí của Charlie Hebdo mà còn thổi bùng lên trong họ sức mạnh của sự đoàn kết. Ê-kíp sống sót sau vụ thảm sát gồm khoảng 12 người ngày 9/1 họp tại tòa soạn nhật báo Libération, nơi cho đặt nhờ trụ sở, để bắt đầu làm việc. Luật sư của tờ báo, ông Richard Malka nhấn mạnh: “Cần phải cho ra đời số báo mới, đây là phương cách tốt nhất để vinh danh những người đã bỏ mình và chứng tỏ rằng họ không giết được chúng tôi. Đó sẽ là số báo của những người sống sót”.
Từ sau vụ thảm sát, tờ báo đã nhận được vô số đề nghị hỗ trợ dưới dạng giúp đỡ tài chính, đặt mua báo hay tặng trang thiết bị. Những người có trách nhiệm của Charlie Hebdo đã gặp gỡ các cơ quan truyền thông ngỏ lời muốn trợ giúp, nhằm cụ thể hóa các dự án này.
Số báo ra hôm thứ Tư 7/1, đúng vào ngày bị khủng bố, hiện nay đã hết sạch trên các quầy báo và đang được rao bán trên internet với giá rất đắt, nhất là trên trang e-Bay. Và số báo ra sạp vào thứ Tư tới sẽ được in một triệu bản. “Tuần báo Charlie Hebdo sẽ xuất bản vào thứ Tư tuần tới với số lượng phát hành một triệu ấn bản”, ông Malka nói.