Họ là những người phụ nữ cả đời gắn bó với "nghiệp hoa", lặng lẽ đem lại niềm vui cho những người phụ nữ khác vào ngày 20/10. Thế nhưng với họ, cơ may được tặng một bó hoa vào ngày này dường như chỉ là một ước mơ xa xỉ.
Dậy từ lúc gà chưa gáy
0h sáng, khi những con phố của Hà Nội đã vắng bóng người qua lại, mọi người chìm trong giấc ngủ êm đềm thì tại chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), mọi hoạt động kinh doanh đã bắt đầu. Trong cái lạnh của buổi sớm, những người phụ nữ tất bật bên những xe hoa trĩu nặng mới nhập về.
Nhanh tay chuyển những bó hoa đã được chọn lựa cẩn thận lên xe, chị Hoàng Thị Yến cho biết: "Về đêm sương xuống độc lắm, nhưng hoa muốn tươi thì phải luôn có nước. Cái lạnh buổi sớm cộng thêm quần áo, tay chân lúc nào cũng ướt đẫm khiến chúng tôi hay bị cảm lạnh. Nhưng công việc của mình đặc thù như vậy".
Chợ nơi đây đa phần là phụ nữ. Chị Yến cho biết nhà chị cách chợ Quảng An hơn 30km nhưng đêm nào chị cũng cố gắng đến chợ thật sớm để chọn được những gánh hoa tươi và đẹp nhất. Đây là chợ hoa lớn nên chỉ lười ngủ thêm vài phút là đến chợ muộn và... hết hàng. Vậy nên dù nắng, mưa hôm nào chị cũng có mặt lúc 0h và trở về nhà lúc 6h sáng để kịp có hoa ra chợ bán.
Đưa tay chỉ về phía người đàn ông đang ngồi nói cười vui vẻ ở quán trà đá gần đó, chị Yến nói thêm: “Thỉnh thoảng người không khỏe “nịnh” mãi chồng mới đi cùng để có người “xế” cho đỡ mệt. Nhưng cũng chỉ chở vợ đến nơi là anh ngồi uống trà đá còn cả thế giới để vợ gánh. Công việc buôn bán ở chợ đa phần là do phụ nữ chúng tôi lo liệu. Những anh chồng chỉ đưa vợ tới, đợi xếp hàng lên xe rồi chở hàng về. Khi chúng tôi toát mồ hôi mặc cả rồi tranh nhau từng mẻ hoa thì các đức ông chồng vô tư hì hụp những bát phở bốc hơi nghi ngút hoặc ngồi tán chuyện trong khi đợi vợ”.
Đứng bên cạnh chị Yến, chị Hảo (Hưng Yên) cười cười chia sẻ thêm: “Nhờ được chồng đi cùng là may lắm rồi, như tôi, hơn 1 tiếng đồng hồ chạy xe từ nhà ra chợ, 3 năm nay đều lầm lũi một mình. Mưa nắng không ai biết, ốm đau chẳng có người sẻ chia. Chồng ở nhà cứ nghĩ mình nhàn lắm, dậy sớm một chút đi lấy hàng rồi về ngồi ở chợ “buôn dưa” cả buổi có gì mà nặng với nhọc”.
Bàn tay thoăn thoắt buộc hàng của chị Hảo bỗng khựng lại, trong khi chúng tôi hốt hoảng vì vết máu trên ngón tay trỏ của chị thì chị nhanh nhẹn chùi vệt máu vào chiếc quần đầy bùn đất rồi chìa hai bàn tay chằng chịt những vết xước sạm màu ra trước mặt: “Xây xát thế này cũng bình thường thôi em ạ, còn có cả những vết cứa chưa lành đây này. Làm cái nghề này, chân tay không chằng chịt vết xước mới là chuyện lạ. Hoa đẹp thường có nhiều gai mà”.
Vừa nói chị vừa xoay bàn tay rồi chỉ cho chúng tôi xem những chỗ sưng, những vết xước chưa kịp lành miệng.
Và những ngày kỷ niệm không hoa
6h sáng, chợ tàn. Người lấy buôn nặng nề với núi hoa sau lưng cao ngập đầu, người vội vã lên xe để kịp giờ mở cửa hàng bán cho khách lẻ. 8h sáng, tại một số cửa hàng hoa trên phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), không khí làm việc khẩn trương, tất bật của những nhân viên tại các cửa hàng hoa đã vào guồng.
Chị Thùy Dương trải lòng về công việc cắt tỉa hoa tươi của mình. |
Trò chuyện về công việc của mình, cô gái trẻ Thùy Dương (nhân viên chuyên cắm hoa tại một cửa hàng trên phố Trung Kính) cho hay, ngày thường công việc bán hoa cũng không đến nỗi vất vả quá so với nhiều nghề khác nhưng cứ mỗi khi đến dịp lễ là họ phải làm thông cả ngày lẫn đêm.
