Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân 47 tuổi (ở Hà Nội) bị suy thận - vô niệu/Gout mạn - biến dạng khớp nặng, nhiễm trùng hạt tophi, thiếu máu nặng.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, nằm liệt giường và đau đớn. Ngoài ra, các khớp gối của bệnh nhân bị biến dạng nặng, sần sùi.
Qua khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân sử dụng rượu bia trên 25 năm, chẩn đoán gout gần 20 năm. Đợt này vào viện với chẩn đoán: suy thận - vô niệu/Gout mạn - biến dạng khớp nặng, nhiễm trùng hạt tophi - thiếu máu nặng, sức khoẻ suy kiệt, nhăn nhó vì đau. Đây là ca bệnh rất điển hình, tại các hội nghị, các tài liệu sách vở rất rất hiếm có hình ảnh đặc trưng của Gout mạn giai đoạn có biến chứng nặng.
Bàn chân bị biến dạng khớp sần sùi nhìn rất đáng sợ |
BS. Lưu Xuân Hào, người tiếp nhận bệnh nhân trong ca trực đêm 24/10 chia sẻ: "Cuộc đời có nhiều mảnh ghép, mỗi một mảnh ghép là một nỗi đau. Rượu bia, một người bạn có lẽ là trung thành với con người nhất. Tại sao lại vậy? Vì vui hay buồn, người bạn này đều có mặt. Song hành cùng người bạn rượu là cô nàng món nhậu: lòng lợn, tiết canh, thịt chó, hải sản.
Vậy rồi, từ anh “chàng rượu bia” và “cô nàng các món nhậu”, anh bạn Acid Uric được mùa cứ dần dần tăng. Từ đây, “người bạn Gout tri kỷ cả đời” dần dần lộ diện. Theo năm tháng “bạn Gout” dần dần không còn trung thành tức là không chịu sống hoà bình nữa mà “phản bội” chủ nhân và tạo nên biến dạng khớp, mọc đầy hạt tophi, hoành hành thân chủ bằng những cơn đau, những vết loét nhiễm trùng hạt tophi, rồi liệt giường...".
Vậy Bệnh Gout là gì?
Đây là một bệnh khớp vi tinh thể, do rối loạn chuyển hóa các nhân Purin, đặc trưng của bệnh là tăng acid uric trong máu, lắng đọng tinh thể monosodium urat ở các mô.
Người bị viêm khớp do gout ( sưng - nóng - đỏ - Đau tại khớp viêm, có thể viêm ở 1 khớp hoặc nhiều khớp. Thường ở các khớp gót chân, mắt cá chân, gối, cổ tay, khủyu tay, ngón tay...ít gặp ở khớp lớn. Toàn thân sốt 38 - 38,5 độ C ), mọc các hạt tophi, bệnh thận ( do gout và sỏi tiết niệu)....
Nguyên nhân gây bệnh do tăng acid uric máu: khi nồng độ AU vượt quá giới hạn tối đa của độ hòa tan urat trong huyết thanh. Nồng độ urat huyết thanh liên quan rất chặt chẽ với nồng độ ure, creatinin máu, khối lượng của cơ thể, chiều cao, tuổi, huyết áp và UỐNG RƯỢU. Nhưng, do đặc điểm hormon giới tính nên urat huyết thanh nữ thấp hơn nam( giảm tái hấp thu, tăng bài tiết qua mước tiểu ở nữ)
Phân loại gout: nguyên phát có thể do di truyền nhưng còn chưa rõ. Người bệnh ăn thức ăn( ăn nhiều đạm: hải sản, thịt...), uống quá nhiều bia rượu, bia lại chứa nhiều purin, rượu làm đẩy nhanh chu chuyển adenosine triphosphate ( ATP) dẫn đến tăng sản sinh ra acid uric.
Gout thứ phát: Do suy thận dẫn đến giảm thải acid uric, sử dụng thuốc lợi tiểu ( làm tăng tái hấp thu urat và giảm mức lọc cầu thận), các thuốc khác như Heparin, ethanol, cyclosporine..cũng làm tăng acid uric. Ngoài ra còn đó các bệnh về máu, vảy nến, suy cận giáp, suy giáp, nhiễm khuẩn...
Làm thế nào để giảm nguy cơ bị Gout?
Thực hiện tốt chế độ ăn uống và sinh hoạt là giải pháp hữu ích: Có chế độ ăn giảm kalo, giữ trọng lượng cơ thể sinh lý ( theo dân dã nhất là ko béo quá, không gầy quá).
Ăn giảm đạm: thường thịt không quá 150 gam/ ngày. Không ăn nhiều thức ăn chứa nhiều Purin như: phủ tạng động vật, tôm, cua, cá béo, thịt bê, đậu các loại....
Nên ăn Trứng, sữa chua, sữa, hoa quả, rau xanh, ..
Uống : uống nhiều nước trong ngày ( khoảng 2 lít), ưu tiên nước khoáng kiềm.
Không nên : uống nhiều bia rượu, cafe, trà. Khi sử dụng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ.
Tăng cường các hoạt động rèn luyện thể chất, khám sức khỏe định kỳ là cần thiết.
Nam Anh