“Năm nào cũng vậy, từ ngày 16/10 lượng khách mua hoa tăng gấp đôi ngày thường. Chúng tôi phải làm từ sáng sớm tới khuya mới đủ hàng cho khách lấy. Càng cận kề ngày lễ, càng phải chạy đua với thời gian. Với lại, khách đã quen mua hàng với chúng tôi nên phải đảm bảo được uy tín của cửa hàng, không thể chậm trễ được”, Thùy Dương cho biết.
Trong cửa hàng hoa, không chỉ có Thùy Dương mà còn có nhiều nhân viên nữ khác, người cắt xốp, người cắm hoa, người bán hàng... Mỗi người một việc không lúc nào ngơi tay.
Thùy Dương chia sẻ thêm: “Làm cả mấy tháng mới có một ngày lễ để tăng thêm thu nhập, vì thế ai cũng cố gắng làm việc, nhận được lời khen của khách hàng là niềm an ủi lớn nhất đối với chúng tôi. Vì chúng tôi mải làm không có thời gian ngồi ngắm nghía sản phẩm mình tạo ra”.
Thùy Dương kể gần 4 năm điểm tô cho những bó hoa, lẵng hoa bán cho khách hàng đi tặng, nhưng cô chưa một lần được ai đó tặng một bó hoa tươi. Cô nói: “Vì tôi buôn bán hoa tươi rồi nên chẳng ai còn mang hoa đến tặng cho tôi nữa. Đôi khi nghĩ cũng buồn, khi tất cả các chị em được nhận hoa thì chúng tôi lại chẳng được. Nhưng nghề chọn mình rồi biết làm sao”.
Chị Hằng đang nhanh tay cắm hoa cho khách. |
Không coi bán hoa là một công việc chính, chỉ những ngày rằm, mùng một hay ngày lễ thì chị Lê Thị Hằng (SN 1985, quê Hưng Yên) mới lấy hoa về bán. Tuy nhiên, đã gần 10 năm nay, người dân quanh con phố Trung Kính cũng đã quá quen thuộc hình ảnh sáng sáng vợ chồng chị cùng dọn hàng hoa quả kèm những bông hoa tươi ra bán.
Chị Hằng kể: “Vợ chồng tôi từ quê lên Hà Nội lập nghiệp đã được 10 năm nay. Trong khoảng thời gian ấy chúng tôi chủ yếu buôn bán hoa quả, nhưng run rủi thế nào tôi lại làm thêm nghề bán hoa tươi. Tôi không bán hoa thường xuyên nhưng cứ đến ngày lễ là tôi lại nhận hoa về bán”.
Chị Hằng cho hay vì bán hoa tươi rồi nên ông xã của chị cũng bớt đi sự lãng mạn với vợ. Chị chưa bao giờ nhận được bất cứ một bông hoa nào từ người bạn đời của mình.
“Không biết những người phụ nữ làm nghề bán hoa tươi thì thế nào, nhưng tôi chưa bao giờ nhận được bông hoa từ chồng, vợ chồng tôi thi thoảng vẫn thường hay trêu nhau: “Nhà bán hoa tươi thì em thích bông nào em cứ tự lấy nhé”. Thế rồi, anh tặng tôi những món quà nho nhỏ khác. Như vậy, tôi cũng cảm thấy ấm áp rồi”, chị Hằng chia sẻ niềm vui bình dị của mình.
Còn với chị Yến, chia sẻ về ngày 20/10 của mình, chị cười buồn: “Ngày này niềm vui duy nhất chỉ là bán được nhiều hàng hơn, thu nhập tăng thêm một chút. Chứ với tôi, được chồng con tặng một bó hoa hoặc một món quà nhỏ trong ngày này là điều... không tưởng. Sống với nhau hơn hai chục năm, con gái lớn giờ cũng lập gia đình rồi nhưng tôi có bao giờ được tặng hoa đâu?
Nhiều khi thấy những chị em khác nhận được sự quan tâm của chồng trong những ngày đặc biệt cũng cảm thấy chạnh lòng, nhưng rồi đành tự an ủi mình rằng: Sống với nhau cả đời, cứ an ổn là được rồi, lãng mạn có thì tốt mà không có cũng chẳng sao”.
Với chị Hằng, những năm bán hoa tươi vào ngày lễ 20/10, kỷ niệm mà chị nhớ nhất đó là được nhận hoa từ khách hàng. Nhưng hoàn cảnh nhận hoa lại hết sức oái oăm. Chị kể: “Có lần đang ngồi cắm hoa để kịp bày bán, có vị khách vào quán với một giỏ hoa. Tôi bất ngờ không hiểu họ muốn làm gì, khách đứng thẫn thờ một lát thì đưa tôi giỏ hoa kèm với đó là lời giải thích thấy hoa của cửa hàng tôi cắm đẹp quá, nhưng trót mua cửa hàng khác mất rồi nên tặng lại tôi giỏ hoa đó và mua một giỏ khác mà chính tôi trực tiếp cắm. Đó cũng là kỷ niệm mà tôi nhớ mãi”. |
Hoàng Bích - Phong Linh